Nhức nhối quặng lậu: Đêm trắng ở vùng “rốn quặng” (Kỳ 1)

Tại tỉnh Thái Nguyên, cùng với gỗ nghiến, quặng sắt là loại tài nguyên đem lại siêu lợi nhuận. Quặng đã tạo ra thứ ma lực đến nỗi không chỉ dân đen, con phe mà cả một số quan chức cũng "dính chấu"…

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, cuối năm 2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên đã ra thông báo nghiêm cấm việc vận chuyển quặng sắt từ vùng mỏ Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) ra ngoài tỉnh. Đã gần hai năm Thái Nguyên “ra quân” nhưng tình hình khai thác cũng như vận chuyển quặng trái phép tại “điểm nóng” này vẫn không hạ nhiệt. Chỉ khác chăng, nếu trước đây bọn “quặng tặc” hoạt động công khai thì giờ đây chúng rút vào “hoạt động bí mật” vừa che mắt được các cơ quan chức năng vừa tính kế “sâu rễ bền gốc”.

Thị trấn Trại Cau và xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ) là địa bàn hoạt động chủ yếu của bọn “quặng tặc”. Buổi chiều, trong vai người đi tìm mua vải thiều về sấy, tôi lượn qua vùng khai thác quặng thấy khu vực nào cũng lố nhố bóng người đào bới. Đó chỉ là những người đi mót quặng – người đưa đường giải thích.

Với mức độ tinh vi hơn và không loại trừ khả năng được bật đèn xanh, một số hộ dân nằm trong điểm mỏ đã tiến hành khai thác thổ phỉ quặng sắt ngay tại vườn nhà. Quặng thu được sẽ có đầu nậu đến thu mua rồi vận chuyển theo Quốc lộ 259 sang tỉnh Bắc Giang. Qua Cầu Gồ, đến xã Xuân Lương (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang – giáp ranh với huyện Đồng Hỷ), người ta sẽ thấy ngay không khí thu mua quặng lậu khá tấp nập. Trong vòng bán kính chưa đầy một cây số vuông của vùng giáp ranh có đến gần 10 ông chủ thu mua quặng lậu.

Tại gia đình ông Vũ Văn Nho (thôn Tam Kha, xã Xuân Lương), vợ ông đang lúi húi vần những bao quặng nặng trên dưới 1 tạ đổ xuống cái hố sâu chừng 5 mét với diện tích khoảng 20 mét vuông. Những chủ thu mua gọi hố chứa đó là ao quặng. Tôi dò hỏi : “Bà chị năm nay được mùa quặng hay sao mà để nhãn vải trơ cành ra thế?”. Không giấu giếm, người phụ nữ vẫn tay làm, miệng nói đều đặn như một cái máy: “Bận lắm chú em ạ! Lúc nào cũng vội. Làm ngày không hết việc phải làm cả đêm thì còn đâu thời gian mà vải với chả nhãn”.

Qua câu chuyện, tôi biết thêm ngay trong thôn có nhiều gia đình bỏ ruộng vườn chuyển hẳn sang nghề buôn quặng. Điển hình như các hộ ông Hùng, ông Khơi, ông Tám, ông Cầu, ông Sỹ, ông Thép…Mỗi ngày đêm, có hàng trăm xe máy vận chuyển quặng từ Đồng Hỷ sang đây tập kết bán cho chủ thu mua. Cuối ngày khi ao quặng đầy, ước chừng trên dưới 100 tấn thì đầu nậu sẽ đưa máy xúc và xe tải đến múc quặng vận chuyển đi Trung Quốc.

Chủ thu mua trả cho người bán quặng 30.000 – 50.000đ/tạ. Sau khi chủ ăn chênh lệch, giá quặng sẽ được đội lên đến 150.000 – 200.000/tạ nếu “bán tận ngọn”. Như vậy, trong hành trình của dòng chảy quặng sắt, những kẻ vận chuyển được hưởng lợi nhiều nhất. Người đào quặng thổ phỉ và người thu mua chỉ là những mắt xích thứ yếu và là khâu đầu trong hệ thống “ăn quặng” mà thôi. Nhưng không phải ai muốn cũng vận chuyển được quặng.

Đêm, thời điểm nóng nhất để các xe máy hành quân chuyển quặng. Phía bên kia Cầu Gồ, đèn điện ở các ao quặng rực sáng làm những khoảng đêm đen bị xé vỡ. Cân vẫn chờ, chủ mua quặng vẫn đợi. Phía bên Trại Cau hàng loạt xe Minks, xe 2 “thụt” tập kết chờ giờ xuất phát. Để chở quặng, tối đa mỗi chuyến phải được 3-4 tạ nên các chủ xe máy phải tạo thêm giảm xóc thật chắc chắn.

Một chiếc xe Minks bất ngờ quay ngoắt đầu đuổi theo, tôi nhận thấy ánh đèn pha chói gắt phía sau lưng. Chắc là một thứ ám hiệu thông báo cho nhau hoặc để nhận diện tôi- một người lạ. Chiếc xe vượt qua và rẽ vào một quán bia hơi ven lộ – nơi có nhiều xe cùng chủng loại đã tập kết sẵn. 2 giờ đêm, quặng vẫn chưa chạy. Người chủ nhà bồn chồn, lo lắng đi ra ngoài. Một lúc sau, ông quay vào và thông báo: “Chiều qua, dân chạy quặng đã phát hiện ra một người lạ thuê xe ôtô vào vùng quặng, khi xe đi ra thì chỉ còn lái xe mà không thấy hai người đâu. Chúng nghi có sự tập kích của công an kinh tế nên đêm nay sẽ không chạy nữa”.

Vì sợ bị phát hiện, chủ nhà khuyên tôi nên rời vị trí càng nhanh càng tốt. Ông cũng ra khỏi nhà vào lúc 4 giờ sáng. Thái độ và hành động tử tế của người dân lương thiện làm tôi ra khỏi vùng quặng mà vẫn đeo đẳng hoài một thắc mắc về sự tàn bạo của những thế lực đen đang ngự trị trên mảnh đất này.

Ngày hôm sau, tôi nhận được tin của một số người dân về cuộc “rút quân” rầm rập của xe chở quặng. Với dáng vẻ của một xe ôm sở hữu chiếc Longin đã cũ, lần thứ 2 tôi tiếp cận vùng quặng. Anh T (người thừa nhận đã từng là “quặng tặc” nên nắm bắt chắc thông tin ngầm từ chủ vận chuyển) báo cho tôi một tin không vui: bọn chúng đánh hơi được buổi chiều hôm nay cơ quan chức năng sẽ tập kích nên vừa rút đi hết.

Không nườm nượp xe máy, không ầm ầm xe tải, thị trấn Trại Cau lặng lẽ tựa hồ thế trận “vườn không nhà trống”. Anh T cho biết, khi nào lực lượng chức năng rút quân thì chúng trở lại hoạt động. Rõ ràng, công tác ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép quặng sắt ở đây đang ở thế hổ vờn mèo. Sức mạnh của thế giới ngầm với quy mô và sự tổ chức chặt chẽ tới mức chúng có thể phát hiện được sự xuất hiện của một người lạ, thậm chí biết trước được động thái của cả chính quyền.