Khi dữ liệu lên tiếng

Vào một ngày tháng 12 ở Lahore, thành phố lớn thứ hai Pakistan, khói mù như xóa nhòa cả các tòa cao ốc. Chiếc xe máy chở gia đình Nadim dường như đột ngột xuyên qua lớp sương mù đặc quánh tới thẳng bệnh viện.

Một con đường bụi mù ở Lahore, Pakistan. Nguồn: AP

“Tôi không thở nổi”, Mohammad Nadim, 34 tuổi nói. Anh chỉ vợ mình Sonia, “vợ tôi cũng không thể thở được”. Chị giúp đứa con ba tuổi Aisha dịu cơn ho. “Chúng tôi đến bệnh viện vì con”.

Ô nhiễm không khí là vấn đề y tế công cộng lớn trên khắp đất nước Pakistan, nơi ước tính có khoảng 128.000 người chết mỗi năm vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, theo Liên minh Y tế và ô nhiễm toàn cầu.

Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ quốc gia này đã làm giảm mức độ trầm trọng của ô nhiễm không khí trong nhiều năm bằng việc tạo ra dữ liệu không đáng tin cậy. Thậm chí, Ủy ban bảo vệ môi trường Punjab (Lahore là thủ phủ của Punjab), nơi trong vòng nhiều tuần còn không cập nhật mức chất lượng không khí trên trang web của mình (https://epd.punjab.gov.pk/aqi), đưa ra mức chỉ số 166 – mức các hạt bụi mịn trong không khí mà theo khuyến cáo của Ủy ban Môi trường Mỹ là “có hại cho sức khỏe” nhưng vẫn được chính phủ Pakistan coi là “vừa phải”.

Trước tình thế này, một làn sóng của các nhà hoạt động vì không khí sạch nổi lên, bao gồm nhóm “Scary Moms” (Những người mẹ sợ hãi) gồm các luật sư môi trường, doanh nhân công nghệ và thậm chí là nhân viên sứ quán nước ngoài – sử dụng các nguồn dữ liệu ô nhiễm mới để gây áp lực buộc chính phủ phải hành động. Và nó cũng có hiệu quả – chính phủ đã thiết lập một loạt chính sách mới nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng không khí.

Làn sóng này bắt đầu với hành động của kỹ sư Pakistan Abid Omar, người bắt đầu từ năm 2017 có sáng kiến thu thập dữ liệu đóng góp từ cộng đồng với những thiết bị giám sát chất lượng không khí gia đình và đưa thông tin lên mạng xã hội Twitter. Từng sống ở Bắc Kinh, Omar cho biết anh học hỏi cách các công dân Trung Quốc giúp chính phủ nước này giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

“Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu từ mạng lưới để lan tỏa thông điệp về tình trạng ô nhiễm không khí, vốn chỉ được biết cho đến khi có được các thiết bị giám sát”, Omar nói. “Đây chỉ là một hành động hết sức đơn giản nhưng mang lại tác động rất lớn”.

Sáng kiến của Omar đã được các tổ chức nước ngoài ủng hộ, ví dụ như các thiết bị giám sát được lắp đặt tại Đại sứ quán Mĩ tại Islamabad và nhận được cố vấn từ những công dân Mĩ đang sống tại Pakistan để có thể truy cập vào dữ liệu ô nhiễm không khí. Những thông tin đó đã được thông báo lập tức trên Twitter và về tổng thể, liên kết với nguồn dữ liệu cộng đồng.

“Lần đầu tiên, người dân có được số liệu và nhận ra tình trạng ô nhiễm tệ như thế nào”, Rafay Alam, một luật sư môi trường nói và dẫn ra dữ liệu chia sẻ từ sáng kiến của Omar. “Và chúng tôi không hề ngạc nhiên là Lahore đứng ở hàng top danh sách những thành phố ô nhiễm bậc nhất thế giới”.

Những dữ liệu này do AirVisual, một dịch vụ giám sát chất lượng không khí trực tuyến cộng đồng, so sánh các quốc gia trên thế giới. Vào cùng ngày gia đình Nadim đến bệnh viện, chính quyền Punjab cam kết với các cư dân là chất lượng không khí ở mức “vừa phải” trong khi dữ liệu thu thập từ cộng đồng của AirVisual nói là “nguy hiểm”.

Chất lượng không khí của Lahore đã tồi tệ trong cả thập kỷ qua do 70% số cây bị chặt bỏ để phục vụ giao thông. Các loại xe cộ vẫn thải ra khí sulphur ở mức cao, đóng góp 40% vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Lahore và vùng lân cận của Punjab, theo một báo cáo năm 2019 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.

Các khu công nghiệp mọc lên như nấm quanh Lahore, bao gồm cả những nơi đốt cả lốp xe để cung cấp điện cho công xưởng, đóng góp vào khoảng 25% ô nhiễm. Nông dân đốt rơm rạ theo mùa gặt cũng như hàng trăm lò gạch ở ngoại ô thành phố đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Alam cho biết, kết nối với những nguồn dữ liệu mới, các luật sư như Alam đã mang ra bằng chứng tới Tòa án tối cao Lahore với yêu cầu về một bầu không khí sạch và cáo buộc chính quyền không thông báo về tình trạng ô nhiễm không khí.

Và đây là lúc “Scary Moms” hành động.

Ayesha Nasir dẫn dắt một mạng lưới các bà mẹ ở Lahore với hi vọng làm tăng nhận thức về việc giữ cho con trẻ an toàn khỏi khói mù và giảm thiểu ô nhiễm bằng việc thuyết phục cha mẹ không nên đưa đón con mà hãy đưa chúng lên xe buýt trường học.

Nasir đã tham gia vào nhóm vận động vì cô đã không thể bảo vệ được cả bốn đứa con mình khỏi ô nhiễm không khí: chúng vẫn bị ho, choáng váng, đau mắt và đau đầu cùng những chứng tương tự. Cô ủng hộ xe buýt vì ”43% nguyên nhân khói bụi ở Punjab là do giao thông”, Nasir nói và chỉ ra báo cáo vào tháng 2/2020 của Tổ chức Nông lương quốc tế, trong đó phân tích tình hình ô nhiễm không khí ở Punjab. Nasir thấy việc đưa đón con tới trường cũng là một nguyên nhân chính. “Tính trung bình, các trường học ở Lahore có 2.000 xe ô tô đến vào buổi sáng”, cô nói.

Vì nhiều nguyên nhân, các tuyến xe buýt ở Lahore không được ưa chuộng. Giờ đây, Nasir cho biết mạng lưới của cô đang hỗ trợ các công ty vận phải phát triển các dịch vụ mà các bậc cha mẹ cần như gắn camera, thiết bị định vị và thậm chí cả người phụ trách.

Vào một ngày tháng 12 lạnh lẽo, “Scary Moms” hối hả đến một trường học tư, bắt đầu giáo dục bọn trẻ. “hôm nay chúng tôi cần đấu tranh chống lại kẻ thù khói bụi”, Nasir tổ chức một buổi nói chuyện với cha mẹ các em về tình trạng khói bụi – buổi thứ 43 kể từ tháng 11.

Cô còn làm cả video truyền tải thông điệp của Liên Hợp Quốc về tác động của bụi mịn. Các hạt này hấp thụ vào cơ thể, có nguy cơ ảnh hưởng đến não, dẫn đến nhiều trạng thái bệnh lý khác. “Khi ô nhiễm không khí ở mức cao, cố gắng ở lại trong nhà và cố gắng đeo khẩu trang khi ra ngoài đường”, cô nói.

Một người trong nhóm khác thì cố gắng trò chuyện với các bậc cha mẹ để họ từ nay dừng đưa con tới trường bằng xe riêng. Các bậc cha mẹ dường như đồng ý với ý tưởng này, ví dụ Zahida Parveen, 38, thường mất một tiếng trên xe lam để đưa con gái mình đến trường. “Chúng tôi đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm không khí. Tôi và con đều bị hen, nếu trường có chương trình đưa đón an toàn bằng xe buýt thì tốt quá”, Parveen nói.

Hành động của “Scary Moms” cũng đạt được một số kết quả. Giám đốc Sở giáo dục Punjab Murad Raas, đã giám sát 53.000 trường học, đã ủng hộ các bà mẹ và cho biết thí điểm chương trình xe buýt thông minh vào tháng b tới với mục tiêu “đưa 50 đến 100 trường học” tham gia. “Tôi hi vọng trong vài tháng tới, chúng ta có thể thực hiện điều này”, Raas nói với NPR.

Có một số tín hiệu cho thấy chính quyền hiện tại đang cân nhắc vấn đề ô nhiễm không khí. Vào cuối tháng 11, một loạt chính sách để cắt giảm ô nhiễm đang được xây dựng, Malik Amin Aslam, cố vấn của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề biến đổi khí hậu, nói. Sáng kiến mới bao gồm cấm nhập khẩu dầu kém chất lượng có hiệu lực từ tháng 1/2021. Thêm vào đó, các nhà máy luyện kim ở các vùng phải nâng cấp thiêt bị ba năm một lần để xử lý nhiên liệu chất lượng cao. Và các lò gạch vào tháng chín tới phải lắp đặt công nghệ kiểm soát khí thải.

Luật sư Alam và những nhà vận động khác nói hàng động này của thủ tướng chính phủ là một tín hiệu tốt. “Tôi nghĩ sự thật sẽ thắng thế”, Alam nói nhưng cũng có chút lo ngại là vấn đề ô nhiễm không khí có thể trở nên mờ nhạt, ít được để ý hơn sau khi khói bụi mùa đông tan vào tháng hai tới. Khi đó thì các nhà chính trị không còn quan tâm đến việc đòi hỏi các ông lớn công nghiệp phải bảo vệ môi trường nữa. Một khi anh không thể ‘thấy’ chất lượng không khí tồi thì các vấn đề chính trị khác cũng sẽ lấn át thôi”, ông nói.