Vận hành liên hồ chứa: Quy định cần “mềm” hơn để tránh xung đột

ThienNhien.Net – Hiện có 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông được ban hành, trong đó có 10 quy trình vận hành trong cả năm và 01 quy trình vận hành trong mùa lũ. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các quy trình còn tương đối ít, đặc biệt là quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn (hầu hết các quy trình mới được ban hành cuối năm 2014 và cuối 2015) nên một số bất cập phát sinh chưa kịp điều chỉnh khiến hiệu quả vận hành chưa cao, thậm chí gây lúng túng, bất nhất ở một vài địa phương. Thực tế cho thấy các quy định vận hành liên hồ chứa cần “mềm” hơn nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc tích nước phát điện và xả nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất ở hạ du.

Thực tế cho thấy từ những năm 2000 trở lại đây, xung đột trong sử dụng nước các hồ chứa xảy ra ngày càng thường xuyên, ngay cả những năm lượng nước đến đảm bảo đúng tần suất thiết kế. Việc phân chia hợp lý nguồn nước giữa các ngành dùng nước trên lưu vực sông rất cần được điều chỉnh hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, chưa có lưu vực sông nào nghiên cứu, xây dựng được các nguyên tắc về phân chia nguồn nước một cách hợp lý cho các ngành. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến quyền dùng nước của các đối tượng ở hạ lưu, đặc biệt là trong tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn gia tăng bất thường như hiện nay.

Ảnh minh họa: Dương Văn Thọ/PanNature
Ảnh minh họa: Dương Văn Thọ/PanNature

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng trên là do thời gian thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa quá ít, đặc biệt là mùa cạn nên chưa có sự chuẩn bị thực thi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng như các bộ, ngành trong việc chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc vận hành các hồ chứa nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát điện, dân sinh, đặc biệt trong tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn căng thẳng như hiện nay. Lẽ ra, khi xảy ra khô hạn, thiếu nước, các bộ, ngành cần chủ động giảm nhu cầu sử dụng nước theo nguyên tắc phân chia được công bố. Cụ thể: Bộ NN&PTNN giảm diện tích nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Bộ TN&MT cần giám sát chỉ đạo việc vận hành hồ chứa ngay khi mới có tin dự báo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm phát điện và ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động hành động ngay để ứng phó với thiên tai khô hạn, tránh xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn.

Nhằm giảm thiểu xung đột trong việc sử dụng nguồn nước dưới tác động của các hồ chứa trên các lưu vực sông, cần thực hiện tổng hợp các giải pháp về quản lý, vận hành, kỹ thuật, dự báo khí tượng và hợp tác quốc tế.

Về quản lý, trong những năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng Elnino có thể khiến hệ thống các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ xảy ra tình trạng hạn hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng, các hồ chứa cần thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước, đồng thời chủ động tích nước sớm hơn quy định; giảm diện tích tưới bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với thời kỳ cấp nước khẩn trương cho đổ ải, cần lợi dụng thời kỳ triều cường kết hợp với việc tăng xả nước của các hồ chứa để đảm bảo các công trình lấy được nước để tưới và tránh nước xả chảy nhanh ra biển. Song song với đó, cần tuyên truyền để mọi người, mọi ngành tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm, tích cực trồng rừng ở thượng lưu để tăng lượng nước thấm. Ngoài ra, cần theo dõi chặt các thông tin dự báo thủy văn để chủ động điều chỉnh kế hoạch dài hạn và ngắn hạn  của các hộ sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt, ở các tỉnh và cấp Trung ương cần xây dựng và thực hiện Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước để khi xảy ra tình trạng thiếu nước, cạn kiệt và các hồ chứa cũng thiếu nước trầm trọng thì sẽ cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên.

Về quy trình vận hành liên hồ chứa, cần giải thích thế nào là trường hợp do hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc có yêu cầu bất thường về sử dụng nước để người vận hành không bị động, lúng túng trước những tình huống bất lợi, đồng thời cần xây dựng nhiều phương án vận hành đề phòng các tình huống xảy ra. Đáng lưu ý, các nội dung quy định trong quy trình vận hành cần “mềm dẻo” hơn sao cho vừa bảo đảm nhu cầu sử dụng nước theo các thời kỳ, vừa giúp người điều hành linh hoạt trong việc xử lý các tình huống bât lợi cho đảm bảo nhu cầu nước hạ du và nhu cầu phát điện. Ví dụ trong mùa cạn 2015-2016, cần phải điều chỉnh giảm lưu lượng, thời gian xả nước của một số hồ chứa không tích đủ nước theo quy định nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối nguồn nước từ nay đến hết mùa cạn năm 2016. Thêm vào đó, cần bổ sung chi tiết hơn chức năng chỉ đạo, giám sát thực hiện quy trình vận hành trong mùa cạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ là đơn vị thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nên cần chủ động theo dõi các thông tin dự báo về tình hình khô hạn xảy ra từ cuối mùa lũ để xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh. Sau một vài năm thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa thì nên có tổng kết và đánh giá hiệu quả thực hiện.

Ngoài hai hướng giải pháp nêu trên, cần lưu ý một số giải pháp về kỹ thuật. Cụ thể, cần xác định thứ tự ưu tiên rõ ràng về yêu cầu cấp nước, ưu tiên một số đối tượng sử dụng nước có vai trò quan trọng đối với xã hội như sinh hoạt, công nghiệp. Các quy trình vận hành phải dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích, phân bổ và ưu tiên hợp lý các ngành dùng nước quan trọng như cấp nước sinh hoạt hay bảo vệ các loại cây trồng chủ lực. Ngoài ra, cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng về chia sẻ nguồn nước giữa các lưu vực sông, điển hình là trường hợp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, nếu chỉ trông chờ vào các hồ chứa trong vùng (như hồ Đơn Dương) thì không đủ nước trong mùa khô vào những năm ít nước, do đó, cần xem xét các phương án chuyển nước từ sông Đồng Nai sang.

Về vấn đề hợp tác quốc tế, cần đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực Mê Công nhằm đảm bảo các quốc gia này cung cấp cho Việt Nam Quy trình vận hành các hồ chứa ở thượng lưu và thông báo bằng văn bản lịch vận hành các hồ chứa trong mùa cạn trước 5 ngày, trước một tháng và trước một mùa. Nhiệm vụ này tuy không dễ bề thực hiện, song vẫn cần ưu tiên thúc đẩy bởi ĐBSCL của Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động từ việc xây dựng và vận hành các hồ chứa thủy điện ở phía thượng nguồn cũng như các kế hoạch chuyển nước sông Mê Công của Thái Lan và tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng phức tạp.

TS. Nguyễn Lan Châu, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: