Nguy cơ bỏ lọt tội phạm về động vật hoang dã

ThienNhien.Net – 15 năm tù là khung hình phạt tối đa cho tội phạm về động vật hoang dã – theo quy định tại Điều 241 Dự thảo BLHS sửa đổi, cao hơn mức phạt tối đa 7 năm theo quy định của BLHS năm 2009. Việc tăng nặng mức phạt là điều cần thiết và được đánh giá là điểm tiến bộ, song quy định mới vẫn tồn tại nhiều kẽ hở và có nguy cơ bỏ lọt tội phạm về động vật hoang dã.

Điều 190 BLHS năm 1999 – được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 – quy định hình phạt cao nhất cho loại tội phạm về động vật hoang dã là 7 năm tù. Tuy nhiên, trong suốt các năm từ 2009 đến 2013, chỉ có khoảng 6% tổng số vi phạm được đưa ra xét xử[1] với mức phạt phổ biến là cải tạo không giam giữ và tù treo[2]. Đặc biệt, trong số các vụ được đưa ra xét xử thì chỉ duy nhất một trường hợp bị cáo phải nhận mức án cao nhất là 7 năm tù giam (ENV, 2014).

Trong Dự thảo BLHS sửa đổi, nội dung Điều 190 tương ứng Điều 241 với điểm đáng lưu ý nhất là nâng mức phạt tối đa lên 15 năm tù so với 7 năm trước đây. Đây là một sự thay đổi tích cực và có ý nghĩa lớn trong việc răn đe các đối tượng vi phạm.Tuy nhiên, một số nội dung của điều luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã – loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, được xếp ngang hàng với tội phạm về ma túy, vũ khí và rửa tiền[3].

Ảnh minh họa: Hoàng Văn Chiên/PanNature
Ảnh minh họa: Hoàng Văn Chiên/PanNature

Bỏ sót đối tượng bị xử lý hình sự

Cả Điều 190 và Điều 241 đều quy định đối tượng bị xử lý hình sự trong trường hợp này là các hành vi vi phạm đối với các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (hiện có 83 loài – theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP). Điều này cũng có nghĩa là các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các loài không thuộc Danh mục nêu trên sẽ chỉ bị xử lý hành chính thay vì hình sự. Đây là một lỗ hổng rất lớn bởi trên thực tế đã có nhiều vụ buôn bán, săn bắt, giết hại các loài không nằm trong nhóm nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với số lượng vi phạm rất lớn, song không hề bị khởi tố. Hệ quả là nhiều loài bị khai thác tới mức cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng trong tự nhiên.

Trường hợp tê tê vàng và Tê tê Java của Việt Nam là một minh chứng. Trước năm 2014, hai loài này chỉ được liệt kê tại nhóm IIB thuộc Nghị định 32/2006/NĐ-CP và không được liệt kê trong nhóm “ưu tiên bảo vệ” nên các vi phạm liên quan đến Tê tê vàng và Tê tê Java trong mọi trường hợp chỉ bị xử phạt hành chính. Đáng chú ý là nhiều vụ buôn bán tê tê có số lượng lên đến hàng chục tấn nhưng tất cả đều không bị khởi tố, thậm chí tang vật tê tê còn được các cơ quan chức năng đem bán đấu giá. Hiện cả hai loài đã được đưa vào danh sách ưu tiên bảo vệ do chúng sắp cạn kiệt trong tự nhiên. Bài học từ tê tê cho thấy pháp luật hình sự cần có hình thức xử lý vi phạm với số lượng đặc biệt lớn liên quan đến các loài động vật hoang dã khác, trong đó có nhóm loài thuộc Phụ lục I CITES thay vì chỉ ưu tiên bảo vệ các loài quý, hiếm được ưu tiên.

Trong số các loài không thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Điều 241 Dự thảo Luật cần đặc biệt lưu ý đến các loài trong Phụ Lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp – CITES và bổ sung các hành vi vi phạm liên quan đến nhóm loài này cũng phải bị xử lý hình sự. Lý do là bởi nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES tuy không có phân bố trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại thường xuyên bị vận chuyển, mua bán hoặc trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam, chẳng hạn như sừng tê giác, ngà voi châu Phi… Tuy nhiên, do quy định pháp luật chưa rõ ràng nên không thể khởi tố và xét xử triệt để các vụ vi phạm này. Việc nhiều loài động vật đặc biệt nguy cấp của thế giới (thuộc Phụ lục I CITES) không được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc như: làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của một số loài nguy cấp trên phạm vi toàn cầu; gia tăng tội phạm môi trường, tội phạm đối với động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam; khiến pháp luật Việt Nam thiếu tương thích với thông lệ quốc tế…

Thêm điểm đáng lưu ý là ngoài các loài thuộc Phụ lục I CITES còn một số loài nguy cấp, quý, hiếm trong nước cũng chưa được ưu tiên bảo vệ, chẳng hạn như các loài thuộc nhóm IIB (Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) của Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Điều này thể hiện ở chỗ hành vi vi phạm đối với các loài này dù gây tổn hại đến hàng trăm cá thể cũng chỉ phải chịu mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng – theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi đó, theo Báo cáo số 683/BC-KL-QLR ngày 17/12/2014 của Cục Kiểm lâm về Công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2014 và Phương hướng nhiệm vụ bảo vệ rừng năm 2015, mặc dù số lượng các vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã có chiều hướng giảm, song số lượng động vật tịch thu trong các vụ việc lại không có chiều hướng tương tự. Điều này cho thấy tội phạm về động vật hoang dã ngày càng có xu hướng buôn bán lớn. Vì vậy, cần quy định chế tài hình sự cho các trường hợp vi phạm với số lượng lớn hoặc đặc biệt lớn nhằm góp phần ngăn chặn các loài thuộc nhóm IIB khỏi tiến trình trở thành các loài “nguy cấp, quý, hiếm”.

Bỏ quên hành vi tàng trữ, chế biến động vật hoang dã trái phép

Thêm điểm tương đồng giữa Điều 190 và Điều 241 sửa đổi là cả hai đều không quy định về xử lý vi phạm liên quan đến việc “tàng giữ” và “chế biến” động vật hoang dã trái phép. Đây tiếp tục là một lỗ hổng trong Dự thảo BLHS bởi xét đến cùng, mức độ nghiêm trọng của những hành vi này là tương tự vì cùng đưa các cá thể động vật hoang dã nguy cấp ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng, làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của toàn bộ quần thể loài trong tự nhiên.

Cuối năm 2014, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công An và Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ tại xã Phước Đồng, Thành phố Nha Trang lưu giữ trái phép hơn 10 tấn xác rùa biển quý hiếm tại 6 nhà kho. Tuy nhiên, phải 8 tháng sau vụ việc mới bị khởi tố vì lực lượng chức năng phải làm rõ mục đích buôn bán của hành vi “lưu giữ/tàng trữ và chế tác” rùa biển trước khi khởi tố vụ án. Nếu Điều 190 BLHS có quy định về hành vi “lưu giữ/tàng trữ và chế biến/chế tác” động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thì việc khởi tố và xử lý vụ án đã có thể kết thúc nhanh hơn.

Trên thực tế, cả bốn hành vi “tàng trữ”, “vận chuyển”, “chế biến” và “buôn bán” đều là những hành vi gắn liền với nhau trong cùng một chuỗi, tuy nhiên, trong khi động vật hoang dã bị “vận chuyển”, “buôn bán” ngay lập tức bị xử lý hình sự thì việc phát hiện động vật hoang dã bị “tàng trữ” hoặc đang trong quá trình “chế biến” lại không thể áp dụng chế tài nghiêm khắc này do không có căn cứ xử lý. Đây là lưu ý cần được xem xét sửa đổi trong BLHS sửa đổi.

Có thể nói chế tài hình sự là chế tài xử phạt mang tính răn đe cao nhất hiện nay. Chính vì vậy, việc đảm bảo tính chặt chẽ và hợp lý của các quy định trong BLHS liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã là hết sức cần thiết đối với công tác ngăn chặn loại hình tội phạm này. Hiện BLHS đang được xem xét thông qua, hy vọng luật sửa đổi sẽ kế thừa những điểm tích cực trong quy định tại Điều 190 BLHS năm 2009, đồng thời khắc phục những bất cập hiện tại. Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện BLHS sửa đổi, các cơ quan chức năng cũng cần sớm xây dựng các hướng dẫn liên quan đến tội phạm về động vât hoang dã để đảm bảo hiệu quả thực thi Luật.

Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)


Tài liệu tham khảo:

1. Cục Kiểm lâm, 2014, Báo cáo số 683/BC-KL-QLR ngày 17/12/2014 về Công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2014 và Phương hướng nhiệm vụ bảo vệ rừng năm 2015

2. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Báo cáo Phân tích kết quả xử lý hình sự tội phạm về động vật hoang dã, công bố tại Tọa đàm về tăng cường công tác đấu tranh với các tội phạm về động vật hoang dã do ENV tổ chức ngày 28/03/2014

[1] Theo Báo cáo số 683/BC-KL-QLR ngày 17/12/2014 của Cục Kiểm lâm về Công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2014 và Phương hướng nhiệm vụ bảo vệ rừng năm 2015, từ năm 2009 đến năm 2013 có 5.133 vụ vi phạm về ĐVHD. Tuy nhiên, trong giai đoạn này chỉ có 327 vụ việc được đưa ra xét xử, theo thống kê của Vụ Thống kê Tổng hợp – Tòa án nhân dân tối cao.
[2] Thống kê của Vụ Thống kê Tổng hợp – Tòa án nhân dân tối cao cho thấy trong số 490 bị cáo được đưa ra xét xử, 159 bị cáo phải chịu mức án tù 3 năm trở xuống, 19 bị cáo chịu mức phạt tù từ 3-7 năm và 342 bị cáo được hưởng án treo và các hình phạt khác.
[3] Thông tin tại Hội nghị của Ủy ban về phòng, chống tội phạm và tư pháp Liên Hợp quốc diễn ra ở Áo cuối tháng 4/2013

* Những phân tích, bình luận trong bài viết dựa trên các Dự thảo Luật được công bố trên trang thông tin của Quốc hội trước ngày 15/10/2015