Ấn Độ khai thác đất hiếm dưới đáy đại dương

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh Trung Quốc kiểm soát hầu hết nguồn cung và giá đất hiếm – nguyên liệu thiết yếu của nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao – gây khó khăn cho nhiều nước, Ấn Độ đang nỗ lực tìm hướng đi để đáp ứng nhu cầu đất hiếm cho mình bằng cách tăng cường thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên này dưới đáy đại dương.

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, Ấn Độ đã thực hiện các chương trình khám phá đại dương, tập trung tìm kiếm các vỉa quặng chứa niken, đồng, cô-ban và các kim loại hiếm như molylden, telu và titan.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước khác, trước đây chính phủ Ấn Độ cho rằng, khai khoáng dưới đáy biển sẽ tốn kém hơn nhiều so với trên cạn, thậm chí thu còn không đủ bù chi, nhưng tới giờ quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn – Ông Carl Gustaf Lundin, Giám đốc Chương trình Biển và Vùng cực của IUCN nhận xét.

Thời gian gần đây, Ấn Độ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy trình khai thác đất hiếm dưới đáy biển. Để phục vụ mục tiêu này, một nhà máy tinh chế đất hiếm đang được xây dựng ở bờ biển phía Tây Ấn Độ, thuộc bang Orissa của nước này.

Ấn Độ cũng vừa chi 135 triệu USD để mua một tàu do thám mới phục vụ việc tìm kiếm đất hiếm trong đại dương.

Ảnh minh họa: proedgewire.com

Ông C. R. Deepak, trưởng bộ phận Khai thác tài nguyên biển thuộc Viện kỹ thuật Hải Dương Quốc gia Ấn Độ (NIOT) cho biết, những vỉa quặng khai thác từ lòng đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu kim loại quốc gia.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng cường thám hiểm đất hiếm dưới lòng đại dương và những nỗ lực thương mại của Ấn Độ đi đôi với sự gia tăng áp lực tới môi trường biển.  Trong khi đó, dự thảo quy định về quản lý khai thác và bảo vệ môi trường biển quốc tế được thảo luận tại Hội thảo Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy đại dương (ISA), có sự tham gia của các nhà khoa học Ấn Độ, đến nay vẫn chưa được thông qua.

Bà Helen Rosenbaum, điều phối viên Chương trình vận động Khai thác Biển sâu Úc cho biết hiện vẫn chưa có khung quản lý nào ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế về khai thác đáy biển. ISA chỉ có quyền đối với những phần lãnh hải không thuộc quốc gia nào nên không thể kiểm soát được hết các nguy cơ về hiểm họa môi trường.

Ngoài Ấn Độ, hiện nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ khai thác đất hiếm.

Hiện Trung Quốc cung cấp tới 95% sản lượng đất hiếm toàn thế giới và đang bị chỉ trích vì thực thi những chính sách thuế không công bằng trong xuất khẩu đất hiếm để buộc các khâu công nghệ hiện đại phải thực hiện ở nước này. Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đồng ý thành lập Ủy ban phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm do có quá nhiều phàn nàn từ phía Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.Nhật bản là thị trường tiêu thụ lớn đất hiếm của Trung Quốc nhưng năm 2010, Trung Quốc đột ngột cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản trong 2 tháng vì tranh việc tranh chấp hải phận giữa hai nước.Tháng 6 vừa qua, chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Đất hiếm có trụ sở tại Hà Nội. Nhật Bản cũng đang đàm phán với Ấn Độ về một trung tâm tương tự ở Orissa.