Chưa hoàn thiện “bức tranh” gỗ lậu trên báo chí

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, thực trạng gỗ lậu là một trong những nội dung được các cơ quan báo chí khá quan tâm, tuy nhiên việc phản ánh trên mặt báo chưa hoàn thiện, thậm chí có những trường hợp thiếu chính xác gây méo mó “bức tranh” gỗ lậu tại Việt Nam.

Gỗ lậu do Cục Hải quan Long An bắt giữ. Ảnh: Đ.Nguyên
Gỗ lậu do Cục Hải quan Long An bắt giữ (Ảnh: Đ.Nguyên)

Phát biểu tại tọa đàm “Gỗ lậu tại Việt Nam qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” diễn ra ngày 16-12, tại Hà Nội, ông Đặng Việt Quang, Tổ chức Forest Trends cho biết, theo kết quả nghiên cứu, người dân và kiểm lâm là các chủ thể chính phát hiện sai phạm trong khâu khai thác gỗ. Ở khâu vận chuyển, đối tượng phát hiện là kiểm lâm và an ninh. Cơ quan Hải quan thường phát hiện ra các vụ việc liên quan đến xuất nhập khẩu trái phép.

Báo chí viết về gỗ lậu, báo cáo phân tích có hơn 1.300 bài báo có đề cập tới gỗ lậu được phát hành trong vòng 3 năm (2011-2014) trên 4 tờ báo điện tử và 7 trang điện tử phản ánh thông tin từ mọi vùng miền ở Việt Nam, có số lượng độc giả lớn, số lượng nhiều bài viết về chủ đề môi trường, bao gồm cả chủ đề gỗ lậu do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tiến hành cho thấy: Có tới 59% số bài chỉ đơn thuần mô tả hoặc đưa tin về thực trạng gỗ lậu; 40% số bài đề cập cả thực trạng và nguyên nhân; chỉ có 1% số bài đề cập đầy đủ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Các bài báo thu thập được chủ yếu đề cập đến gỗ lậu ở quy mô cấp tỉnh (chiếm 79,5% số bài). Gỗ lậu được phát hiện ở nhiều khâu khác nhau. Trong tổng số bài báo thu thập được, các vụ vi phạm trong các khâu khai thác chiếm tỷ lệ gần 47% và khâu vận chuyển chiếm tỷ lệ hơn 63%. Số lượng bài đề cập đến việc mua bán gỗ lậu chỉ chiếm trên 16%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gỗ lậu được các bài báo đề cập nhiều nhất là do cán bộ thực thi pháp luật tại địa phương, chủ yếu là lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý rừng và chính quyền địa phương thiếu năng lực về cả số lượng và chất lượng, tắc trách và tham nhũng.

Cụ thể, trong số 362 bài báo có đề cập đến việc cán bộ liên quan đến vấn đề gỗ lậu, có tới 43% số bài đề cập đến tình trạng tham nhũng của cán bộ địa phương; 37% số bài đề cập đến việc nhóm này không làm tròn trách nhiệm được giao; chỉ khoảng 20% số bài đề cập đến vấn đề số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tại địa phương thiếu kinh phí và nhân lực, trong khi diện tích rừng quá lớn.

“Nhìn chung, các bài báo về đề tài gỗ lậu đã phần nào mô tả được thực trạng gỗ lậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể được phản ánh không hoàn thiện, thậm chí méo mó trong một số trường hợp. Điều này làm hạn chế nỗ lực chung của xã hội trong bảo vệ môi trường, phòng chống gỗ lậu, đồng thời đem lại rủi ro cho quá trình soạn thảo và thực thi chính sách, bởi các chính sách dựa trên các thông tin chưa hoàn thiện, thậm chí làm méo mó sẽ rất khó có thể đem lại hiệu quả thực thi”, ông Quang nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra việc hạn chế nguồn thông tin đầu vào về các vụ việc liên quan đến gỗ lậu là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế các bài viết về chủ đề này. Các nhà báo dựa chủ yếu vào nguồn thông tin từ các cuộc họp và hội thảo được tổ chức bởi cơ quan quản lý, bao gồm các cơ quan có chức năng có liên quan trực tiếp đến bảo vệ rừng. Thông tin này tuy quan trọng nhưng chưa chắc đã phản ánh một cách đầy đủ, khách quan về thực trạng và nguyên nhân của tình trạng gỗ lậu.

Bên cạnh đó, khó khăn về thời gian, tài chính và chuyên môn cũng là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hạn chế về số lượng các bài báo mang tính chất chuyên sâu về chủ đề gỗ lậu.

Một số đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, một số lỗ hổng trong “bức tranh” phản ánh về tình trạng gỗ lậu có thể giải quyết được thông qua việc tăng cường kết nối, tạo nguồn và củng cố thông tin cho phóng viên, nhà báo, thông qua các diễn đàn thường xuyên trao đổi thông tin giữa các phóng viên, nhà báo và các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức xã hội dân sự làm về bảo tồn rừng, phát triển cộng đồng vùng cao.