Tuyên Quang: Dân khổ vì sống trên đất vàng

ThienNhien.Net – Người dân xóm 135, thôn Nhật Tân, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa đã từng “thề” độc rằng: Không bao giờ sống gần nơi có vàng sa khoáng nữa bởi lẽ họ đã thấm thía thảm cảnh nhà cửa tan hoang, gia đình ly tán chỉ vì vàng. Họ đã cố gắng trốn chạy nhưng “nỗi khổ vì nạn khai thác vàng bừa bãi” vẫn đeo bám họ.

Chạy làng vì vàng sa khoáng

Thôn Cốc Táy, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa những năm 1986 của thế kỷ trước là điểm dừng chân của những người mang giấc mơ trúng vàng đổi đời. Người dân từ khắp nơi kéo đến đây tìm đất đãi vàng và chỉ sau mấy năm, các khe núi đã bị các phu vàng khoét sạch, nơi đất bằng trồng ngô cũng bị xới tung để tìm vàng.

Trong cuộc tranh giành đó, nhiều người dân bản địa (trong đó có các hộ dân xóm 135, thôn Nhật Tân bây giờ) cũng kiếm được miếng ăn. Nhưng tới khi vàng hết sạch, đất trồng ngô lúa cũng không còn, nhiều người dân Cốc Táy phải trở về thời với “trung cổ”, chấp nhận ăn hang ở lỗ, lên rừng tìm lâm thổ sản để đủ bữa ăn.

Thấu hiểu nỗi khổ của dân bị mất đất sản xuất, năm 1999 chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã dùng vốn Chương trình 135 của Chính phủ để hỗ trợ di dời 30 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Dao sống trên những ngọn núi, khe suối ở Cốc Táy đến định cư tại thôn Nhật Tân, xã Yên Lập.

Cảnh khai thác vàng trên bãi soi của xóm 135

Được sự giúp đỡ vật chất ban đầu, các hộ dân chung tay góp sức lập nên một xóm mới, đặt tên là xóm 135. Hạ sơn, các hộ dân đều được chia ruộng đất, mỗi khẩu khoảng 200m2 đất soi bãi trồng ngô, hơn 100m2 đất ruộng trồng lúa. Tuy không giàu có, nhưng so với những năm tháng “chặt cây hái ngọn” trên ngọn núi cao mỗi mùa măng nứa, thì cuộc sống nơi đây đã ổn định hơn nhiều. Dân rất phấn khởi vì trẻ em, người lớn đều được ăn no, mặc ấm nhà cửa chắc chắn, sinh hoạt sạch sẽ và có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin. Cơ sở vật chất hạ tầng như đường, trường, điện, nước sạch cũng dần dần được đầu tư cải thiện.

Hơn 12 năm ở nơi định canh đinh cư mới, cuộc sống của người dân xóm 135 khá yên ổn, dòng suối Khuổi Luông gần nơi ở mới  lúc nào cũng trong xanh, cung cấp nước tưới cho người dân trồng trọt. Sống nhiều năm trong cảnh mất đất sản xuất vì nạn khai thác vàng, nên con suối Khuổi Luôn được bà con coi như tài sản quí mà thiên nhiên đã ban tặng và tự hứa với nhau rằng không bao giờ đào nó tìm vàng sa khoáng như ngày còn ở Cốc Táy nữa.

Năm 2007, một số người nơi khác tự ý đến dòng suối Khuổi Luông dựng lán đào đãi vàng sa khoáng, dân xóm 135 nhất quyết bảo vệ, gia sức xua đuổi nên dòng suối này vẫn hiền hòa trong xanh.

Niềm vui với xóm 135 mỗi ngày một tăng lên, khi cuộc sống ngày càng no đủ, trẻ em được quan tâm đến lớp, người lớn có điều kiện tiếp cận các dịch vụ văn hóa, giải trí, hộ nghèo trong xóm cũng giảm đi.

Lại khổ chỉ vì vàng sa khoáng

Cuộc sống của xóm 135 đang yên bình, bỗng tháng 10/2011, ông Nguyễn Tiến Vinh, trú tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa đưa 6 chiếc máy xúc và hàng loạt sàng tuyển vàng đến khu Cốc Chủ xóm 135, đào đất tuyển rửa lấy vàng sa khoáng. Khi tàn phá xong khu này, đầu tháng 2/2012, họ lại di máy xúc, sàng tuyển đến bãi soi Cột Cọ, rộng 1,5 ha là đất trồng ngô và chăn thả gia súc của dân xóm 135.

Lán ở của các phu vàng

Dân xóm 135 bức xúc, kêu cứu lên xã, lên huyện nhưng chờ mãi chẳng ai đến giải quyết. Một số chị em trong xóm 135 đã mạnh bạo xua đuổi người làm vàng, thì bị xã gọi lên “thẩm vấn”. Cũng kể từ khi thấy mấy người mặc quần áo ngành công an liên tục xuất hiện ở bãi khai thác vàng này, thì dân xóm 135 đành ngồi im như thóc, chẳng dám nói gì.

Ông Phùng Xuân Nhất – Phó thôn Nhật Tân ngậm ngùi chia sẻ: “… dân xóm 135 này đất trồng lúa thì ít lắm, cả 41 hộ dân đều sống dựa vào cây ngô trên đất soi bãi là chính, bây giờ họ làm vàng đã đào rửa hết đất màu, trơ lại sỏi đá và không thể trồng nổi cây gì nữa. Chẳng biết rồi chúng tôi sẽ sống ra sao, chắc chắn đói nghèo sẽ quay lại với người dân nơi đây”.

Cảnh tượng chúng tôi bắt gặp khi cùng ông Nhất ra đồng là một dòng suối đang bị đào nham nhở, những hố nước đã qua khai thác vàng thì xanh lè, sâu hoắm, những hố đang đào đãi thì nước thải đục ngàu chảy quyện ra suối. Một chiếc máy xúc đang miệt mài cuốc sâu xuống lòng suối, múc lên cát sỏi rồi đổ thẳng vào sàng tuyển vàng, tiếng máy nổ ầm ĩ như một đại công trường, vòi nước căng mọng phun ào ào, đất đá văng ra rầm rập, nước đục chảy dài cả km…

Bãi sỏi đá tan hoang sau khi khai thác vàng

Chị Đặng Thị Chiều, một người dân trong xóm, ngày nào cũng ra bãi soi xem họ đào đất để rửa lấy vàng mà lòng xót xa. Chị lo đến ngày nào đó lại phải địu con leo rừng hái măng kiếm sống như năm còn ở Cốc Táy.

Cảnh khai thác vàng rất tự nhiên, qui củ. Tôi thấy lạ quá, vội hỏi lại bác Phùng Xuân Nhất rằng: “Có phải nhóm người này đã được cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại nơi đây?”. Bác Nhất đã khẳng định: “Việc khai thác vàng suốt thời gian qua tại 2 bãi soi Cột Cọ và Cốc Chủ tại suối Khuổi Luông là trái phép, vì nhóm người này không hề có thống kê đền bù cho dân”.

Vậy, ai đã bảo kê cho việc khai thác vàng sa khoáng trái phép giữa thanh thiên bạch nhật tại dòng suối Khuổi Luông, làm thiệt hại đất trồng ngô của xóm 135, thôn Nhật Tân xã Yên Lập huyện Chiêm Hóa? Chúng tôi xin chuyển những thông tin này đến các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc quan tâm xem xét giải quyết, đáp ứng mong mỏi của các hộ đồng bào đang định cư định canh tại đây.