Chim rừng Amazon kêu cứu

ThienNhien.Net – Theo công bố từ Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International), gần 100 loài chim rừng Amazon đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngày càng cao.

Công bố này được rút ra dựa trên những phân tích từ Sách đỏ IUCN 2012 và khảo sát về quy mô, xu hướng của nạn phá rừng trên khắp khu vực Amazon. Các nhà nghiên cứu tỏ ra rất lo ngại về số phận những loài chim có tuổi thọ dài, như chim mổ kiến Rio Branco (Cercomacra carbonaria). Với những loài này, mối đe dọa lớn nhất chính là tình trạng mất nơi cư trú do phá rừng bừa bãi, tràn lan. Và nhiều khả năng trong những thập kỷ tới, một số loài có thể mất tới hơn 80% môi trường sống. Hiện chúng đang được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ mới cập nhật của IUCN.

Synallaxis kollari là một trong số những loài chim đang bị đe dọa nghiêm trọng tại khu vực Amazon (Ảnh: Mikael Bauer/IUCN)

Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hẹp nơi cư trú của các loài chim rừng Amazon, khiến chúng bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng, song theo nhận định của Tiến sĩ Leon Bennun, Giám đốc Khoa học, Chính sách và Thông tin của BirdLife, nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở sự yếu kém trong hệ thống lâm luật và hoạt động thực thi luật pháp về rừng của Brazil – quốc gia “sở hữu” phần lớn vùng rừng Amazon.

Trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với số phận các loài chim rừng này, BirdLife kêu gọi chính phủ các nước nêu cao cam kết quốc tế bằng cách thiết lập mạng lưới những khu bảo tồn có đủ khả năng bảo vệ các loài bị đe dọa và từng bước đưa chúng ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Cũng cần ghi nhận rằng, bên cạnh những cảnh báo về tương lai không mấy sáng sủa của gần 100 loài chim nói trên, một số loài khác đã có những dấu hiệu phục hồi số lượng.

Sách đỏ IUCN là đánh giá toàn diện về các loài trên Trái đất, được tiến hành 4 năm một lần, qua đó cho thấy rõ tình trạng sụt giảm đáng báo động về số lượng quần thể các loài động, thực vật. Sách Đỏ IUCN 2012 ghi nhận 130 loài bị tuyên bố tuyệt chủng (EX), 4 loài tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW), 197 loài cực kỳ nguy cấp (CR), 389 loài nguy cấp (EN), 727 loài dễ bị tổn thương (VU), 880 loài sắp bị đe dọa (NT), 7.677 loài ít quan tâm (LC) và 60 loài thiếu dữ liệu (DD).