Hồi sinh rừng ngập mặn Vàm Rầy

ThienNhien.Net – Mầm cây non đang nhú và lan ra hướng biển, chim bay về ngày càng nhiều, rừng ngập mặn đã hồi sinh. Đó là hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy tại bãi Dương, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vào những ngày cuối tháng 11.

Đóng hàng rào cừ tràm để bảo vệ rừng ngập mặn ấp Vàm Rầy.
Đóng hàng rào cừ tràm để bảo vệ rừng ngập mặn ấp Vàm Rầy. 

Từ xã Bình Sơn chúng tôi đi thuyền máy mất khoảng 20 phút thì tới ấp Vàm Rầy. Thuyền chúng tôi cập bến ngay cạnh một chiếc cống bằng bê-tông lớn (đang trong giai đoạn hoàn thiện) để ngăn nước biển xâm nhập vào đồng ruộng. Phó Giám đốc Ban quản lý rừng Hòn Đất Kiên Hà Nguyễn Tín cho chúng tôi biết, khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng, gây xói lở bờ biển. Năm 2003, sóng biển đã làm vỡ nhiều đoạn đê biển dài 500 m, “quét sạch” rừng ngập mặn tại bãi Dương của ấp Vàm Rầy. Phó Giám đốc ban quản lý Nguyễn Tín cho biết thêm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 205 km bờ biển. Trong đó có hơn 25% số km đường bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. Đường bờ biển có hơn 5.000 ha rừng ngập mặn hẹp phân bố các loài cây có khả năng chịu mặn. Đây là một vùng đệm quan trọng, có tác dụng bảo vệ đất nông nghiệp tránh xâm nhập mặn và tác động của gió, bão. Rừng ngập mặn đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu, biểu hiện cụ thể là nước biển dâng. Vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam thổi từ phía biển vào, làm cho sóng đánh trực tiếp vào đê gây xói lở và vỡ đê. Vào mùa khô, các cơn gió Tây Bắc thổi từ đất liền ra biển làm cho phù sa bồi lắng bị đẩy từ bãi biển ra ngoài khơi. Việc trồng rừng ở khu vực xói lở rất khó khăn. 50% số diện tích rừng trồng dọc bờ biển đã không thành công. Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ ấp Vàm Rầy Võ Thị Kim Thông cho chúng tôi biết: Khi đê bị vỡ, nước biển tràn vào, đất trồng lúa, hoa màu của người dân bị nhiễm mặn, đành bỏ hoang hóa. Để sống qua ngày, người dân Vàm Rầy bỏ đất đi cuốc thuê, làm mướn. Năm 2009, bằng nguồn kinh phí của cấp trên, con đê chắn sóng biển khu vực bãi Dương đã được đắp lại và nâng cấp.

Năm 2010, người dân ở đây trực tiếp triển khai dự án trồng rừng nước mặn của Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP). Đây là chương trình phát triển do Chính phủ Việt Nam, Đức và Ô-xtrây-li-a tài trợ. Nói về quá trình triển khai dự án tại ấp Vàm Rầy, anh Nguyễn Hữu To, cán bộ của ICMP tại tỉnh Kiên Giang cho chúng tôi biết: Để khôi phục rừng ngập mặn, dự án đã áp dụng giải pháp dựng hàng rào bằng cừ tràm để phá sóng và giữ bùn. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy sóng đánh vào bờ biển Kiên Giang không cao và không mạnh. Tuy vậy có tốc độ xói lở rất cao, một số nơi bị xói lở với tốc độ hơn 30 m mỗi năm. Hàng rào phá sóng bằng cây cừ tràm là giải pháp thích hợp để giảm đến mức thấp nhất sức mạnh của sóng làm xói lở bờ biển. Chi phí xây dựng hàng rào cừ tràm thấp hơn nhiều so với việc dùng các loại nguyên liệu khác như tre, đá hoặc bê-tông. Hàng rào phá sóng được bố trí lớp ngoài. Hàng rào giữ bùn được dựng bên trong.

Chị Lâm Thị Nga, người dân ấp Vàm Rầy kể rằng: Sau khi đê biển được hàn gắn, nâng cấp (khi chưa có dự án của ICMP) người dân chủ động ra vùng ngoài đê trồng cây lấn biển, nhưng cây non đều chết, không hiểu tại sao? Đề cập vấn đề này, anh Nguyễn Hữu To phân tích, nguyên nhân cây chết là do chất lượng của cây giống và thiếu sự bảo vệ bởi lực tác động của sóng trong giai đoạn tăng trưởng của cây giống. Khắc phục nguyên nhân này, dự án đã làm tốt việc cung cấp giống cây để khôi phục rừng ngập mặn. Cây giống rừng ngập mặn tốt nhất là được ươm tại nơi trồng. Các cây giống thường bị chậm phát triển khi bị dời vào môi trường sống khác. Các hạt hoặc cây con được trồng vào túi bầu có đường kính 15 cm. Bàu chứa bùn và phù sa lấy từ bãi biển và vườn ươm. Vườn ươm được đặt dưới tán rừng ngập mặn. Cây giống được bảo vệ dưới tán rừng ngập mặn và được thủy triều dâng nước tưới thường xuyên. Sau từ ba đến sáu tháng (tùy theo từng loại) cây giống sẽ được đưa ra khu vực trồng.

Với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thuộc Chương trình ICMP, người dân ấp Vàm Rầy đã góp sức khôi phục rừng ngập mặn theo chiều dài thân đê khoảng 500 m và hướng ra biển có chỗ hơn 60 m. Nhiều thân cây trong rừng ngập mặn có đường kính từ 10 đến 15cm. Chị Lâm Thị Nga vui vẻ cho chúng tôi biết, đã thu được lợi từ khu rừng đất ngập mặn mới khôi phục 0,5 ha mà gia đình chị được giao chăm sóc. Mỗi tháng, gia đình chị đã thu về gần 300 nghìn đồng nhờ nuôi con ba khía. Chị Lâm Thị Nga hy vọng gia đình chị sẽ tiếp tục thu lợi lớn hơn từ việc rừng ngập mặn hồi sinh và phát triển.

Từ thành công bước đầu của mô hình phục hồi rừng ngập mặn bằng hàng rào cừ tràm ở bãi Dương, ấp Vàm Rầy, khi được hỏi thời gian tới huyện Hòn Đất có kế hoạch gì để phát triển rừng ngập mặn, đồng chí Nguyễn Tín vừa chỉ tay về phía bờ đê trước mặt (nơi có nhiều người đang đóng hàng rào cừ tràm) vừa cho biết: Từ thành công của mô hình nói trên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đầu tư để phát triển rừng ngập mặn bằng việc đóng hàng rào cừ tràm phá sóng và giữ bùn. Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cùng các cấp, các ngành Trung ương đã và đang có các dự án đầu tư khôi phục hàng chục héc-ta rừng ngập mặn nhằm mục đích ứng phó có hiệu quả tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế vùng ven biển.