Cáp treo bủa vây Yên Tử

ThienNhien.Net – Trong khi Công ty CP Tùng Lâm (chủ nhân của 2 tuyến cáp treo đang hoạt động tại danh thắng Yên Tử – tỉnh Quảng Ninh) đang nỗ lực xin đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến cáp treo mới, thì ở phía tây danh thắng này, một “đại gia” khác cũng đang xin xây dựng một tuyến cáp treo từ địa phận huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) lên đỉnh thiêng Yên Tử. Điều khiến dư luận lo ngại là các hệ thống cáp treo bủa vây Yên Tử không chỉ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng tới không gian tâm linh, mà còn gây áp lực cực lớn đối với di tích khi lượng khách từ cả hai phía – Uông Bí, Quảng Ninh và Sơn Động, Bắc Giang cùng một lúc đổ tới.

Lo ngại phá vỡ cảnh quan

Hai tuyến cáp treo hiện tại của Công ty CP Tùng Lâm tại Yên Tử gồm: Tuyến 1 dài 1,2km, công suất vận chuyển 2.400 khách/giờ, được xây dựng năm 2001 và nâng cấp 2009, nối từ chân núi lên tháp tổ Huệ Quang; tuyến 2 dài gần 900m, công suất 1.800 khách/giờ, nối phía đông chùa Một Mái với khu tượng An Kỳ Sinh, được xây dựng năm 2007.

Vào những ngày cao điểm, hai hệ thống cáp treo thường xuyên trong tình trạng quá tải, nhiều người phải đợi hàng giờ mới lên được cáp treo. Tuy nhiên, việc quá tải thường chỉ vào 3 tháng lễ hội Yên Tử dịp đầu năm.

Trong khi đó, mới đây, Công ty này lại đề xuất xây thêm 2 tuyến cáp treo nữa, với công suất lớn hơn hai tuyến cũ. Cụ thể: Tuyến cáp treo mới thứ 1 có chiều dài 1,2km, công suất 3.500 người/giờ; tuyến mới thứ 2 có chiều dài 1km, công suất 3.000 khách/giờ.

Hệ thống cáp treo hiện nay của Cty CP Tùng Lâm (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Hệ thống cáp treo hiện nay của Công ty CP Tùng Lâm (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Theo một số chuyên gia, các nhà quản lý, chưa nói đến tác động tới không gian tâm linh, việc xây dựng thêm hai tuyến cáp treo mới nếu không cẩn thận sẽ phá vỡ cảnh quan của linh thiêng Yên Tử. Bởi, để phục vụ hai tuyến cáp treo mới này, các nhà ga cũ của hai tuyến cũ cả ở đầu và cuối ga đều phải mở rộng rất lớn. Không chỉ có vậy, Công ty CP Tùng Lâm còn kiến nghị cho mở đường bộ nối giữa ga cũ với ga mới và ga mới với chùa Đồng; đầu tư xây dựng tuyến cầu treo từ chùa Hoa Yên đến nhà ga cáp treo…

Những năm gần đây, tốc độ bêtông hóa trên Yên Tử diễn ra khá nhanh, liên quan đến việc trùng tu, nâng cấp một loạt các chùa chiền, am tháp, trong đó chủ yếu là xây mới và mở rộng các di tích, khiến danh sơn Yên Tử ngày càng mất đi các di tích gốc.

Hơn nữa, tốc độ lưu thông dòng người từ chân núi lên các di tích bên trên, nhất là trên chùa Đồng, càng nhanh thì sức ép đối với các di tích đó càng lớn và rất khó cho công tác quản lý, bảo tồn.

Thêm một cáp treo từ phía tây Yên Tử

Lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không thể tách rời hai khu vực tây và đông Yên Tử. Phía đông là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì phía tây là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài, với một loạt các di tích thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang, như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, hồ Bấc…

Trong khi dư luận đang lo ngại về hai tuyến cáp treo mới của Công ty CP Tùng Lâm, thì ở phía Bắc Giang, một tuyến cáp treo khác cũng đang được nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương xin giấy phép đầu tư.

Đây là một phần của Dự án xây dựng “Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử”, có tổng kinh phí trên 305 tỉ đồng, tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dự án gồm 4 chùa độc lập, được xây ở các độ cao từ 145m đến gần 1.000m, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cáp treo kết nối với chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Dự án hoàn thành sẽ khôi phục lại con đường hành hương xưa kia, để du khách từ hai phía có thể đi lại con đường tu đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông và người xưa.

Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận lo lắng là: Liệu Yên Tử có chịu nổi khi một loạt các tuyến cáp treo đồng loạt đưa khách lên, trong khi hiện nay, vào những ngày lễ, mùa du lịch, trên đỉnh Yên Tử đã luôn trong tình trạng quá tải, do lượng khách quá đông trong khi không gian quá chật hẹp?

Việc kết nối giữa hai khu du lịch là cần thiết, nhưng nếu hai bên đua nhau kéo khách lên đỉnh Yên Tử vì lợi nhuận kinh tế sẽ có những tác động khôn lường. Trong khi đó, lẽ ra với những khu tâm linh đặc biệt nhạy cảm như Yên Tử, cần có sự giới hạn lượng du khách.

Theo ông Giáp Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang – hệ thống cáp treo từ phía tây Yên Tử có công suất khá lớn, chạy gần tới chùa Đồng, để du khách tiếp tục leo bộ lên. “Hiện hợp phần cáp treo đang trong giai đoạn thẩm định để xem xét cấp giấy phép đầu tư. Nếu được, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017” – ông Tâm cho biết.

Đề nghị bỏ hạng mục cáp treo tây Yên Tử

Ngay sau khi UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án trên, PGS-TS Ngô Văn Giá (Đại học Văn hóa Hà Nội) đã gửi thư tới các cơ quan chức năng và thông tấn báo chí, đề nghị bỏ hạng mục cáp treo tại bờ tây Yên Tử.

Trong thư ngỏ, ông Ngô Văn Giá viết: Hiện nay, trên khắp đất nước, hễ nơi nào có non cao núi thiêng đều bị các cấp chính quyền cho phép những nhà đầu tư “đè ngửa” ra làm cáp treo hết lượt.

“Phía bờ tây núi thiêng Yên Tử thuộc đất Bắc Giang là địa danh còn sót lại gần như duy nhất trên đất nước ta may mà chưa kịp làm cáp treo và hệ thống hạ tầng dịch vụ theo mô hình phổ biến như ta đang thấy.

Hãy cứu lấy toàn bộ bờ tây Yên Tử – một nơi chốn tâm linh và sinh thái còn lại duy nhất của đất nước chưa bị con người tàn phá, nơi đang là báu vật vô giá của tạo hóa và lịch sử dân tộc trao tặng. Hãy cứu lấy bờ tây Yên Tử để người dân bốn phương đời đời mỗi khi tìm đến còn có cơ hội được bước trên nền đất mẹ một cách khoan thai, an lành, cảm nhận và giao hòa với thiên nhiên, đất trời; lắng nghe và hướng vọng về những điều thiện điều phúc của cõi Phật, tự hào được đặt chân đến nơi non thiêng cẩm tú và thêm yêu nước Việt” – ông Giá tha thiết.