Hàng rào đang gây hại cho động vật hoang dã

Từ miền Tây Hoa Kỳ đến Mông Cổ, các hàng rào biên giới và hàng rào bảo vệ gia súc gia tăng nhanh chóng trong khi ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của chúng đối với động vật hoang dã và hệ sinh thái.

“Hàng rào” nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ là bức tường biên giới do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Với mục đích ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, hàng rào này đồng thời cũng ngăn động vật hoang dã di chuyển giữa Hoa Kỳ và Mexico.

Aaron Flesch, nhà sinh vật học động vật hoang dã tại Đại học Arizona, người đã nghiên cứu các tác động của bức tường này, cho biết: “Mối đe dọa chính của bức tường biên giới không chỉ ở một khu vực cục bộ mất và suy thoái môi trường sống. Đó là các tác động ở cấp độ cảnh quan của việc hạn chế hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự di chuyển của động vật hoang dã và loại bỏ sự kết nối cảnh quan ở quy mô lớn.”

Chẳng hạn, cừu sừng lớn hoặc báo đốm Mỹ, bị tách khỏi đồng loại của chúng ở phía bên kia biên giới. Điều đó có nghĩa là sự tương tác di truyền cần thiết để giữ cho các quần thể báo đốm nhỏ hoặc mèo gấm ocelots khỏe mạnh có thể bị ảnh hưởng. Điều đó cũng có nghĩa là những con cừu lớn ở Mexico có thể không thể di cư lên phía bắc để thoát khỏi khí hậu nóng và khô hơn.

Đây chính là những loại tác động đang được tạo ra bởi hàng triệu dặm rào trên toàn cầu “cắt nhỏ” thế giới tự nhiên. Với các dự án hàng rào đang mở rộng trên toàn thế giới, vấn đề này đang trở nên trầm trọng. Ở châu Âu, các quốc gia đang xây dựng hàng rào mới để ngăn người di cư vượt biên trái phép trong các khu vực biệt lập. Ở Đông Phi, hàng rào gia súc đang làm gián đoạn quá trình di cư của các loài động vật hoang dã trong khu vực. Một hàng rào mới giữa Mông Cổ và Trung Quốc đã ngăn chặn sự di chuyển của linh dương. Và danh sách còn rất dài.

Một con voi Châu Phi bên hàng rào ở Laikipia, Kenya. AVALON / UNIVERSAL IMAGES GROUP VIA GETTY IMAGES

Tác động trực tiếp và gián tiếp từ hàng rào

Cho đến gần đây, nghiên cứu về hàng rào và vai trò của chúng trong sinh học bảo tồn vẫn còn rất ít. Một nửa số nghiên cứu chỉ được thực hiện ở năm quốc gia, trong đó nhiều nghiên cứu tập trung vào tác động lên động vật cỡ trung bình. Và hàng rào vẫn không nằm trong Chỉ số Dấu chân Nhân loại (Human Foodprint Index), một cơ sở dữ liệu về những biến đổi mà con người tạo ra đối với Trái đất được các nhà nghiên cứu sử dụng để đo lường tác động tích lũy của sự phát triển.

Nhưng điều đó đang thay đổi. Cách nghiên cứu vài năm trở lại đây đã cảnh báo về tác động của hàng rào đối với động vật hoang dã và hệ sinh thái, đồng thời cho rằng các tác động này thường bị bỏ qua hoặc đánh giá thấp.

Nghiên cứu gần đây cho thấy những tác động này còn vượt xa việc ngăn chặn các con đường di cư của động vật và có thể gây gia tăng sự lây truyền dịch bệnh do gia tăng mật độ tập trung của động vật, làm thay đổi thói quen săn bắt của động vật ăn thịt và cản trở việc tiếp cận các khu vực quan trọng về nước và thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, hàng rào cũng có thể cản trở sự “giải cứu di truyền” nếu một quần thể cô lập bị hủy hoại bởi bệnh tật hoặc thiên tai.

Các nhà khoa học cho biết, lý do công tác bảo tồn chưa chú ý đến hàng rào, một phần là do nhận thức, khi hàng rào có ở khắp nơi đến mức trở nên quen thuộc.

Hàng rào cũng khó có thể nhìn thấy từ trên cao bằng vệ tinh và các loại bản đồ hàng không, những công cụ thiết yếu trong công tác bảo tồn hiện đại. Andrew F. Jakes, một nhà động vật hoang dã thuộc Viện Sinh học Bảo tồn Sithsonia cho biết: “Bạn không thể nhìn thấy hàng rào, nhưng bạn có thể thấy bóng của các cột hàng rào và sự khác biệt rõ rệt của loại đất che phủ, và bạn phải đặt giả thiết rằng đó là nơi sẽ có hàng rào.” “Việc tính đến hàng rào trong lập bản đồ giúp hiểu rõ hơn về tác động tích lũy của sự phát triển đối với cảnh quan. Hệ sinh thái hàng rào không chỉ ảnh hưởng đến động vật hoang dã, mà còn ảnh hưởng đến các quá trình của hệ sinh thái, và có mối liên hệ tới con người và cộng đồng.”

Một phân tích năm 2020 cho thấy hàng rào ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên mọi quy mô, từ việc giảm sự phong phú của côn trùng vì chúng là chỗ cho nhện sinh sôi, đến việc cản trở sự di cư đường dài của các loài như linh dương đầu bò, hươu la. Bằng cách tập trung các động vật gần nhau hơn so với khi chúng ở trong tự nhiên, các hàng rào còn có thể làm tăng khả năng lây truyền bệnh, một vấn đề chưa được chú ý nhiều. Điều đó có thể đặc biệt quan trọng hiện nay khi Covid và bệnh suy mòn mãn tính (CWC) lây lan nhanh chóng trong các quần thể động vật hoang dã.

Động vật hoang dã phải đối mặt với hai loại mối đe dọa từ hàng rào, một trực tiếp và một gián tiếp. Ví dụ, một trong những mối đe dọa trực tiếp chính đối với gà gô Centrocercus urophasianus – một loài đang suy giảm mạnh ở miền Tây Hoa Kỳ – là chúng bay thấp và thường bị giết bằng cách đâm vào những sợi dây thép gai. Linh dương ở Bắc Mỹ và guanaco ở Nam Mỹ, cùng với các loài khác thì bị mắc vào hàng rào và chết vì đói hoặc bị thương.

Các mối đe dọa gián tiếp bao gồm việc ngăn chặn các tuyến đường di cư, cản trở môi trường sống và thay đổi hoạt động săn mồi của các loài săn mồi. Việc mở rộng nhanh chóng số lượng hàng rào ở Đông Phi giàu động vật hoang dã đã ngăn chặn cuộc di cư lớn của linh dương đầu bò ở vùng Greater Mara của Kenya, nơi các loài động vật này cần di cư tới nơi có mưa để tìm thức ăn và nước uống. Một số đang chết vì thiếu nước.

Hàng rào dài nhất thế giới và bài học về cách hàng rào thay đổi thế giới tự nhiên là Hàng rào Wild Dog Barrier, trải dài 3.488 dặm dài khắp phía đông nam nước Úc. Các nhà nghiên cứu cho biết hàng rào khổng lồ đã tạo ra hai “vũ trụ sinh thái”. Ở bên trong hàng rào, nơi những người nông dân bẫy, bắn và đánh bả những con chó dingo cố gắng vượt qua. Việc thiếu vắng chó dingo ở phía trong hàng rào đồng nghĩa với việc có thêm nhiều chuột túi, dẫn đến việc chăn thả quá mức, xói mòn đất, mất chất dinh dưỡng của đất, thậm chí còn làm thay đổi địa mạo của cồn cát và dòng chảy. Điều này đã làm giảm quần thể chuột nhảy đen, một loài đang bị đe dọa và khiến nó trở nên nhạy cảm hơn với những kẻ săn mồi.

Việc xây dựng hàng rào đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới. Việc mở rộng hàng rào ngăn chó dingo đang được bổ sung thêm 460 dặm nữa. Hàng rào kiên cố, thường không thấm nước, đang được dựng lên ở các biên giới quốc gia ở Đông Âu để ngăn chặn người di cư và châu Âu hiện có nhiều hàng rào biên giới hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Tại Trung Quốc, mối đe dọa chính đối với linh dương Przewalski là môi trường sống bị chia cắt bởi các hàng rào mới. Chỉ riêng chiều dài của hàng rào ở miền Tây nước Mỹ ước tính hơn 620.000 dặm – gần gấp ba lần khoảng cách từ Trái đất đến mặt trăng.

Lạc đà Guanaco bên một hàng rào ở phía Nam Chile. WOLFGANG KAEHLER / LIGHTROCKET VIA GETTY IMAGES

Giải pháp nào giảm thiểu tác động của hàng rào?

Các tình nguyện viên đang sửa chữa hàng rào ở Wyoming để động vật có thể đi qua. ABSAROKA FENCE INITIATIVE

Hiểu rõ hơn về vai trò của hàng rào trong hệ sinh thái có thể dẫn đến các cải thiện đơn giản bằng cách tìm ra hàng rào nào nên loại bỏ hoặc chỉnh sửa như nâng cao chiều cao của chân hàng rào để động vật chui qua hoặc hạ thấp phần dây phía trên để chúng có thể nhảy qua.

Ở miền tây Hoa Kỳ, những tấm gương đang được lắp thêm vào hàng rào để chim chóc nhìn thấy tránh va chạm hàng rào. Một số chủ trang trại đang sử dụng hàng rào di động, di chuyển nó từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác khi cần thiết, thay vì hàng rào cứng. Và hàng rào ảo, nơi gia súc đeo vòng cổ rung khi chúng đến gần dây thép trên mặt đất đang được sử dụng rộng rãi.

Nhiều dặm hàng rào đã được dỡ bỏ bởi các chủ trang trại và chính quyền. Một trong những nỗ lực đó là Sáng kiến ​​Hàng rào Absaroka ở Wyoming, đã sử dụng hàng dặm “hàng rào ma” chưa từng được sử dụng ở đây.

Tuy nhiên, hàng rào không phải lúc nào cũng là vấn đề – ở đúng vị trí, chúng có thể là một công cụ thiết yếu để bảo tồn. Ví dụ, hàng rào mới đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc quản lý những kẻ săn mồi – đặc biệt là gấu xám gần các khu vực đông dân cư hơn. Hàng rào điện chắc chắn rất cần thiết để rào chuồng gà, tổ ong và các chất dẫn dụ gấu xám khác.

Tại Khu bảo tồn Confederated Salish và Kootenai ở phía tây Montana, có hàng chục đường hầm và cầu vượt với hàng rào cao có khả năng dồn động vật hoang dã vào, giúp gấu xám, chó sói, nai và các loài khác sang đường một cách an toàn.

Quang Huy (Theo Yale Environment 360)

Nguồn: