Đi bộ… giữa lòng sông Cái Nha Trang

ThienNhien.Net – Mực nước ở sông Cái Nha Trang – một trong những con sông lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ – xuống thấp kỷ lục từ trước đến nay khiến người dân Khánh Hòa hết sức lo lắng.

Ngày 10-4, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ cho biết mực nước trên sông Cái Nha Trang đo tại trạm Đồng Trăng đã xuống 2,97 m, trong khi mức nước thấp nhất ghi nhận trước đó là 3,1 m.

Thiếu trên 96% lượng nước

Có mặt tại đập ngăn mặn ở cầu Vĩnh Phương của Nhà máy Cấp nước Xuân Phong (thuộc Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa) trưa 10-4, chúng tôi chứng kiến con đập lộ ra với những tảng đá lớn lổn nhổn. Người dân dễ dàng đi lại ngay giữa lòng sông trên con đập vì từng mảng rêu đã khô cong. Mực nước hạ nguồn con đập ngăn mặn chênh lệch với thượng nguồn khoảng 70 cm, còn mực nước phần thượng nguồn thấp hơn mặt đập khoảng 20 cm.

Phía thượng nguồn sông Cái (khu vực xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) sắp cạn trơ đáy nên người dân ở đây có thể lội đến giữa sông để giăng lưới đánh cá. Trong khi đó, ở hạ nguồn tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, nước mặn đã xâm nhập. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một người dân ở xã Vĩnh Ngọc, cho hay nước sông Cái đã thành nước lợ, rất nhiều người không biết điều này đã bơm lên tưới khiến rau hư hại.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, mực nước tại trạm thủy văn Đồng Trăng ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh hơn 10 ngày nay luôn ở mức 2,97 m. Tốc độ dòng chảy tại điểm đo vừa nêu cũng chỉ còn khoảng 0,01-0,02 m/giây. Điều này dẫn đến lượng nước thiếu hụt 96% so với mức bình thường, chắc chắn ảnh hưởng lớn đến lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Vũ Đức Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa, lo ngại: “Tình trạng thiếu nước ở sông Cái kéo dài đã khiến nguồn nước cho 2 nhà máy Võ Cạnh và Xuân Phong thiếu hụt. Đây là 2 nhà máy cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang và thị trấn Diên Khánh, có tổng công suất khoảng 113.000 m3/ngày đêm”.

Đập ngăn mặn của sông Cái Nha Trang lộ rõ, bình thường nước phải chảy tràn qua đập mới đủ cấp nước sinh hoạt và sản xuất
Đập ngăn mặn của sông Cái Nha Trang lộ rõ, bình thường nước phải chảy tràn qua đập mới đủ cấp nước sinh hoạt và sản xuất (Ảnh: Kỳ Nam/nld.com.vn)

Theo ông Bình, khi mực nước sông Cái Nha Trang đủ tràn qua mặt đập ngăn mặn tại cầu Vĩnh Phương (TP Nha Trang) thì nguồn nước cung cấp cho 2 nhà máy này mới bảo đảm. Với mực nước sông Cái thấp hơn mặt đập ngăn mặn đến 20 cm, nếu các nhà máy nước ở trên nguồn của 2 nhà máy nước Võ Cạnh và Xuân Phong vẫn tiếp tục bơm tưới cho nông nghiệp thì nguồn nước sinh hoạt sẽ bị thiếu hụt nhiều hơn. Khi đó, bắt buộc công ty phải cắt bớt nước sinh hoạt cung cấp cho nhiều khu vực ở TP Nha Trang.

“Công ty vừa có báo cáo kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa có hướng chỉ đạo việc sử dụng nước trong nông nghiệp để ưu tiên tối đa nguồn nước sinh hoạt” – ông Bình cho biết.

Lên phương án chở nước đến dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 18 hồ tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; trong đó có 6 hồ chỉ đạt từ 18%-70% dung tích thiết kế. Trong thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục bị hạn nặng.

Ông Bùi Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – tỏ ra lo lắng khi mới bước vào mùa khô mà mực nước ở 2 hồ chính là Đá Bàn có sức chứa 75 triệu m3 hiện chỉ còn khoảng 13,4 triệu m3; hồ Ea Krong Rou có sức chứa 35 triệu m3 chỉ còn gần 8 triệu m3. Việc thiếu hụt nước như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ lúa hè thu. Thị xã có khoảng 8.300 ha lúa, qua khảo sát sơ bộ vụ hè thu chỉ sản xuất được khoảng 1.000 ha, chưa bằng 25% diện tích hằng năm.

Còn tại TP Cam Ranh, hồ chứa nước Tà Rục hiện còn 18 triệu m3, sau khi hoàn thành tưới tiêu vụ hè thu sẽ còn hơn 6 triệu m3. Hồ Suối Hành còn 4,4 triệu m3, sau khi hoàn thành tưới tiêu cho vụ hè thu sẽ còn 2 triệu m3. Các hồ này đã xấp xỉ xuống mực nước chết. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, khẳng định vấn đề quan trọng cần giải quyết lúc này là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng không có nước máy. TP đã chỉ đạo các địa phương rà soát những khu vực, số hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt khi hạn nặng và lên phương án cụ thể để chở nước sinh hoạt đến cung cấp cho hộ dân.

Trước tình hình hạn ở nhiều nơi, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương lập phương án chống hạn theo thứ tự ưu tiên cho nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tưới cây công nghiệp lâu năm. Hiện UBND tỉnh đã huy động trên 50 tỉ đồng từ nhiều nguồn để triển khai biện pháp chống hạn, hỗ trợ giống cho người dân.

Nhiều hồ thủy lợi thiếu nước

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo mực nước trên các sông ở khu vực Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 30%-65%.

Các hồ thủy lợi ở khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên đạt chỉ khoảng 50%. Nghiêm trọng như hồ Hà Nhê (Bình Định) đạt 2,23% dung tích, Đá Bàn (Khánh Hòa) 14,11%, Ma Đanh (Lâm Đồng) 13,7%…