Mộng vỡ bên Thác Mơ

ThienNhien.Net – Công trình Thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Từ khi công trình khởi công, cũng là lúc người dân sống quanh vùng chịu bao hệ lụy.

Những lợi ích mang tầm vĩ mô nên họ chẳng cầm nắm được, còn quyền lợi thiết thực trong cuộc sống hàng ngay như miếng ăn, hớp nước, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc mưu sinh trên hồ ngày càng khó khăn
Việc mưu sinh trên hồ ngày càng khó khăn

Đói nghèo, thất học

Khoảng những năm thập niên 1990, hàng trăm hộ dân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Việt kiều Campuchia hồi hương, bắt đầu tụ về khu vực quanh thủy điện Thác Mơ, thuộc các xã Đức Hạnh, Phú Văn, huyện Bù Gia Mập lập nghiệp. Họ khai hoang đất, cất nhà và mưu sinh bằng đủ thứ nghề, lên rừng khai hoang, kiếm sản vật, xuống hồ thủy điện đánh bắt thủy sản, làm thuê… Nhưng hầu hết đều tạm bợ khó khăn.

Trên chiếc bè lụp xụp đang dập dềnh trên mặt nước, xung quanh là mặt hồ tối đen, anh Nguyễn Văn Phan, 46 tuổi, chủ một gia đình di cư, hiện sống nhờ mặt hồ tâm sự: “Vợ chồng mình làm nghề cá ở lòng hồ từ 14 năm nay rồi, ngay từ khi đứa con gái lớn mới tròn một tuổi. Cứ khoảng 5 giờ sáng là vợ chồng lên ghe, chạy quanh lòng hồ, tới các khu vực đảo Ông, đảo Bát để giăng lưới đánh bắt cá, tôm đến quá trưa mới nghỉ.

Công trình thủy điện Thác Mơ góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhưng lại có cả trăm hộ dân phải chịu hệ lụy trực tiếp
Công trình thủy điện Thác Mơ góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhưng lại có cả trăm hộ dân phải chịu hệ lụy trực tiếp

Mỗi ngày trung bình được 6 – 8kg cá, chủ yếu cá cơm, rô phi và vài loại cá tạp khác. Bán ngay tại bến được 18.000 – 20.000 đồng/kg, trừ tiền dầu, còn dư chừng trăm ngàn. Ấy là mùa khô, còn mùa mưa thì không được, vì khi ấy nước hồ dâng cao, rộng gần gấp đôi mà lượng cá tôm vẫn thế. Mà không hiểu sao cá tôm trên hồ ngày càng ít đi, nên cuộc sống khó khăn hơn nhiều”.

Còn chị Ái, vợ anh Phan, cũng rầu rĩ: “Trước kia, mỗi ngày vợ chồng tôi còn kiếm được trăm ngàn, chứ nay, có hôm chạy không đủ tiền dầu, bởi phần lớn tôm cá đều ngược lên thượng nguồn hoặc xuôi về hạ lưu. Nhưng ở nhà không biết làm gì, lại không có tiền nuôi con”.

Anh Nguyễn Văn Phan, một trong số những người dân nghèo ở lòng hồ Thác Mơ đang cảm thấy tương lai rất mờ mịt
Anh Nguyễn Văn Phan, một trong số những người dân nghèo ở lòng hồ Thác Mơ đang cảm thấy tương lai rất mờ mịt

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng thôn Bình Đức 1, cho biết: “Dân vùng hồ Thác Mơ toàn từ các nơi khác đến, sống tạm bợ, giấy tờ nhiều khi cũng chẳng có, nên đời sống khổ lắm, nhất là dân chài sống trên bè, thuyền. Khi mùa mưa đến, cuộc sống càng khó khăn hơn, họ dắt díu nhau đi khắp nơi làm thuê”.

Vừa nghe ông Thiện nói, tôi vừa nhìn ra mặt hồ mênh mang gợn những con sóng, xa xa là đỉnh núi Bà Rá nổi tiếng mà bất giác thở dài.

Ông Thiện bảo, ở đây đa phần là dân tứ xứ, đến hồ Thác Mơ tìm kế sinh nhai nên chính quyền địa phương khó giải quyết chế độ cho họ. Họ chủ yếu là ngư dân miền Tây, lưu lạc qua nhiều vùng sông ngòi, có khi sang cả Biển Hồ (Tonlé Sap Campuchia), khi cụt đường mới về đây định cư. Họ hầu hết đều không có chứng minh thư nhân dân, không có hộ khẩu, ruộng đất hay tài sản gì đáng giá ngoài con thuyền neo trên lòng hồ, vừa là nơi ở vừa là để kiếm sống.

“Nghèo đói đi liền với thất học”. Cái công thức buồn ấy dường như đã gắn với bao lứa trẻ em thôn Bình Đức 1 này rồi. Các em, đa phần chỉ học hết tiểu học rồi nghỉ ở nhà, vì không có tiền, trường thì xa, rồi đủ thứ thủ tục khác…

Cô bé Trần Thị Tuyết, năm nay đã 13 tuổi mà học chưa hết cấp 1, nói mà đôi mắt rưng rưng: “Hồi lâu lâu con có được đi học nửa năm với các bạn ở dưới thôn, nhưng sau tết, ba mẹ bảo nhà xa nên nghỉ, khi nào rảnh thì mới cho đi học tiếp. Sách vở con vẫn còn cất lại, nhưng ba cứ hẹn sang năm hoài mà chưa cho con đi học lại. Bây giờ các bạn học hết rồi cũng nên, mà con thì chẳng biết bao giờ mới được đến lớp nữa”.

Ông Năm, ông nội của Tuyết, bảo: “Bố mẹ nó suốt ngày lênh đênh trên hồ mà vẫn không đủ nuôi cả nhà thì lấy tiền đâu cho nó học. Trước đây tôi cũng thương, phụ tụi nó đặt lờ cua, tôm ven bờ, nhưng mấy năm nay, tôi bị thấp khớp gối, đau nhức không làm nổi.

Cô bé Trần Thị Yến, năm nay 8 tuổi, sống cùng gia đình trên bè giữa lòng hồ, đã bỏ học từ lâu và đan phụ giúp cha mẹ bằng nghề bán vé số
Cô bé Trần Thị Yến, năm nay 8 tuổi, sống cùng gia đình trên bè giữa lòng hồ, đã bỏ học từ lâu và đan phụ giúp cha mẹ bằng nghề bán vé số

Nhìn 2 chị em con bé Tuyết đang tuổi đến trường mà không được đi học, xót xa lắm. Nhưng biết làm sao được? Tôi cũng thất học từ bé, nên có muốn dạy cháu học cũng bó tay. Trước, nhà có cái xe máy thì còn đưa chúng đi học được, nhưng cách đây mấy năm, bão làm chìm hết cả nhà bè xuống lòng hồ rồi”.

Và những hệ lụy

Từ giữa năm 2014, công trình thủy điện bắt đầu khởi công giai đoạn 2, mở rộng. Cũng từ đó, ngoài những khó khăn hiện hữu, người dân sống quanh dự án mở rộng này lại thêm một nỗi khổ khác, ấy là rất nhiều ngôi nhà bị nứt vì dư chấn nổ mìn làm công trình.

Gặp chúng tôi, bà Trương Thị Hoa, có nhà mới xây được vài tháng trong khu tái định cư của dự án Thủy điện Thác Mơ mở rộng cho biết: “Nhà tôi xây tường 20cm, vậy mà giờ cũng bị nứt lung tung. Đã vậy, lâu lâu lại có viên đá cỡ bắp chân dội xuống mái nhà rầm rầm. Mỗi lần họ nổ mìn là tôi phải đóng chặt cửa, không dám bước ra ngoài”.

Không chỉ nhà dân trong vùng tái định cư, ngay cả những ngôi nhà nằm ngoài vùng dự án cũng chịu chung số phận. Anh Nguyễn Văn Mỹ ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh cho biết, ngôi nhà của gia đình anh được nâng cấp từ năm 2012 với đà bê tông kiên cố. Thế nhưng giờ cũng đã xuất hiện mấy vết nứt.

Nhà dân ở khu tái định Công trình thủy điện Thác Mơ mở rộng bị nứt do nổ mìn
Nhà dân ở khu tái định Công trình thủy điện Thác Mơ mở rộng bị nứt do nổ mìn

“Không chỉ nứt nhà, chúng tôi còn phải sống chung với khói bụi mù mịt. Ở đây giờ nhiều người bị các bệnh về hô hấp lắm rồi”, anh Mỹ nói.

Do thiếu các giấy tờ cần thiết nên đến nay hàng chục hộ dân vẫn chưa có hộ khẩu, nhà đất không có giấy tờ gì nên chuyện vay vốn sản xuất là không thể. Và mặc dù đã định cư ổn định hơn 20 năm nhưng luôn thấp thỏm lo âu vì sợ bị thu hồi, không có chỗ nương thân. Từ nhiều năm nay, họ liên tục kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Phú Qưới, Giám đốc Sở TN-MT Bình Phước cho biết, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao hơn 12.300ha (thuộc huyện Phước Long cũ, nay chia tách thành thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập) cho Công ty CP Thủy điện Thác Mơ (viết tắt là Công ty) để làm các hạng mục công trình phục vụ nhà máy và còn lại hơn 410ha chưa sử dụng.

Diện tích này sau đó được UBND tỉnh ra quyết định, giao Sở TN-MT làm việc với Công ty thu hồi để giao cho địa phương quản lý, trên cơ sở đó, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, phía Công ty không chịu hợp tác nên không thể thực hiện được việc đo đạc, cắm mốc địa giới. Sở TN-MT cũng đành bó tay.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương kiên quyết yêu cầu Công ty phải hợp tác để triển khai thực hiện việc thu hồi đất giao về cho địa phương quản lý theo đúng qui định”, ông Qưới nhấn mạnh.

Liên quan đến việc cắm mốc, trả diện tích đất còn thừa lại cho chính quyền địa phương, một lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty đề nghị phải lập phương án cụ thể việc bố trí dân cư tập trung, trong đó có phương án di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực vi phạm an toàn hành lang hồ, đập và lưới điện, trên cơ sở đó để cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Hiện Công ty đang lập thủ tục xin chấp thuận chủ trương để thực hiện các dự án như khu du lịch sinh thái, khu dân cư, khu cơ khí chế tạo máy móc, dự án trồng rừng phòng hộ dọc bờ hồ và một phần trả lại cho địa phương quản lý.