Ô nhiễm môi trường sông Khởi Luông (Lạng Sơn): Sở Tài nguyên – Môi trường không biết (!)

ThienNhien.Net – Ngay sau khi loạt bài “Ám ảnh Khởi Luông” phản ảnh về việc xả thải chất nguy hại ra không khí và nguồn nước tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, được đăng tải trên Báo Đại Đoàn Kết, chúng tôi đã có liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lạng Sơn.

Cận cảnh đoạn nước đọng của sông Khởi Luông.
Cận cảnh đoạn nước đọng của sông Khởi Luông.

Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn để đặt lịch làm việc xung quanh những bức xúc của người dân về môi trường sống tại xã Tân Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ hồi âm từ phía lãnh đạo UBND tỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Duyệt – Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được một ý kiến phản ánh nào trong năm 2014, 2015 và đầu năm 2016 của người dân bằng đơn thư về khu chế biến da Nguyên Hồng. Bản thân chính quyền xã, huyện cũng chưa có phản ánh nào. Riêng với xưởng thuộc da Nguyên Hồng, hàng năm chúng tôi đều có kết quả kiểm tra và có báo cáo quan trắc của doanh nghiệp. Qua kiểm tra giám sát và lấy mẫu phân tích, chưa phát hiện có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường”.

Rõ ràng, lời khẳng định này hoàn toàn trái ngược với phát biểu của tân chủ tịch xã Tân Mỹ Hoàng Minh Hạnh trước đó và trái ngược với bức xúc của người dân. Theo ông Hạnh, những năm trước trong tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh sự mất ô nhiễm của môi trường sống trong vùng. Chính quyền xã đã báo cáo lên huyện vì nằm ngoài khả năng xử lý của cấp xã.

Vậy thì sao thông tin lên đến cơ quan chức năng lại chưa “sát” với thực tế? Khi chúng tôi gặp Phó Giám đốc Sở TN-MT, vị lãnh đạo này mới nghe cấp dưới báo cáo bằng “miệng” để cung cấp thông tin cho báo giới.

Ông Nguyễn Đình Duyệt cho rằng, sản xuất da phải có mùi, nhưng mùi ấy có độc hại không thì các báo cáo quan trắc và kiểm tra đã khẳng định. “Còn hệ thống xử lý xử lý nước thải, doanh nghiệp mới xây dựng mặc dù không hiện đại nhưng cơ bản là xử lý sơ bộ, khi xả thải ra đều đạt yêu cầu. Ngay sau khi loạt bài đăng tải, chúng tôi đã cho cán bộ lên kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Một số mẫu có kết quả ngay nhưng một số mẫu phải chờ vài hôm nữa mới có kết quả. Chúng ta có thể nhìn cảm quan đúng là xả thải chỗ ấy, chảy ra sông. Nhưng nước thải ấy như thế nào, chất lượng nước thải ấy có được xả thải ra sông hay không phải phân tích mới kết luận được. Liên quan đến vấn đề kỹ thuật, mắt thường không thể kết luận được”, ông Duyệt nói. Về việc tiến hành kiểm tra, ông Duyệt nhấn mạnh: “Báo cáo quan trắc hàng năm của doanh nghiệp là trong phạm vi doanh nghiệp. Còn kiểm tra, quan trắc của cơ quan quản lý là phía ngoài doanh nghiệp. Đó là quy định mới của Bộ TN-MT”.

Như vậy, những kiểm tra của cơ quan chức năng như lấy mẫu, tích hợp hóa chất, chất tạp chỉ ở phạm vi ngoài doanh nghiệp. Bản chất “nguồn gốc” chỉ căn cứ vào báo cáo quan trắc hàng năm của doanh nghiệp cung cấp? Đó phải chăng cũng là lý do, theo người dân phản ánh, những mẫu kiểm tra của cơ quan chức năng đều lấy ở những nơi chưa được coi là ô nhiễm, điều chúng tôi đã phản ánh trên bản báo trước đó?

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là rất cấp thiết để có những kết luận cụ thể về môi trường tại vùng giáp biên Văn Lãng. Theo chúng tôi, cần sự vào cuộc chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ TN-MT, để làm rõ những vấn đề người dân đặc biệt bức xúc, quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải những thông tin liên quan xung quanh vụ việc này.