Cải tạo phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm

ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, việc cải tạo và phục hồi môi trường được thực hiện theo nguyên tắc sau: Ưu tiên cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro cao; các địa phương có nhiều khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro cao phải lựa chọn địa điểm và xây dựng khu lưu giữ, xử lý tập trung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, chi phí xử lý thấp; chỉ xử lý, tiêu hủy bằng phương pháp đốt đối với các nguồn ô nhiễm chứa các chất gây ô nhiễm có tính nguy hại và hàm lượng ô nhiễm cao.

Đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro thấp, thực hiện hoạt động quản lý bền vững theo quy định. Đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro trung bình thì tùy từng trường hợp, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án xử lý sẽ quyết định hoạt động quản lý bền vững hoặc tiến hành lập phương án xử lý. Đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro cao, tiến hành lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Theo dự thảo, khu vực bị ô nhiễm môi trường được đánh giá, phân loại theo 3 mức độ sau: 1- Khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro thấp; 2- Khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro trung bình; 3- Khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro cao.

Trường hợp khu vực bị ô nhiễm môi trường có mức độ rủi ro cao nhưng không thể xử lý triệt để do điều kiện khách quan, điều kiện thực tế tiến hành lập phương án xử lý theo hướng giảm thiểu rủi ro và sau khi kết thúc xử lý cần tiếp tục tiến hành các hoạt động quản lý bền vững.

Hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường

Theo dự thảo, quản lý bền vững đối với khu vực bị ô nhiễm môi trường bao gồm: 1- Thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm môi trường; 2- Khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các tác động của khu vực bị ô nhiễm môi trường và chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh; 3- Duy trì lớp phủ thực vật trên khu vực bị ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu sự phát tán của chất gây ô nhiễm ra môi trường; không được trồng các loại thực vật làm thực phẩm cho người và gia súc; 4- Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm môi trường để chủ động phòng tránh các tác động do ô nhiễm môi trường gây ra; 5- Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường xung quanh và công bố thông tin.

Biện pháp cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm bao gồm các công việc 1, 2 4 quy định trên và thực hiện thêm các biện pháp sau đây: Tiến hành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo phương án xử lý được phê duyệt; quan trắc chất lượng môi trường định kỳ tại khu vực bị ô nhiễm môi trường và duy tu, bảo dưỡng các công trình sau xử lý (nếu có).

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật cải tạo và phục hồi môi trường đối với từng loại hình bị ô nhiễm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.