Rừng lặng

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, các nhà bảo tồn quốc tế đã nhắc đến khái niệm “rừng lặng” (silent forest), tức là những khu rừng bị săn bắn, tận diệt đến mức tĩnh lặng, không còn tiếng thú, ít tiếng chim. Hiện tượng này dường như đã xảy ra ở rất nhiều cánh rừng tại Việt Nam khiến thịt thú rừng trở nên khan hiếm hơn trước, đắt đỏ hơn trước. Thế nhưng càng hiếm, càng đắt đỏ thì khách có tiền lại càng lùng sục gắt gao. Cánh thợ săn tận diệt hết khu rừng này thì lại chuyển sang càn quét những khu rừng khác để đáp ứng nhu cầu thị trường. Rừng lặng – chính là tương lai không xa của các cánh rừng Việt Nam nếu không có ngay những hành động quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người tiêu dùng. Dưới đây là nội dung chia sẻ quan điểm của ông Trần Lê Trà (WWF-Việt Nam) về một khía cạnh của vấn đề “rừng lặng” cũng như vai trò của người tiêu dùng đô thị trong việc tiêu thụ động vật hoang dã.

Ông có thể mô tả ngắn gọn hiện trạng sử dụng thịt thú rừng hiện nay tại Việt Nam?

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông đã nói nhiều về việc ăn thịt thú rừng ở Việt Nam. Mức độ tiêu thụ thịt thú rừng ở Việt Nam có thể nói là khá lớn. Cho dù các cơ quan quản lý đã ban hành hàng loạt các quy định về cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, thực khách vẫn có thể tìm thấy những quán đặc sản thịt thú rừng tương đối dễ dàng ở gần như bất cứ địa phương nào trên cả nước.

Cộng đồng quốc tế vẫn xem Việt Nam là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã, một “trung tâm trung chuyển” động vật hoang dã phục vụ nhu cầu cả trong nước lẫn xuất lậu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Một nghiên cứu của ba tác giả Sandalj, Treydte và Ziegler thực hiện vào năm 2015 với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 3.500 đến 4.000 tấn thịt rừng đi qua thị trường Việt Nam, khoảng một nửa số lượng này được tiêu thụ trong nước với 80% dưới dạng “đặc sản thịt rừng”.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Xin ông cho biết, ở Việt Nam, ai là người ăn thịt thú rừng?

Nghiên cứu của Milica Sandalj, Anna Treydte và Stefan Ziegler cho thấy 85% trong tổng số 329 người được hỏi ở Huế từng ăn thịt rừng ít nhất một lần trong đời; 68% người có sử dụng thịt rừng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được hỏi. Trong số những người không ăn thịt rừng thì có đến 55% là do “không có cơ hội”, 15% do “quá đắt” và 14% do “không thích”. Chỉ có 7% không ăn thịt rừng vì “không rõ nguồn gốc”.

Kết quả khảo sát của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm những người có thu nhập và trình độ học vấn cao thì lại có xu hướng ăn thịt rừng nhiều hơn, thường xuyên hơn, một phần do có đủ khả năng tài chính, một phần để chứng tỏ đẳng cấp, phần khác do niềm tin vào tác dụng bồi bổ và công hiệu tăng cường sức khoẻ của thịt rừng.

Một phát hiện khác của nghiên cứu này, tổng hợp từ kết quả phỏng vấn sâu 20 nhà hàng đặc sản thịt rừng, tuy nhạy cảm nhưng hoàn toàn không mới và phù hợp với nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trước đây: phần lớn khách hàng của các nhà hàng này là cán bộ nhà nước.

Việc tiêu thụ thịt rừng với mức độ như vậy có ảnh hưởng gì đến môi trường?

Phần lớn thịt thú rừng tiêu thụ tại Việt Nam có nguồn từ các loài động vật bản địa bị săn, bắn, bẫy từ rừng, trong đó có cả rừng thuộc khu bảo tồn, vườn quốc gia, nơi hành vi săn, bắt động vật hoang dã bị cấm và kiểm soát nghiêm ngặt hơn các nơi khác.  Một phần khác được nhập lậu từ các nước lân cận. Trên thị trường cũng có các loại thịt thú rừng được nuôi trong các trang trại. Tuy nhiên, thực khách thường không mặn mà với các loại thịt không có tính “hoang dã” như vậy.

Để đáp ứng nhu cầu thịt rừng lớn đến như vậy thì cánh thợ săn phải săn bắn đến cạn kiệt thú trong các khu rừng và chuyển từng rừng này sang rừng khác. Hiện tượng săn bắn đến mức tận diệt đã xảy ra ở nhiều nơi. Có những “tụ điểm” thu mua thú rừng và khu nhà hàng đặc sản thịt rừng vốn hoạt động rầm rộ vài năm trước, nay phải đóng cửa hoặc tìm nguồn thịt rừng từ nhiều nguồn khác nhau do cạn kiệt nguồn thịt rừng tại địa phương. Điều này dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, trong đó có những loài nguy cấp như bò tót, voọc … Ngoài ra, sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể trong một hoặc một số loài lại có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong tự nhiên. Một số loài có hại có thể sẽ phát triển rất mạnh do không có thiên địch. Một số loài khác, đặc biệt là thú ăn thịt, lại đứng trước nguy cơ chết đói do không kiếm được thức ăn.

Nhiều năm trước, các nhà bảo tồn quốc tế đã nhắc đến khái niệm “rừng lặng” (silent forest). Rừng Việt Nam đúng là đang đứng trước nguy cơ này.

Vậy còn đối với người ăn thịt rừng, có ảnh hưởng nào đáng lưu ý không?

Không chỉ có các nước kém phát triển hay các vùng kém phát triển như các nước Châu Phi, Nam Á, Việt Nam … mới ăn thịt thú rừng. Hàng năm, rất nhiều quốc gia có nền kinh tế, giáo dục, y tế phát triển như Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản … cũng tiêu thụ một số lượng lớn thịt rừng. Mặc dù vậy, có sự khác biệt lớn trong cách săn bắn và tiêu thụ thịt rừng ở châu Âu so với Việt Nam, bao gồm cả mục đích săn bắn, các loài được phép săn bắn và quan trọng hơn là đối với người tiêu dùng là quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cho người và lan ra cộng đồng.

Thịt rừng ở Việt Nam thường được dân buôn thu gom từ nhiều nguồn. Người ta sử dụng các chất hoá học để chống thối rữa, đông lạnh rồi sau đó mới chuyển đến các nơi tiêu thụ. Nó không còn là đặc sản nữa mà là một loại thực phẩm lạ chưa qua kiểm dịch. Người ăn chắc chắn sẽ không tránh khỏi các loại chất độc hoá học đã ngấm vào từng miếng thịt rừng được ướp đủ thứ gia vị để giấu đi mùi thật. Nguy hiểm hơn, mặc dù vẫn còn có tranh cãi trong giới khoa học, chúng ta không thể phớt lờ các bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa việc ăn thịt thú rừng, nhất là ăn theo kiểu sống-tái-nội tạng, với nguy cơ nhiễm các loại bệnh chưa từng biết đến, một số bệnh lại có khả năng lây lan rất cao, dẫn đến đại dịch khu vực hoặc thậm chí toàn cầu. Ebola, SARS, H5N1 là những ví dụ.

Vậy nên việc sử dụng thịt rừng một cách bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp tiêu thụ mà còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng.

Theo ông, cần phải làm gì để thay đổi hiện trạng này?

Tăng cường thực thi pháp luật để hạn chế, tiến đến kiểm soát được tình trạng săn bắn, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm là yêu cầu đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Ngoài ra, tỷ lệ người tuyên bố đã ăn thịt thú rừng khá cao trong các nhóm được khảo sát cũng cho thấy các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông, các nhà giáo dục và hoạt động môi trường cần đẩy mạnh việc giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân về môi trường, đồng thời cảnh báo về các nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã không rõ chất lượng, nguồn gốc.

Theo kết quả của nghiên cứu đã nói ở trên thì chính nhóm cán bộ nhà nước là những đối tượng cần được nâng cao nhận thức trước tiên, cần làm gương trước tiên. Các cơ quan nhà nước cũng cần có các quy định và có hình thức kỷ luật tịch đáng đối với cán bộ vi phạm.

Thông điệp ông muốn gửi đến người sử dụng động vật hoang dã là gì?

Có hai thông điệp. Thông điệp thứ nhất là đừng góp phần biến rừng Việt Nam thành “rừng lặng”. Hãy để rừng Việt Nam là nơi phục hồi sự sống. Thứ hai, nếu bạn là người có thói quen sử dụng động vật hoang dã, và nếu bạn chưa sẵn sàng để nghĩ đến những lợi ích thiên nhiên, thì ít nhất bạn hãy nghĩ đến sức khỏe của chính bạn và những người xung quanh.

Nguồn: