Sơ đồ hóa bằng chứng về tác động của các chương trình bảo tồn

ThienNhien.Net – Mỗi năm, hàng chục nghìn bài phân tích, đánh giá tác động của các chính sách, chương trình bảo tồn và phát triển bền vững được tiến hành. Các tài liệu này vô cùng quan trọng, góp phần định hướng cho các nhà hoạch định và các nhà bảo tồn nhằm cân bằng giữa bảo vệ các loài động vật quý hiếm và hệ sinh thái, duy trì môi trường toàn cầu lành mạnh và phát triển kinh tế giúp người dân tại các quốc gia đang phát triển thoát nghèo.

Sơ đồ bằng chứng so sánh số lượng nghiên cứu về tác động của bảo tồn thiên nhiên đối với con người tại các nước thu nhập thấp và trung bình. (Ảnh: SNAP)
Sơ đồ bằng chứng so sánh số lượng nghiên cứu về tác động của bảo tồn thiên nhiên đối với con người tại các nước thu nhập thấp và trung bình. (Ảnh: SNAP)

Chẳng hạn, trong suốt hơn một thập kỷ qua có rất nhiều đánh giá, nghiên cứu về chương trình chi trả dịch vụ hệ sinh thái, một sáng kiến tương tự như chương trình REDD+ mà các quốc gia có rừng có thể tiếp cận khi bắt đầu triển khai sáng kiến này tại quốc gia mình.

Tuy nhiên, theo một nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Khoa học vì Tự Nhiên và con người (SNAP)* phần lớn kết quả điều tra, đánh giá tác động từ những chương trình thử nghiệm như vậy chưa bao giờ được quan tâm một cách đúng đắn.

Theo nhóm nghiên cứu, một công cụ mới được gọi là “sơ đồ hóa bằng chứng” có thể giúp cải thiện tình hình. Để làm rõ những hữu ích của công cụ, nhóm đã sử dụng hơn 1.000 tài liệu nghiên cứu và tổng hợp vào biểu bảng các nghiên cứu và phân tích mới nhất về tác động của những nỗ lực bảo vệ môi trường đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.

Theo TS. Madeleine McKinnon, giám đốc quản lí và đánh giá của tổ chức Bảo tồn Thế giới, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, “sơ đồ này cung cấp cho các nhà nghiên cứu và hoạch định một bức tranh tổng thể về những nội dung đã và chưa được nghiên cứu về mối liên kết giữa bảo tồn thiên nhiên và con người”.

Ngoài ra, sơ đồ cũng thể hiện số lượng các nghiên cứu về khu bảo tồn, quản lí tài nguyên, và những tác động đối với giáo dục và vốn xã hội. TS. McKinnon tiết lộ, bộ dữ liệu đầy đủ đang được đánh giá và có khả năng sẽ được công khai vào đầu năm 2016.

Phá rừng gần khu bảo tồn quốc gia Nam Et-Phou Louey, Lào. (Ảnh: Rhett Butler)
Phá rừng gần khu bảo tồn quốc gia Nam Et-Phou Louey, Lào. (Ảnh: Rhett Butler)

Theo các nhà nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, tổng hợp bằng chứng và phát triển, phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc xác định những vấn đề chưa được quan tâm và nghiên cứu thỏa đáng. Kết quả thử nghiệm bản đồ cho thấy sức khỏe và giá trị văn hóa nằm trong số các tác động từ các sáng kiến bảo tồn ít được nghiên cứu nhất .

Các tác giả cũng nhận định rằng việc các thông tin nghiên cứu không được công bố một cách rộng rãi là một thực tế gây ra nhiều hạn chế. Bởi vì việc nhìn lại hàng loạt các nghiên cứu không chỉ giúp nhà khoa học đánh giá chất lượng của các bằng chứng có sẵn, mà còn góp phần dự đoán mức hiệu quả của một chương trình. Trong khi hiện nay những tài liệu cần thiết để làm được điều đó lại thường không thể tiếp cận khiến việc tổng hợp tài liệu để tiến hành đánh giá một cách hệ thống rất tốn kém thời gian và tiền bạc.

Chưa kể, trung bình chưa đến 5% ngân sách của một dự án bảo tồn được phân bổ cho công tác giám sát và đánh giá, không đủ đáp ứng yêu cầu có các bằng chứng tốt hơn từ các nhà hoạch định chính sách về tác động của các dự án bảo tồn và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về chính sách cũng như sáng kiến bảo vệ môi trường nhưng quá khó để tìm ra và chọn lọc cái tối ưu, việc xác định và phân loại những bằng chứng sẵn có rồi trình bày dưới dạng cô đọng để có thể tìm kiếm và sử dụng là vô cùng hữu ích.

Tác giả cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực phát triển bền vững cần phát triển thêm những công cụ tương tự cho phép nhà nghiên cứu, nhà tài trợ cũng như các nhà chuyên môn tìm kiếm và đánh giá thông tin cần thiết một cách nhanh chóng.

*Hiệp hội SNAP tập hợp các nhà nghiên cứu thuộc nhóm Bảo tồn thế giới, Bảo tồn Thiên nhiên, UCLA, hệ Đại học của trường Y Dược Exeter, Đại học Illinois và Ngân hàng Thế giới.

Phong Linh (Theo Mongabay)