Vui buồn ở VQG Xuân Sơn

ThienNhien.Net – Niềm vui như nhân đôi khi lần đầu tiên được đặt chân đến Xuân Sơn, miền sơn cước còn giữ được những nét thanh bình của thiên nhiên, tạo hóa, vốn tôi chỉ được nghe qua những câu chuyện kể. Sau 3 giờ đồng hồ di chuyển, men theo những nương chè và triền núi chênh vênh, cuối cùng tôi cũng được hưởng trọn cái cảm giác háo hức, bình yên và mới lạ. Đất, trời và người Xuân Sơn dường như luôn giao hòa nhưng ẩn chứa những nỗi niềm mong manh, khó tả.

Tiềm năng đã được đánh thức

Cảnh tượng đầu tiên khi chạm mốc trụ sở Vườn quốc gia là những hàng chò chỉ dọc hai bên đường cao vút, phía xa hơn là những dãy cây keo lai, bạch đàn, re thơm xanh mượt… Rừng Xuân Sơn trải rộng, bao phủ khắp các ngọn đồi, tựa như một thảm lụa mịn.

Vườn tọa lạc tại độ cao trên 700m, thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có khí hậu quanh năm trong lành, mây vờn bao phủ, hệ động thực vật vô cùng phong phú và là nơi quy tụ những hang động đẹp mê hồn.

Càng đi sâu vào rừng, càng thấy Xuân Sơn đẹp, cái nét đẹp tự nhiên, dung dị, hài hòa, ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học. Theo lời giới thiệu của anh Đinh Tấn Quyền, cán bộ Vườn quốc gia Xuân Sơn, hiện Vườn đã xác định được 180 họ, 680 chi và 1218 loài. Trong đó, có 40 loài được ghi trong Sách đỏ Việt nam, 69 loài thú, 300 loài cây ăn được, 665 loài cây dược liệu; 150 loài cung cấp tinh dầu và nhựa…

Điều đáng quý là Xuân Sơn còn giữ được rất nhiều cây cổ thụ, đúng như tên gọi “rừng già”. Chính những cánh rừng nguyên sinh trên núi đá vôi đã giúp Xuân Sơn tạo được nét đẹp riêng mà ít nơi nào có được. Và chắc hẳn ai đã từng đến mảnh đất này cũng đều muốn quay trở lại đôi lần.

Từ khi được chuyển hạng lên Vườn quốc gia (2002), Xuân Sơn nhận được nhiều nguồn đầu tư cả ở trong và ngoài nước. Những con đường xưa kia vốn chỉ toàn đất đỏ nay đã được rải lớp bê tông sạch mịn, những dự án xóa đói giảm nghèo cũng được triển khai và nhân rộng nhiều hơn, những công trình hạ tầng khang trang mọc lên thấp thoáng… Tất cả đều góp phần tạo nên diện mạo mới cho Xuân Sơn.

Cũng theo lời anh Quyền, với nguồn tài nguyên đa dạng và hệ thống hang động đầy tiềm năng, Xuân Sơn đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp văn hóa tâm linh. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã đồng ý về nguyên tắc để doanh nghiệp Xuân Trường triển khai dự án du lịch Xuân Sơn – Đền Hùng, hiện doanh nghiệp này đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây chùa trên đỉnh núi Voi kết hợp tu sửa đường sá dẫn đến các hang động và các khu nghỉ dưỡng. Con đường nối liền Xuân Sơn với khu di tích lịch sử Đền Hùng dài 60km dự kiến sẽ là tuyến giao thông quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo cho các cư dân bản địa nơi đây.

Song song với hướng phát triển du lịch, Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng tích cực triển khai những mô hình sinh kế mới nhằm tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống và giảm áp lực lên việc khai thác, chặt phá rừng, góp phần quản lí bền vững tài nguyên Vườn quốc gia.

Trong năm 2008, Vườn đã nhận được dự án tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm nghìn đô la cho ba xã nằm trong vùng lõi là Xuân Sơn, Xuân Đài và Minh Đài. Dự án kết thúc vào tháng 6/2010, với một số kết quả thu được khá khả quan. Bản thân các hộ tham gia dự án cũng khẳng định, cuộc sống của họ ổn định hơn trước nhờ những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình phát triển sinh kế của tỉnh và Vườn quốc gia.

Nhưng còn đó nhiều trăn trở

Bất cứ ai trở lại Xuân Sơn có lẽ sẽ đều cảm nhận được dư vị của “tấm áo mới”, nhưng khoan hãy vội mừng trước những hình ảnh và số liệu thể hiện phần nào sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây, bởi quy luật tất yếu của sự phát triển bao giờ cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi một vài giá trị, và bởi con đường kiến tạo nên sự phát triển của mảnh đất này vẫn còn rất dài.

Đi thăm một số mô hình sinh kế do Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tài trợ, Viện Quản lí Đào tạo và Kinh doanh quốc tế (INBUMAT) và Vườn quốc gia Xuân Sơn thực hiện, bên cạnh những thành tích ghi nhận được, chúng tôi vẫn nhận thấy còn nhiều điều bất ổn, chủ yếu xuất phát từ tâm lí trông chờ, ỉ lại của bà con. Các hộ dân từng khá hào hứng khi tham gia dự án nhưng khi dự án kết thúc thì cũng là lúc một số mô hình bị xé lẻ, bỏ bê. Mô hình lâm sản ngoài gỗ tại một số thôn dự tính đem lại nguồn thu tương đối cho bà con nhưng chỉ sau hai năm thực hiện, nhiều diện tích trồng cây nay đã bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy.

Một số mô hình khác như mô hình nuôi lợn lửng, nuôi gà chín cựa… cũng ở trong tình trạng tương tự. Đối với hầu hết các hộ dân không tham gia mô hình thì nguồn sinh kế của họ vẫn dựa chủ yếu vào hai vụ ngô-lúa.

Dù đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện đời sống cho bà con, nhưng với tác phong làm việc và tâm lí thụ động như hiện nay thì kinh tế Xuân Sơn khó có thể “bật” dậy.

So với nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn khác, rừng ở Xuân Sơn được quản lí, bảo vệ khá tốt, một phần nhờ công tác quản lí chặt chẽ của Ban quản lí, phần nữa là do ý thức giữ rừng của người bản địa. Có thể nói, ít nơi đâu có được cái không khí yên bình khi đi trong rừng như Xuân Sơn, chẳng thể nghe thấy những tiếng máy cưa xẻ gỗ của lâm tặc, càng ít xuất hiện những cảnh tượng chặt, phá rừng. Càng đi sâu, chỉ nghe rõ hơn tiếng khỉ, sóc và các loài động vật gọi nhau í ới… Thậm chí, khi bắt gặp những cây gỗ to ngã đổ qua đường, người dân chỉ kê gọn để lấy lối đi chứ không hề trưng dụng làm của riêng như nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, thêm một điều cần và nên tính đến là một khi du lịch đã “về làng”, khi sự hội nhập của Xuân Sơn ngày càng được mở rộng thì liệu mảnh đất này có còn giữ được những nếp sống quý khi xưa, nếp sống hài hòa với rừng, nếp của truyền thống Mường – Dao, và liệu mai kia có còn mấy ai thấy được màu xanh của những cánh rừng già? Những trăn trở này vẫn mãi theo tôi, dù biết rằng sự đổi mới nào cũng là bước đệm cho con đường phát triển dài lâu.