Chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích sử dụng nguồn gen

Việt Nam gia nhập Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học là cơ hội lớn để bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia.

Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây trồng

Cung cấp nguồn gen chính thống

Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ hợp lý lợi ích có được từ nguồn gen được phê chuẩn năm 2010 đã đề ra một khung pháp lý quốc tế về yêu cầu sử dụng nguồn gen hợp lý và công bằng. Tính đến thời điểm hiện nay, có 107 quốc gia đã phê chuẩn Nghị định thư, trong đó có Việt Nam.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT), việc tham gia Nghị định thư Nagoya sẽ góp phần thúc đẩy các tổ chức của Việt Nam tham gia tích cực vào thị trường nguồn gen của các quốc gia trên toàn cầu. Quan trọng hơn, Nghị định thư Nagoya là cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam có thể cung cấp nguồn gen một cách chính thống trên thị trường thế giới.

Để tuân thủ các quy định, cũng như đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị định thư Nagoya tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì trong việc rà soát, đánh giá việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam. Theo đó, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích như: Quyết định 1141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016 – 2025 và Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Thực hiện Nghị định số 59, tính đến 10/2018, Bộ TN&MT đã tiếp nhận và xử lý 28 hồ sơ về các nguồn gen côn trùng, vi sinh vật, thực vật… bởi những công ty dược phẩm và những viện nghiên cứu.

Nổi bật là Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam” (dự án ABS) do Bộ TN&MT làm chủ quản và phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Y tế, KH&CN và UBND tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện trong thời gian 48 tháng bắt đầu từ 1/2016 – 12/2019 với tổng kinh phí 12,5 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Triển khai chính thức bắt đầu từ năm 2017, Dự án đã thực hiện được các nội dung công việc là trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; tổ chức phổ biến Nghị định tại 3 miền trên cả nước; tuyển tư vấn trong nước và chuyên gia quốc tế hỗ trợ xây dựng hướng dẫn hệ thống cấp phép ABS, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động tập huấn, truyền thông và tăng cường năng lực của dự án; phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Lào Cai triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích…

Hiện, Bộ TN&MT đã tiến hành đánh giá tiến độ thực hiện và xây dựng kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2019 và các năm tiếp theo.

Còn đó những rào cản

Thực tế, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý tương đối đầy đủ, với nhiều bộ luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên liên quan tới vấn đề bảo tồn nguồn gen như: Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học.

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận thực tế, việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích còn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, về phía người sử dụng, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu về giá trị thực của chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý, về tiếp cận thị trường còn hạn chế. Phần lớn người cung cấp nguồn gen chưa ý thức được giá trị nguồn gen do mình cung cấp sẽ được hưởng việc chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý. Chính vì những hạn chế về nhận thức, khiến nguồn gen ngày càng bị khai thác cạn kiệt, một số nguồn gen đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi đa dạng của thế giới gồm 49.200 loài sinh vật với khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; khoảng trên 11.000 loài sinh vật biển. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của đất nước cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển.

Đáng nói là nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen được phân công cho nhiều Bộ, ngành, trong khi nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, công tác bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam chủ yếu là bảo tồn tại chỗ trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh nguồn gen.