Thủy điện thừa mứa vẫn cố xây!

ThienNhien.Net – Công trình thủy điện đã được xây dựng tràn lan ở miền Trung và Tây Nguyên nhưng một số dự án vẫn rục rịch khởi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vườn quốc gia, rừng phòng hộ và cuộc sống của người dân.

Chủ đầu tư dự án thủy điện Đrang Phốk nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vừa tổ chức hội thảo tham vấn các tác động về môi trường. Dự kiến, công trình này sẽ khởi công vào cuối năm nay.

Xé toạc vườn quốc gia

Nhà máy Thủy điện Đrang Phốk có công suất 26 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư. Nếu được triển khai xây dựng, công trình sẽ tác động rất tiêu cực đến hệ sinh thái rừng khộp có một không hai của Việt Nam và người dân xung quanh.

Mới đây, theo chân các cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn đến khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đrang Phốk, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi biết một dự án nằm ngay vùng lõi của VQG nhưng sau bao nhiêu lần rà soát, nó vẫn được đưa vào quy hoạch. Khu vực này dọc theo sông Sêrêpốk, cây cối mọc um tùm, trữ lượng gỗ rất lớn với nhiều cây có đường kính cả mét. Cách đó không xa là khu vực đặc trưng của rừng khộp với nhiều loài cây quý hiếm đang được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Chỉ những cổ thụ có đường kính khoảng 1 m, một cán bộ kiểm lâm cho biết đó là cây hương, có giá trị kinh tế rất lớn và quanh khu vực này có rất nhiều. “Việc xây dựng thủy điện ở khu vực trung tâm sẽ xé toạc VQG thành 2 mảnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm” – ông lo ngại.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án chiếm tổng diện tích hơn 308 ha, trong đó đất chiếm vĩnh viễn là 303 ha. Tổng diện tích đất rừng xin chuyển đổi chỉ 28,88 ha, trong đó rừng giàu 3,17 ha, rừng trung bình hơn 11 ha, còn lại là rừng nghèo. Dù nhà đầu tư cho rằng tổng diện tích rừng chuyển đổi rất ít nhưng theo bản đồ thiết kế thì tổng sản lượng gỗ rất lớn với hơn 1.200 m3 và hơn 420 m3 gỗ tận dụng cành, ngọn.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn, cho rằng đến nay vẫn chưa thể biết được VQG này sẽ mất bao nhiêu rừng. “Không ai lại làm thủy điện ngay trong vùng lõi của VQG, nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm nên chúng tôi không tán thành” – ông quả quyết.

Nhiều vạt rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi bị san bằng để làm thủy điện Đắk Re (Ảnh: Tử Trực/nld.com.vn)
Nhiều vạt rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi bị san bằng để làm thủy điện Đắk Re (Ảnh: Tử Trực/nld.com.vn)

Tại hội thảo tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý đã bày tỏ lo ngại về tác động của dự án thủy điện Đrang Phốk đối với đa dang sinh học, cảnh quan, môi trường… VQG Yok Đôn. “Dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học của VQG, tác động đến môi trường sống, đường di chuyển của các loại thú, đặc biệt là voi rừng” – ông Trần Tuấn Linh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về tác động của dự án thủy điện này, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ môi trường – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng những loài động vật quý hiếm đòi hỏi ở môi trường hầu như không có tác động của con người. Trong quá trình xây dựng công trình, tiếng ồn do hoạt động của máy móc sẽ khiến các loài thú hoảng sợ di chuyển đi nơi khác; những tuyến đường thi công chắc chắn sẽ phân cách quần cư và ảnh hưởng đến tập tính săn mồi của chúng…

Phá nát rừng phòng hộ

Trong khi đó, dù chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý nhưng dự án thủy điện Đắk Re vẫn thi công rầm rộ, xâm hại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Mới đây, ngày 31-3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tạm dừng thi công công trình này.

Theo ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, thủy điện Đắk Re do Công ty CP Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cho phép thi công ngày 2-2. Tuy nhiên, trước đó, chủ đầu tư đã tổ chức thi công rầm rộ.

“Trong quá trình thi công thủy điện Đắk Re, chủ đầu tư đã xâm hại khoảng 0,7 ha rừng của dự án JICA 2 (phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ). Nhiều diện tích rừng tự nhiên, sản xuất thuộc UBND xã Ba Xa quản lý cũng bị ảnh hưởng, xâm hại nặng” – báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại khu vực thi công thủy điện Đắk Re, nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên đã bị san ủi để làm đường vào nhà máy. Rất nhiều cây cối lớn bị đốn hạ, ngã đổ ngổn ngang. Từng quả đồi, ngọn núi bị “xẻ” để làm đường dẫn vào thủy điện. Nhiều khối lượng đất đá bị san ủi, các con suối bị ngăn, thay đổi dòng chảy.

Ông Phạm Văn Tem, Chủ tịch UBND xã Ba Xa, cho biết dù dự án thủy điện Đắk Re triển khai tại địa phương trên phạm vi đất rừng quản lý của UBND xã nhưng chủ đầu tư không hề có bất kỳ văn bản hay thông báo gì để xã được rõ. “Họ làm ở đâu, làm bao nhiêu, chúng tôi cũng không biết. Ngay cả việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng, họ cũng tự ý thỏa thuận” – ông Tem bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủy điện Đắk Re có tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. Tổng diện tích đất, rừng bị ảnh hưởng của dự án khoảng 176 ha, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Trong đó, phần diện tích thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 28,5 ha là khu vực đặt nhà máy, còn lòng hồ chủ yếu ở xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

“Chúng tôi được biết bên phía rừng phòng hộ giáp ranh với xã Hiếu, rừng bị phá còn nhiều hơn” – một cán bộ Ban Quản lý rừng khu Tây (đơn vị quản lý rừng phòng hộ ở huyện Ba Tơ) băn khoăn.

Bỏ được cái nào hay cái đó!

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có tổng cộng 19 dự án thủy điện được quy hoạch, trong đó 6 công trình đã hoàn thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch một số công trình, chỉ để lại 13 dự án. Tỉnh Kon Tum cũng có đến 24 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đa phần là vừa và nhỏ. Tại tỉnh Gia Lai, chỉ riêng Công ty CP Thủy điện Gia Lai đã đầu tư xây dựng tới 14 nhà máy thủy điện…

Thừa mứa dự án thủy điện nhất có lẽ là tỉnh Quảng Nam, với 42 dự án đã, đang xây dựng hoặc được quy hoạch. “Dự án thủy điện như vậy là quá nhiều, nên rà soát lại, bỏ được cái nào hay cái đó” – ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, bày tỏ.

Kỳ tới: Người dân bị vạ lây