Giao thông thủy tê liệt, sông rạch cạn trơ đáy tại ĐBSCL

ThienNhien.Net – Ghe thuyền ùn ứ vì các cống, đập ngăn mặn trữ ngọt được đắp, đóng lại; sông, rạch cạn trơ đáy, ghe thuyền nằm chỏng chơ giữa lòng sông là những hình ảnh đang diễn ra khắp vùng sông nước Cửu Long mùa khô 2016 này.

Thuyền, ghe mắc cạn

Đập vào mắt hình ảnh khô hạn khốc liệt đầu tiên khi chúng tôi đến địa bàn xã Tân Hưng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) là con kênh 12 cạn trơ đáy, lòng kênh nứt toác. Mấy chiếc ghe, thuyền ngay đầu con kênh nằm chỏng chơ, xác xơ đã lâu ngày như thể nơi đây là phế tích của một vùng sông nước vậy.

Có chiếc ghe vì cạn nước lâu ngày nên nằm dưới lớp bùn lầy ngày một khô cứng lại, từng miếng ván đóng ghe đã bung ra, để trơ bộ khung giống như bộ xương con cá khổng lồ bị chết cạn, ẩn hiện giữa lòng kênh.

Chủ mấy chiếc ghe mắc cạn, bà Sơn Đại Tân ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng cho biết, mấy chiếc ghe của nhà đành bỏ phế như thế vì con kênh cạn trơ đáy nhiều tháng qua. Thuyền, ghe không được ngâm nước lại dưới cái nắng hầm hập suốt ngày nên hư hại nhanh chóng.

Con kênh Bà Kẹp chạy giữa cánh đồng thuộc xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chỉ còn một ít nước giữa lòng kênh. Mấy con gà từ căn nhà lá bên con kênh lò dò đi giữa lòng kênh hòng tìm kiếm con cá, con tép.

Ông Thạch Khen đang ngồi hóng gió trước căn nhà lá cạnh con kênh nói: “Nhà tôi ở ấp Chợ nhưng hai năm nay tôi ở cạnh con kênh Bà Kẹp này để nuôi bò. Tôi đã sắm hai chiếc ghe, một chiếc thuyền và một một chiếc chẹt để đi lại chở bò. Nay cả bốn chiếc ghe, thuyền, chẹt không còn đi được nữa vì con kênh đã cạn nước; trong đó chiếc ghe tam bản mắc cạn lâu ngày giữa lòng kênh bị bùn lầy che lấp nay đang bắt đầu mục gãy.”

Cửa kênh Mương Điều thuộc thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) phía giáp sông Đại Ngãi, những ngày trung tuần tháng Ba, nước cạn chỉ còn lõi lòng kênh.

Mấy chiếc ghe chở muối nghiêng ngả trong lòng kênh đầy bùn nhão nhoẹt như đang cố thoát khỏi sự mắc cạn nhưng không nổi.

Bước lên bờ từ chiếc ghe chở muối đang mắc cạn, bà Phạm Thị Bích Vân cho biết: “Ghe tôi chở 9 tấn muối từ Vĩnh Long đi lòng vòng theo các con sông để bán, khi tới đây thì bị mắc cạn. Tôi đành ở đây trông ghe, còn chồng tôi phải lấy xe đẩy muối đi lên bờ bán rồi. Những năm trước, ghe muối 9 tấn như thế này chỉ bán khoảng 10 ngày là hết nhưng năm nay nhiều sông, rạch phần bị cạn, phần bị ngăn bởi cống, đập nên ghe không vào sâu được các vùng nông thôn, do đó muối bán cả tháng nay chưa hết.”

Nắng nóng gay gắt làm nhiều kênh, rạch khô cạn, giao thông thủy hầu như bị tê liệt ở Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Nắng nóng gay gắt làm nhiều kênh, rạch khô cạn, giao thông thủy hầu như bị tê liệt ở Cà Mau (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Chuyền lúa vượt cống

Chiếc thuyền 20 tấn của ông Hồ Văn Quang tính đi từ tỉnh Vĩnh Long qua mua lúa tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) nhưng tới cống ngăn mặn Bao Biền, ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú thì phải dừng vì cống đã đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt.

Ông Quang đành phải cho chiếc thuyền đậu phía bên ngoài cống và thuê chiếc thuyền nhỏ chở lúa từ xã Lịch Hội Thượng ra phía trong cống ngăn mặn. Rồi từ đó mới tổ chức bốc vác chuyền lúa từ thuyền nhỏ qua cống ngăn mặn lên thuyền lớn.

Ông Hồ Văn Quang cho biết​ mấy năm trước, ghe vào tận ruộng thu mua lúa rất thuận lợi và nhanh chóng. Năm nay cống ngăn mặn đóng lại, nên việc vận chuyển lúa bị trễ mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Cùng với đó, chi phí cũng bị đội lên cho việc bốc vác lúa qua cống là 45.000 đồng/tấn và chi phí vận chuyển lúa từ trong ruộng ra tới cống ngăn mặn là 80.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng quản lý đê điều và phòng chống thiên tai – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến nay toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn đã được đóng hết nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.

Đặc biệt, tại các huyện ven biển như Trần Đề, Long Phú, toàn bộ hệ thống cống đều được đóng sớm để ngăn mặn, trữ ngọt. Mấy năm trước, qua Tết Nguyên đán vẫn còn nước ngọt nhưng năm nay sau Tết chừng 1 tháng thì nhiều sông, rạch đã nhiễm mặn nặng nề.

Tại tỉnh Cà Mau, theo Chi cục Th​ủy lợi tỉnh, địa phương đã đóng “chết” 23 cống ngăn mặn trên địa bàn toàn tỉnh nhiều tháng qua, do nồng độ mặn các sông, rạch quá cao, xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng. Tỉnh đã cùng người dân đắp hàng trăm con đập trên các kênh, rạch nội đồng để ngăn nước mặn tràn vào đất trồng lúa.

Hiện giao thông thủy nhiều tuyến kênh, rạch thuộc các địa phương như huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) hầu như tê liệt hoàn toàn do cạn nước và hệ thống cống, đập được đắp lên, đóng lại nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt.

Mùa khô 2016 đã đi hết gần nửa quãng đường, rất nhiều nơi cư dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt, mất mùa, thiệt hại rất nặng nề.

Cùng với đó, nhiều kênh, rạch bị cạn khô, ghe thuyền chỏng chơ, mục nát trơ khung, không còn hình ảnh thuyền ghe tấp nập, ào ào xé nước qua lại như trước. Tại nhiều nơi, hình ảnh sông nước Tây Nam Bộ chỉ là quá khứ.