Chặn khí thải vào phố

ThienNhien.Net – Ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội đã đến mức báo động. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này thì tương lai không xa, bầu không khí tại Hà Nội sẽ ô nhiễm ngang ngửa với TP. Bắc Kinh, TP ô nhiễm nổi tiếng của Trung Quốc – đó là cảnh báo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải diễn ra hôm 7/3 vừa qua.

Rất nhiều hệ lụy do ô nhiễm không khí gây ra nếu không có giải pháp xử lý triệt để từ bây giờ.
Rất nhiều hệ lụy do ô nhiễm không khí gây ra nếu không có giải pháp xử lý triệt để từ bây giờ.

Tại sao lại so sánh ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội ở mức báo động và ngang ngửa với Bắc Kinh? Theo Website Aqicn.org (một trang Web của Mỹ chuyên cung cấp số liệu ô nhiễm không khí ở các TP trên thế giới theo từng giờ, trong đó có Hà Nội) thì trong những ngày đầu tháng 3 này, chỉ số AQI (chỉ số đánh giá chất lượng không khí) tại Hà Nội là khá cao, có thời điểm lên tới 388 (mức cao nhất). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Để ô nhiễm không khí gấp nhiều lần mức cho phép như vậy sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những căn bệnh về đường hô hấp như, chức năng của phổi bị suy giảm, gây bệnh hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim mạch và giảm tuổi thọ. Nguy hiểm nhất là có thể gây ra bệnh ung thư phổi.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cho thấy, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Đáng chú ý ung thư phổi đã tăng gấp đôi sau 10 năm. Năm 2000 số mắc ung thư phổi là 17/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên gấp đôi, tới mức 34 người/100.000 dân.

GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ung thư nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại. Bệnh ung thư phổi xuất hiện nhiều ở những nơi có nồng độ nitrogen ocid cao do xe cộ sản sinh ra. Và với số lượng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy ngày càng lớn như hiện nay thì lượng khí thải độc hại, tác nhân gây bệnh trong đó có bệnh ung thư theo đó cũng tăng theo.

Ô nhiễm không khí hệ lụy nhãn tiền là tác nhân trực tiếp gây ra căn bệnh chết người- bệnh ung thư, vậy tại sao các cơ quan chức năng có vẻ vẫn “bình chân như vại” trước vấn đề này? Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường phân tích, có rất nhiều lý do khiến nhiều địa phương ngại xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm không khí.

Do kinh phí xử lý ô nhiễm không khí bằng 1/10, thậm chí 1/100 kinh phí xử lý rác thải, nước thải, trong khi đó, nhận thức của các cấp các ngành, các địa phương về vấn đề này là chưa “xứng tầm”, chưa coi ô nhiễm không khí là tác nhân hàng đầu hủy hoại sức khỏe con người.

Hơn nữa việc quản lý, xử lý vấn đề gây ô nhiễm không khí hiện còn khá manh mún. Chẳng hạn, quản lý môi trường các công trình xây dựng là do Bộ Xây dựng. Việc xe ra khỏi công trường có rửa lốp hay không, có phủ bạt hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức của đơn vị xây dựng mà chẳng thấy cơ quan nào đứng ra xử phạt thì làm sao chất thải chẳng ung dung vào phố!

Không lo thiếu cơ quan xử phạt những đơn vị cố tình tha chất thải vào đô thị, bởi nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thì chính quyền địa phương sẽ đảm trách vấn đề này. Tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư Hoàng Trung Hải chỉ rõ, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân xử phạt không nghiêm. Tại sao cứ để xe lớn, xe bé ngang nhiên tha chất thải vào khu vực nội đô làm cho bầu không khí vốn đã ô nhiễm càng ô nhiễm trầm trọng.

“Xe từ các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Các anh chị nhìn công trình Lotte, họ làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Nếu không quy hoạch xử lý vấn đề ô nhiễm không khí ngay từ bây giờ thì cảnh báo Hà Nội ô nhiễm bằng Bắc Kinh là nhãn tiền”. – Bí thư Hà Nội lo ngại.

Người đứng đầu TP Hà Nội đề nghị, phải quy hoạch các điểm rửa xe đầu vào các cửa ô, ra tiêu chuẩn gọi nhà đầu tư vào, các xe bẩn phải rửa mới được vào nội đô. Tăng cường hệ thống xe quét rửa vào hút bụi để tránh ô nhiễm đồng thời phải cơ giới hóa hệ thống vệ sinh của TP mới hạn chế được phần nào những tác nhân gây ô nhiễm không khí cho khu vực nội đô suốt thời gian qua.

Ô nhiễm không khí tất nhiên không chỉ đến từ các công trường xây dựng- các xe chở vật liệu xây dựng, từ hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, hệ thống phương tiện cơ giới đường bộ tiêu chuẩn thấp mà ô nhiễm còn từ các khu sản xuất công nghiệp, khu xây dựng và dân sinh, khu vực nông nghiệp, làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải… Nếu chỉ làm sạch các xe trước khi vào phố cũng chỉ hạn chế phần nào ô nhiễm.

Vấn đề cần làm lúc này là cần tổng hòa các giải pháp để cảnh báo nạn “ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngang bằng với Bắc Kinh”; để các tổ chức, đặc biệt là cơ quan nhà nước thấy được sự nguy hại để quyết liệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về môi trường; để mọi người dân thấy được sự hiểm nguy để phòng tránh và giám sát việc bảo vệ môi trường của từ tổ chức, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước.