Cát tặc lộng hành sông Sài Gòn – Bài 2

 Những hệ lụy khó lường

ThienNhien.Net – Thực trạng khai thác cát lậu diễn ra liên tục trong một thời gian dài khiến những hệ lụy đã và đang gây tác hại rõ rệt, làm thay đổi dòng chảy, khiến đôi bờ sông Sài Gòn xói mòn, sạt lở các công trình của nhà nước, doanh nghiệp, làm mất đất, nứt toác nhà dân tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Sạt lở bờ sông Sài Gòn trên đường Nguyễn Tri Phương, lực lượng chức năng thành phố Thủ Dầu Một phải tiến hành căng dây cảnh báo nguy hiểm (Nguồn: TTXVN)
Sạt lở bờ sông Sài Gòn trên đường Nguyễn Tri Phương, lực lượng chức năng thành phố Thủ Dầu Một phải tiến hành căng dây cảnh báo nguy hiểm (Nguồn: TTXVN)

Đôi bờ sông Sài Gòn “kêu cứu”

Tình trạng sạt lở bờ sông Sài Gòn đang có chiều hướng ngày càng xấu đi, ảnh hưởng đến các công trình, nhà cửa của người dân. Một số hộ dân ở sát bờ sông Sài Gòn đành phải di dời nhà cửa bị sụt lún.

Ông Trần Hải Y, ở xóm Lò Lu, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, cho biết nhà cửa bị sụt lún do nạn hút cát ban đêm dưới sông Sài Gòn làm thay đổi dòng chảy. Ông Y còn cho biết, khoảng 7 giờ tối khi con nước lên to, ghe “cát tặc” đến hút đầy ghe thì đánh lên bờ rồi tiếp tục quay trở lại hút tiếp. Mỗi một đêm, họ hoạt động 3-4 lần như vậy. Mỗi đoàn trung bình 5 chiếc ghe đến lấy cát.

Ông Y cho biết tại khu vực mép sông Sài Gòn,các căn nhà liên tục gặp sụt lún, một ngày lún thêm một ít, nhưng gần đây tốc độ lún và sạt lở rất nhanh buộc người dân phải tháo dỡ, dời nhà đi chỗ khác.

Theo người dân sống trên đường Nguyễn Tri Phương thì họ đang sống trong thấp thỏm vì đối mặt với việc sông ăn dần ăn mòn vào nửa con đường nhựa, nhà cửa nứt toác trong khi công trình đóng kè chống sạt lở bờ sông đang thi công ì ạch.

Trong khi đó, tại khu phố Lò Lu ở mép sông Sài Gòn tại phường Tương Bình Hiệp – địa điểm liên tục bị “ cát tặc” lộng hành khiến bà con sống trong nơm nớp âu lo, bởi nước sông đã xâm thực ruộng vườn.

Mới đây nhất vào tháng 8/2015, công viên bến Bạch Đằng – địa điểm vui chơi, hóng mát quen thuộc của người dân Thủ Dầu Một đã xuất hiện nhiều đoạn bị lún sụt, một đoạn bờ kè 5 mét xây kiên cố bêtông, sắt thép, inox đã bất ngờ bị cuốn trôi xuống sông Sài Gòn.

Ông Trương Thanh Nhẫn, cựu chiến binh ở thành phố Thủ Dầu Một cho biết theo quan sát ông thấy nhiều hạng mục tại công viên Bạch Đằng xuống cấp do bị lún sụt, sạt lở ở phía bờ sông Sài Gòn, không đảm bảo được an toàn cho người dân, trẻ em đến đây vui chơi. Ông kiến nghị chính quyền, đơn vị có liên quan cần tìm biện pháp chấn chỉnh, đầu tư tạo điều kiện cho nhân dân trong thành phố có chỗ vui chơi an toàn.

Công trình kè trên bến Bạch Đằng tại địa bàn phường Phú Cường được gia cố hàng trăm cọc bêtông cốt thép nhưng tại đây đã hai lần xảy ra sạt lở.

Ông Trần Quanh Thành, ở đường Nguyễn Tri Phương, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một cho biết một công trình làm bờ kè chống sạt lở trên bến Bạch Đằng nhưng lại để sạt lở cuốn trôi hơn 60 chiếc cọc nhồi bê tông dài 21 mét (mỗi cọc có giá hơn 50 triệu đồng) xuống đáy sông Sài Gòn.

Khi thấy bờ sông đe dọa sạt lở, đơn vị chức năng đã nhanh chóng dùng cọc nhồi bê tông dài đến 25 mét cắm sâu xuống để chặn việc sạt lở, nhưng vẫn khiến nhà dân nứt toác.

Báo động sạt lở phía bờ Củ Chi

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho nhiều sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, mà cụ thể là huyện Củ Chi khẩn trương thực hiện ba nội dung.

Theo đó, huyện tiếp tục kiểm tra việc khai thác cát trái phép; phối hợp với tỉnh Bình Dương xử lý việc xây dựng kè bên bờ tả sông Sài Gòn làm thay đổi dòng chảy; sạt lở bờ sông Sài Gòn …

Theo báo cáo mới nhất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi thành phố Hồ Chí Minh, diễn biến sạt lở trên nhiều đoạn sông Sài Gòn ngày càng lan rộng.

Tại các vị trí mép đê bao cách sông Sài Gòn 40-50m nay đã sạt lở, chỉ còn 5-10m. Tại vị trí K0+700 (dự án Rạch Sơn – Cầu Đen, xã An Nhơn Tây, Củ Chi) sạt lở bờ sông dài 100m, rộng 30m.Vị trí rạch Cây Da (dự án Sông Lu-Láng The), sạt lở bờ sông dài 15m, rộng 10m.

Một số đoạn chưa triển khai thi công, công trình vẫn bị sạt lở nghiêm trọng và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở tại nhiều vị trí trên bờ sông Sài Gòn.