Sạt lở nặng hồ chứa ở Quảng Nam: Lúa, hoa màu thiếu nước

ThienNhien.Net – Trưa ngày 22/1, có mặt tại điểm sạt lở thuộc khu vực hồ chức thủy điện Duy Sơn 2. Tại đây một số nông dân cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 20/1, hơn 2.000m3 đất đá trên các triền đồi bắt đầu sạt lở, từng mảng bê tông tại khu vực tràn bị sụt lún khiến nước trong đập chảy tự do về phía hạ lưu.

Hồ chứa nước thủy điện Duy Sơn sạt lở, nguy cơ thiếu nước vụ lúa đông xuân.
Hồ chứa nước thủy điện Duy Sơn sạt lở, nguy cơ thiếu nước vụ lúa đông xuân.

Chỉ tay về hướng đập nơi sạt lở, ông Nguyễn Đình Hoàng, người dân thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn cho biết: “Nguy cơ xé tan hoang con đập có tên gọi 3/2 rất dễ xảy ra. Bởi ngoài khu vực tràn xả nước bị hư hỏng thì quanh thân đập còn xuất hiện ít nhất 3 điểm nứt gãy và nhiều lỗ hở hàm ếch khác. Từ đầu năm 2016 đến nay, trời chỉ mưa nhỏ nên khả năng mưa gây đập lở là rất khó. Theo tôi, do con đập được xây dựng đã lâu đời, nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời nên xảy đến sự cố nói trên. Qua sự việc này, bà con chúng tôi đề nghị cấp trên sớm khắc phục sự cố để đảm bảo cho quá trình sản xuất nông nghiệp của địa phương”.

Qua tìm hiểu được biết, con đập 3/2 được xây dựng từ năm 1978, chiều cao thân đập hơn 6 mét, dung tích chứa nước là 250.000m3, đảm bảo cung ứng nước tưới cho hơn 100ha lúa, hoa màu, tập trung ở các thôn Chiêm Sơn, Trà Kiệu Tây, Kiệu Châu và Trà Châu. Tuy nhiên, qua gần 38 năm vận hành, đập này mới chỉ được tu bổ không quá 3 lần. Không chỉ thế, con đập này còn được xem là đập mẹ điều tiết nước cho các đập dâng khác như Đồng Quảng, Cây Da 1, Cây Da 2.

Một góc hồ chứa nước thủy điện Duy Sơn.
Một góc hồ chứa nước thủy điện Duy Sơn.

Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Sơn, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Sau sự cố sạt lở này, mấy hôm nay, chúng tôi cho nạo vét nhằm bổ sung nguồn nước cho các đập phụ với chi phí hơn 500 triệu đồng. Đồng thời điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nhằm cung ứng đủ để cây lúa phát triển bình thường. Còn về lâu dài thì chính quyền cấp trên cần quan tâm, khảo sát xây dựng lại đập 3/2. Dự tính kinh phí cho công việc này tiêu tốn khoảng 5-6 tỷ đồng”.

Ông Tấn khẳng định: “Từ nay cho đến giữa vụ sản xuất đông xuân 2015-2016, toàn bộ diện tích lúa nêu trên vẫn được cung cấp đủ nước tưới. Nếu sau thời gian đó mà đập 3/2 vẫn chưa xử lý xong thì cây lúa phải chịu khô hạn. Riêng vụ hè thu 2016, bà con xã viên sẽ không thể canh tác lúa do thiếu nguồn nước”.