1,8 tỷ người có thể đang phải dùng nước nhiễm khuẩn

ThienNhien.Net – Nhân Ngày Nước thế giới 22/3, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng đang cản trở hàng triệu người tiếp cận nước sạch.

Dự báo tới năm 2025, trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người thiếu nước sinh hoạt.
Dự báo tới năm 2025, trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người thiếu nước sinh hoạt.

Năm 2015, trên thế giới còn 663 triệu người không được tiếp cận nước uống từ những nguồn nước sạch. Tuy nhiên, công nghệ xét nghiệm nước mới sẵn có cho thấy hiện có tới 1,8 tỷ người có thể đang phải dùng nước bị nhiễm khuẩn Ecoli mặc dù sử dụng những nguồn nước đã được cải thiện.

Ngoài ra, hiện đang nổi lên những quan ngại về các dịch bệnh như Zika, loại virus truyền qua muỗi vốn đang sinh sôi rất nhanh và xuất hiện ở ngày càng nhiều vùng địa lý khác nhau do sự biến đổi khí hậu.

UNICEF cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh nước trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, lũ lụt phá hủy các cơ sở lọc nước và xử lý nước cống, trong khi những dịch bệnh tật bắt nguồn từ nước bẩn, như tiêu chảy, bệnh tả đang lây lan nhanh chóng. Dự báo tới năm 2025, trên thế giới sẽ có khoảng 1,8 tỷ người thiếu nước sinh hoạt.

Cũng trong ngày 22/3 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Rừng quốc tế (21/3). Tại đây các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng nước và nguồn cung cấp nước.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới mất đi 7 triệu ha rừng nguyên sinh và 50 triệu ha rừng bị cháy, trong khi đó có khoảng 1,6 tỷ người sống dựa hoàn toàn vào các nguồn tài nguyên rừng.