Chim hoang dã – kẻ gieo rắc hay nạn nhân của vi rút cúm gia cầm?

ThienNhien.Net – Lâu nay, nguy cơ về một đại dịch cúm gia cầm vẫn đang đe dọa Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Đã có nhiều giả định về mối quan hệ giữa cúm gia cầm và các loài chim hoang dã được đưa ra. Tuy nhiên, liệu chim hoang dã có phải là tác nhân làm lây lan H5N1 hay cũng chỉ là những nạn nhân? Đây vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, làm đau đầu các chuyên gia nghiên cứu về cúm gia cầm cũng như các nhà bảo tồn. Mới đây, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi với ông John Pilgrim, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (BirdLife International) tại Việt Nam.

Mối quan hệ giữa các loài chim tự nhiên với H5N1

Thưa ông John Pilgrim, những năm gần đây, dịch cúm gia cầm (H5N1) đã bùng phát ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng nguy hiểm. Đặc biệt, nhiều loài chim tự nhiên đã chết do nhiễm loại virút này. Theo ông, bệnh dịch này có quan hệ như thế nào với các loài chim hoang dã?

– Cúm gia cầm hay còn gọi là cúm gà, là một bệnh gia cầm dễ lây lan, gây ra bởi một loại virút có thể gây bệnh cho cả gia cầm nuôi và các loài chim hoang dã. Chúng có hai loại thể độc lực thấp và cao. Thể độc lực thấp thường được tìm thấy trong các loài thủy cầm và chim biển. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với gia cầm, loại virút cúm này đã chuyển đổi thành thể độc lực cao, mạnh hơn mà chúng ta thường nghe nói đến là H5N1, gây ra cái chết hàng loạt của gia cầm và còn nguy hiểm cả đến tính mạng của con người. Tiếp đó, trong quá trình di cư, các loài chim tự nhiên đã bị nhiễm lại virút H5N1 từ gia cầm, và rồi chúng cũng bị chết.

Liệu có khả năng ngược lại, nghĩa là chim hoang dã trong quá trình di chuyển của chúng vô tình gieo rắc mầm bệnh cho các loài thủy cầm, gia cầm không?

Tôi nghĩ khả năng này hầu như rất thấp bởi chim sống hoang dã khi mắc vi rút H5N1 sẽ chết rất nhanh, chúng không kịp mang mầm bệnh tới nơi khác. Tuy nhiên, các loại chim bị nuôi nhốt trong lồng để bán hoàn toàn có thể mắc bệnh và phân tán vi rút vì chúng sống trong điều kiện vệ sinh kém, dễ nhiễm và phát tán vi rút trong quá trình bị vận chuyển và mua bán.

Tháng 02/2008, người ta đã phát hiện một vài cá thể chim bị chết ở Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương. Ông nhận định ra sao về sự việc này?

Các mẫu bệnh chim chết đã được Cục thú y xét nghiệm và cho kết quả âm tính với H5N1. Các cá thể chim bị chết này là loài ăn sâu bọ, côn trùng. Nguyên nhân chính làm chúng chết là do thời tiết khá lạnh vào cuối tháng 2. Cùng thời điểm này, một số lượng lớn các loài côn trùng và bướm bị chết do quá lạnh. Chúng tôi được biết tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở Tam Đảo. Như vậy, có thể suy đoán rằng chim chết do không chịu được thời tiết lạnh hoặc do cạn kiệt nguồn thức ăn chứ không phải do chúng bị nhiễm H5N1.

Vậy loài chim tự nhiên nào có khả năng nhiễm H5N1 cao nhất? Và ở Việt Nam, vùng nào sẽ có nguy cơ cao đối với H5N1?

– Các loài chim hoang dã sống trong môi trường tự nhiên đều có khả năng nhiễm H5N1. Và ở Việt Nam thì bất kể vùng nào cũng có thể bùng phát dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì những loài thủy cầm và chim nước có nguy cơ cao nhất đối với H5N1, vì nước là môi trường lý tưởng phát tán vi rút. Ngoài ra, những loài chim sống theo bầy, trong đó có loài cò thìa mặt đen đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, vẫn thường di trú tại VQG Xuân Thủy của Viêt Nam, cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Trong môi trường nước, H5N1 có thể tồn tại hơn 1 tuần và có khả năng nhiễm vào cơ thể các loài thủy cầm và chim tự nhiên sinh sống ở đó.

Hội thảo về Công ước đa dạng sinh học (CBD) đã kết luận, hơn 80% các loài chim gồm các loài di trú và loài không di trú có thể gặp rủi ro cao, trong đó gồm số đông các loài thuộc họ quạ và chim kền kền đang được quan tâm đặc biệt. Tác động nguy hiểm của loại virút cúm gia cầm có thể làm lan rộng lây nhiễm trực tiếp sang các loài ở xa, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.

Theo ông, nguyên nhân chính làm cho H5N1 lan rộng ở Việt Nam? Nó có ảnh hưởng như thế nào đối với các loài chim hoang dã?

Đã có ý kiến cho rằng, việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm là nguyên nhân chính trong hầu hết các đợt bùng phát H5N1 trên thế giới cũng như các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của BirdLife về cúm gia cầm cũng chứng minh điều đó.

Theo tôi, việc buôn bán chim cảnh nuôi nhốt trong lồng cũng là một nguyên nhân làm lan truyền H5N1. Những con chim được nuôi nhốt trong điều kiện thiếu an toàn, không bền vững rất có khả năng nhiễm vi rút. Bên cạnh đó, những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, chim cảnh cũng có nguy cơ cao với H5N1 và lan truyền loại vi rút này.

Về ảnh hưởng của H5N1 tới chim hoang dã thì khá lớn, bởi bản thân các con chim đều có khả năng nhiễm cúm gia cầm. Theo nhiều nghiên cứu, các hoạt động chăn nuôi gia cầm tập trung nằm dọc theo đường di cư của chim hoang dã không phù hợp với việc bảo vệ sự lành mạnh của các hệ sinh thái mà các loài chim đang sống phụ thuộc. Chúng làm tăng nguy cơ lây nhiễm các nguồn bệnh giữa chim di trú và gia cầm.

Việc hàng chục nghìn khu đất ngập nước bị mất và suy thoái cũng sẽ góp phần làm tăng mối đe doạ của dịch cúm gia cầm. Mất đất ngập nước trên toàn cầu buộc nhiều loài chim hoang dã phải di chuyển sang các vùng khác như ao nuôi trồng thuỷ sản và các cánh đồng lúa, tạo điều kiện cho chúng tiếp xúc trực tiếp với các loài gia cầm nuôi như gà, vịt, ngỗng và chim.

 
Ông John Pilgrim – Chuyên gia bảo tồn của BirdLife tại Việt Nam trong buổi nói chuyện với ThienNhien.Net. (Ảnh: PanNature).

Chim hoang dã không phải là tác nhân chính “gieo rắc” cúm gia cầm

Một số đợt bùng phát dịch cúm đối với các loài chim hoang dã ở một số nước trên thế giới khiến người ta cho rằng chúng cũng có khả năng là một vật lan truyền loại vi rút này. Và cũng như ông nói ở trên, thì liệu chim hoang dã có phải là tác nhân gieo rắc cúm gia cầm?

Chim hoang dã nhiễm cúm gia cầm có thể bay xa khoảng vài trăm dặm và sẽ lan truyền virút bệnh vào môi trường, làm lây nhiễm cho nhiều loài chim khác. Nhưng dù với khả năng lan truyền như vậy, chim hoang dã vẫn chỉ có thể mang virút trong một thời gian ngắn. H5N1 không thể sống quá một mùa di trú của chim hoang dã. Và thường các con chim hoang dã có thể tái nhiễm bệnh sau thời gian di trú khi tiếp xúc với gia cầm.

Qua so sánh, thì các đợt bùng phát trong năm 2006 ở Camơrun, Ai Cập, Ấn Độ, Ixaren, GioócĐani, Nigiêria, Gibuti, Lào và Pakixtan, cũng như các đợt bùng phát năm 2007 ở Hunggari, Hàn Quốc, Nhật, Anh, Thái Lan và đặc biệt là Inđônêxia đều xuất phát từ nền công nghiệp gia cầm của các nước này. Một nguyên nhân khác là do các hoạt động chăn nuôi gia cầm qui mô lớn nhiều thành phần, cho thấy rằng các con chim di cư không chắc là tác nhân của sự lây truyền.

Theo tôi thì không nên đổi lỗi cho chim hoang dã về sự lây lan của virút cúm gia cầm H5N1. Nhiều bằng chứng khoa học trong Báo cáo của BirdLife về cúm gia cầm cho thấy, chim hoang dã là nạn nhân của H5N1 hơn là vật lan truyền loại virút này. (http://www.birdlife.org/action/science/species/avian_flu/index.html). Một thử nghiệm được tiến hành ở Trung Quốc cũng đã cho biết trong tổng số 30.000 cá thể chim hoang dã được xét nghiệm vi rút H5N1, chỉ có 6 mẫu cho kết quả dương tính.

Cơ quan Thú y (AHS) của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng kết luận rằng, chim hoang dã có thể mang virút gây bệnh, nhưng sự lan rộng của dịch bệnh thường do các hành vi của con người. Hiện có những bằng chứng cho thấy chim hoang dã không phải là nguyên nhân gây bệnh ở những khu vực phát hiện virút H5N1.

Làm thế nào kiểm soát tình trạng lây lan của H5N1?

Ông có thể đưa ra một số lời khuyên cho Việt Nam trong việc kiểm soát cúm gia cầm và bảo vệ các loài chim hoang dã, đặc biệt đối với các loài chim di cư?

H5N1 có thể lan truyền qua nhiều con đường khác nhau trong một nước cũng như giữa các nước. Do đó cần phải duy trì giám sát thường xuyên các hoạt động có khả năng lan rộng H5N1. Cần ứng phó hiệu quả đối với mọi khả năng lan truyền có thể xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động như: vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm, bao gồm cả phân gia cầm, tái sử dụng các thùng vận chuyển và việc vận chuyển, buôn bán các loài chim hoang dã. Đồng thời, cần điều tra việc sử dụng phân bón gia cầm làm phân bón trong nông nghiệp hay thức ăn ở các trang trại nuôi cá và nuôi lợn…, bởi theo như Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc mô tả, đó là một hoạt động có nguy cơ cao.

 Khuyến cáo của Birdlife: Khi các đợt bùng phát H5N1 tiếp tục, cần phải bình tĩnh, cân nhắc và triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp:

– Có biện pháp an toàn sinh học ở mọi cấp độ đối với nền công nghiệp gia cầm

– Kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn là nên cấm việc vận chuyển tất cả các sản phẩm gia cầm bao gồm cả phân và thức ăn được làm từ phế thải gia cầm.

– Ngừng việc vận chuyển các loài chim hoang dã có xuất xứ từ các vùng bị ảnh hưởng.

– Liên kết và chia sẻ thông tin nhanh chóng giữa cơ quan thú y, cơ quan giám định y tế, cơ quan nông nghiệp và cơ quan sinh thái học trên khắp thế giới.

– Chính phủ, các cơ quan chức năng và báo chí cần đưa thông tin chính xác. Thông tin sai lệch hoặc gây xôn xao dư luận có thể dẫn đến nhiều hậu quả, dễ dàng làm cho hướng dẫn sai gây ra sự kích động trong quần chúng về H5N1.

– Tăng cường giám sát những con chim hoang dã cư trú và di trú, bằng việc thu thập nhiều thông tin sinh thái học về chúng.

– Tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa trong lĩnh vực sinh thái học về H5N1 ở các môi trường tự nhiên nhằm nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về mầm bệnh, chủng hoặc số lượng, qui mô và sự lan truyền của virút H5N1, cũng như những tuyến di chuyển của các loài chim.

– Phát hiện và điều tra nhanh chóng về những cái chết của các con chim di cư. Đôi khi nguyên nhân của những cái chết đó từ nhiều nguyên nhân, hơn là chỉ vì H5N1.

Nên hạn chế sự tiếp xúc giữa các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi bằng cách hạn chế hoạt động chăn nuôi gia cầm theo tuyến đường di cư của chim, tách gia cầm, thủy cầm khỏi nơi sinh sống của con người và các loài động vật khác để tránh lan truyền dịch bệnh.

Nhằm chặn đứng nguy cơ dịch bệnh lan rộng, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh này, trong đó có việc nghiên cứu vắcxin. Việt Nam cũng nên áp dụng điều này. Ngoài ra, Việt Nam cần đưa ra nhiều luật pháp hơn nữa để khống chế dịch cúm bùng phát.

Cho đến thời điểm này, BirdLife đã có chương trình hay hoạt động nào nhằm bảo vệ chim hoang dã trước dịch cúm gia cầm?

Tháng 05/2006, Tổ chức BirdLife đã tham gia vào Mạng lưới giám sát toàn cầu về cúm gia cầm trên chim hoang dã (GAINS), do Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Cơ quan điều tra địa lý Hoa Kỳ (USGS), Nhóm các nhà khoa học quốc tế (OIE) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) và Viện Khoa học hàn lâm Mông cổ (MAS) thực hiện. Đây là chương trình hợp tác cung cấp dữ liệu dựa trên nghiên cứu dịch tễ về cúm gia cầm ở chim hoang dã. Nó là mạng lưới toàn cầu nên dĩ nhiên có nghiên cứu cho các khu vực như Đông Nam Á.

Gần đây, BirdLife cũng có nhiều nghiên cứu, dự án về cúm gia cầm và chim hoang dã nhưng ở các nước châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan… Tháng 08/2007, Báo cáo về cúm gia cầm của BirdLife đã hoàn thiện và đưa lên website.

Theo tôi, các báo cáo và nghiên cứu này đều có thể áp dụng được với Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


* Mới đây, vào ngày 26/03/2008, trong Báo cáo “Phân vùng nguy cơ nhiễm H5N1 cao ở Đông Nam Á: Vịt, lúa và con người” của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) khẳng định, vịt, ruộng lúa và con người là những tác nhân chủ yếu lan truyền virút cúm gia cầm H5N1 ở Thái Lan và Việt Nam.

*  Khoảng cuối tháng 3 vừa qua, hàng tấn gà thải đã được nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc vào nước ta qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn…, bất chấp dịch cúm gia cầm đang hoành hành trở lại. Không những thế, gia cầm, thuỷ cầm nhập lậu lại còn ngang nhiên bày bán ngay tại chợ Khe Sanh, cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, nơi dịch cúm H5N1 mới bùng phát.

* Ngày 07/03/2008, Việt Nam đã thử nghiệm vắc-xin cúm A/H5N1 cho 10 người tình nguyện đầu tiên. Sau 28 ngày tiêm mũi vắc xin đầu tiên, họ cũng đã được tiêm mũi thứ hai vào ngày 04/04. Và cho đến nay, sức khỏe của họ vẫn ổn định và không có biểu hiện gì bất thường. Dự tính, cuộc thử nghiệm sẽ được mở rộng vào tháng tư với việc tiêm chủng cho khoảng 300 sinh viên ngành y. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới nghiên cứu thành công vắc-xin cúm A/H5N1 bằng tế bào thận khỉ.