Cải cách thể chế kinh tế để phát triển: “Mệnh lệnh” không thể chần chừ

ThienNhien.Net – Những đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng cũng như dự báo về nền kinh tế là nội dung chủ yếu, có lúc làm “nóng” hội trường trong khuôn khổ hội thảo khoa học về “Cải cách thể chế kinh tế để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 28-8, tại Hà Nội.

Nguy cơ tụt hậu

Theo Tổng cục Thống kê, sau nhiều năm thực hiện chính sách đổi mới, hội nhập nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá, với mức trung bình đạt 6,9% trong giai đoạn 1990-2014 và quy mô tăng lên nhanh chóng. Trong đó, GDP năm 2014 đạt 186 tỷ USD, gấp 29 lần so với năm 1990. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đang bộc lộ nhiều yếu kém rất đáng lo ngại, thậm chí có thể là nguy cơ gây ra tụt hậu kéo dài.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ quanh mức 5%/năm, Việt Nam chắc chắn sẽ tụt hậu, thua kém các nền kinh tế khác. Theo đó, cải cách thể chế, tìm hướng đi mới và thiết lập một thị trường thật sự, toàn diện với đầy đủ đặc điểm và thuộc tính của nó để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững phải là “mệnh lệnh không thể chần chừ”. Nhưng, vấn đề còn phụ thuộc ở cách xác định chủ trương, tạo chính sách và phương thức quản lý phù hợp trong thời gian tới, trong khi câu trả lời còn phải chờ tương lai làm sáng tỏ.

Cải cách thể chế là động lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ảnh: Thái Hiền
Cải cách thể chế là động lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển (Ảnh: Thái Hiền)

Các khiếm khuyết của nền kinh tế được nêu rõ, cụ thể: Mô hình tăng trưởng nhiều năm qua vẫn dựa vào cách thức cũ, tức là dàn trải và theo chiều rộng, với đặc trưng là dựa vào vốn và tài nguyên. Vì vậy, “cái giá” phải trả cho tăng trưởng là rất đắt, lại thường xuyên ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa cạn kiệt nguồn tài nguyên. Trong khi đó, mức tiết kiệm của quốc gia so với GDP luôn thấp hơn mức đầu tư so với GDP, dẫn đến tình trạng bội chi và nợ công có xu hướng tăng. Đặc biệt, sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các yếu tố liên quan không được cải thiện, thậm chí còn tụt lùi. Trong đó, chi phí đầu vào cho sản xuất đang tăng dần bên cạnh hiệu quả sử dụng năng lượng lại thấp so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.

Hiệu quả đầu tư thấp là vấn đề rất đáng lưu ý vì cho thấy chất lượng sản xuất, kinh doanh bị hạn chế. Giai đoạn 2001-2005, để làm ra 1 đồng trong GDP, cần đầu tư 4,88 đồng, tăng lên 6,96 đồng trong giai đoạn 2006-2010 và tăng lên 6,99 đồng từ các năm 2011-2013. Nhìn chung, doanh nghiệp thuộc Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhất, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn.

Nâng cao sức cạnh tranh tổng hợp

Đến nay, Chính phủ luôn xác định cải cách là tất yếu, phù hợp với yêu cầu và quy luật phát triển. Các chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng thị trường và có thể nói là nền kinh tế chưa vận hành theo cơ chế thị trường một cách đầy đủ, đúng quy luật. Trên thực tế, vẫn còn một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công… đang được hưởng những đặc quyền và thống lĩnh thị trường, được cung cấp nguồn lực từ Nhà nước nên gây ra sự thiếu công bằng và méo mó thị trường. Việc phân bổ nguồn lực cho phát triển cũng chưa chuẩn xác, thiếu định hướng để phát huy hiệu quả từng đồng vốn.

Các chuyên gia nêu vấn đề, nếu tiếp tục coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, chiếm ưu thế thì không thể kết thúc quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại để hội nhập. Phải từng bước nâng cao và bảo đảm sự phát triển của khu vực tư nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển – trở thành thành tố quan trọng nhất, trực tiếp tạo ra vật chất, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Nhà nước cần tạo ra “sân chơi” minh bạch, bình đẳng để hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Đó cũng là tiền đề để nâng cao sức cạnh tranh tổng hợp của nền kinh tế, xét trên cả 3 cấp độ gồm: Cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Đồng thời, nên tập trung nguồn nhân lực, huy động và sử dụng hợp lý, tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường và chuyển mạnh từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở lấy công nghệ, sự gia tăng về năng suất lao động làm chủ đạo…