Đà Nẵng vẫn “loay hoay” trước bài toán du lịch và bảo tồn di tích

Xây dựng thang máy ngay trước di tích, đục khoét vào núi để dựng tượng là tình trạng xâm hại tại di tích, danh thắng Ngũ hành Sơn Đà Nẵng được Sở Văn hoá – Thể thao lên tiếng báo động. “Nếu chọn du lịch, chọn tăng lượng khách thì di tích sẽ không còn nguyên trạng để công nhận cấp quốc gia đặc biệt nữa. Trong khi đó, số di tích tại Đà Nẵng đang còn rất ít, thậm chí là bị xâm hại nặng nề như trên”, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao khẳng định.

Ngũ Hành Sơn bị xâm hại do định hướng phát triển du lịch hơn là bảo tồn. Ảnh: XUÂN HẬU

Dựng thang máy, đục khoét núi để thu hút khách

Đầu năm 2018, tại buổi làm việc với Bí thư TP. Đà Nẵng – ông Trương Quang Nghĩa, ông Lê Trung Chinh – Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã kiến nghị thành phố lập hồ sơ để danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Theo ông Chinh, khu Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn là một địa chỉ đỏ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân. Ngũ Hành Sơn còn mang ý nghĩa tâm linh, văn hoá, là điểm thu hút du lịch của Đà Nẵng. Vì vậy quận đề nghị thành phố đề xuất với Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xem xét công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị về các hạng mục văn hoá, lịch sử.

Tuy nhiên, trao đổi vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng khẳng định, thời điểm hiện tại Ngũ Hành Sơn không thể được công nhận di tích này vì không đáp ứng được các tiêu chí để công nhân cấp quốc gia đặc biệt. Đáng nói, việc không đủ điều kiện này lại là do con người tác động khiến Ngũ Hành Sơn đang bị xâm hại nghiêm trọng để phục vụ việc phát triển du lịch.

“Trong thực tế, di sản rất cần du lịch, có du lịch di tích, di sản mới sinh động và có điều kiện tôn tạo lại, nhưng chúng ta giải quyết không hài hòa. Tại Ngũ Hành Sơn, động Âm Phủ thuộc di tích này gần đây đang bị xâm phạm nghiêm trọng, trong khi đó, nguyên tắc là các di tích thì phải bảo vệ tuyệt đối. Đặc biệt, cái thấy ngay trước mắt là thang máy ngay cạnh núi Thuỷ Sơn, trước đây, Bộ đã có kiến nghị Đà Nẵng cân nhắc không nên xây nhưng chúng ta cứ làm để phục vụ cho du lịch. Vậy bây giờ, nếu như chúng ta công nhận là di tích thì chắc chắn hội đồng di sản quốc gia sẽ có ý kiến” – Ông Hùng cho biết.

Sở Văn hoá – Thể thao cũng nêu ví dụ điển hình như Thành Điện Hải – di tích vừa được công nhận cấp quốc gia đặc biệt từng bị xâm hại khi Đà Nẵng cho xây bảo tàng ở ngay giữa thành, xung quanh thì cho xây công ty phần mềm, xây tòa nhà hành chính… Hàng chục hộ dân ở xung quanh lấn chiếm vào di tích.

“Khi làm hồ sơ đưa lên Bộ, 27 giáo sư đầu ngành của ngành văn hóa đã ở Đà Nẵng 2 ngày thực hiện khảo sát. Khi về Hà Nội, đoàn khảo sát nói rằng khi nào Đà Nẵng giải tỏa 80 hộ dân ở phía Tây thành thì mới được đề nghị Thủ tướng công nhận. Vậy nên mất thời gian dài, đến khi thành phố thực hiện xong thì mới đây Thành Điện Hải mới được công nhận” – ông Hùng cho biết.

Du lịch và bảo tồn chưa được giải quyết hài hoà

Trong năm qua, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn một triệu lượt khách tham quan. Thang máy lên ngọn Thủy Sơn là công trình gây nhiều tranh cãi giữa những người làm du lịch và nhà bảo tồn văn hóa. Bên cạnh đó, trên ngọn Thuỷ Sơn còn được xây dựng thêm mặt sàn bằng kết cấu bêtông cốt thép, lát gỗ nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm… của du khách. Vậy nhưng toàn bộ công trình chiếm một phần không gian rất lớn trước hòn Thủy Sơn, gần như đường lên cổng 2 hoàn toàn bị che khuất. Hơn nữa, khi bỗng nhiên “mọc lên một cột thép hiện đại” bên cạnh nét thiên nhiên hùng vĩ đã phá vỡ cảnh quan tự nhiên của khu danh thắng. Nhìn từ xa dễ dàng nhận ra phần trên của “cột thép lớn” ngay cạnh.

Nếu xét về khía cạnh du lịch, nhiều du khách và người dân đều đồng quan điểm: “Thang máy rất tiện lợi, giúp du khách tiết kiệm thời gian và nhiều người đến thăm thắng cảnh hơn”. Thậm chí, với nhiều người dân ở đây, khi lượt khách du lịch tăng đã giúp cải thiện đời sống của họ. “Nhờ có thang máy và sự thay đổi của động Âm Phủ mà lượt khách đến đây ngày càng đông, người dân chúng tôi quanh đây buôn bán khá hơn trước”, chị Huỳnh Lan (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) chia sẻ.

Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu những nhà làm du lịch và những nhà bảo tồn làm thế nào để vừa phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được những giá trị của di sản. Bên cạnh đó còn hướng đến việc xây dựng hồ sơ để di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

“Quan điểm của Sở Văn hóa – Thể thao, chúng tôi rất mong thành phố có nhiều di tích, càng nhiều càng tốt. So với cả nước thì chúng ta đang ở dưới mức độ trung bình. Những năm qua, chúng ta phấn đấu rất vất vả, cách đây mới nửa tháng chúng ta mới được công nhận Thành Điện Hải, trong khi ở Quảng Nam có 4 cái, Huế có 4 cái, Quảng Ninh có 5 cái, Hà Nội là 20 cái.

Vậy nhưng chúng ta cần xác định giữa bảo vệ di sản và phát triển du lịch, đây là mối quan hệ mà chúng ta giải quyết chưa tốt. Tôi biết rằng, di sản văn hóa mà không gắn với du lịch thì di sản đó không phát triển, nhưng mà gắn như thế nào cho phù hợp. Di sản không có khách du lịch thì cũng không được, nhưng vì để có khách du lịch, chúng ta xâm phạm làm ảnh hưởng đến di sản thì cái này càng không được.

Trong quan hệ này, chúng ta phải đặt bảo vệ di sản làm cái gốc, rồi trên cơ sở đó, mới phát triển du lịch, chứ chúng ta đặt phát triển du lịch lên trên di sản, cái đó là cái sai. Với Ngũ Hành Sơn, ngay cả cái tên từ nhiều đời nay cũng đặt không đúng, khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn hay di tích?” – Ông Hùng cho hay.

Cũng tại buổi làm việc đầu năm 2018, quận Ngũ Hành Sơn cho biết đang có kế hoạch xây dựng khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn. Vậy 5 ngọn núi sẽ nằm ở đâu trong khuôn viên công viên? Liệu có bị tác động hay không,… là những câu hỏi mà những nhà quy hoạch cần xem xét để cân nhắc. Ngũ Hành Sơn cần trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt hay là trở thành công viên.

Thành Điện Hải sau gần 200 năm bị xâm hại nặng nề đã trở thành điểm sáng của ngành văn hoá Đà Nẵng. Trong tương lai gần, ngôi thành sẽ được khôi phục dựng. Nhiều chuyên gia nhận định, với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Thành Điện Hải sẽ trở thành điểm sáng cho không chỉ ở lĩnh vực văn hoá mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến với thành phố. Bài toán về bảo tồn và phát triển được giải quyết từ đây và cần nhân rộng với những điểm di tích, danh thắng khác của thành phố.