Dân phá rừng trồng sắn, chính quyền làm ngơ

Vài năm gần đây, từ khi cây sắn được giá, người dân huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi lại tiếp tục phá rừng trồng sắn. Đến nay, tổng diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên của Quảng Ngãi đã mất gần 5.000 ha. Con số này sẽ còn cao hơn khi tình trạng trồng sắn ngoài quy hoạch hiện đang ngày càng nhiều.

Theo kết luận của Thanh tra UBND tỉnh Quảng Ngãi khi tiến hành điều tra trên địa bàn 14 xã thuộc huyện Sơn Hà, 87% diện tích sắn của huyện được trồng ngoài vùng quy hoạch. Điều này đã lý giải vì sao diện tích rừng trên địa bàn huyện bị thu hẹp một cách nhanh chóng.
Ông Đinh Hà Vang, xã Sơn Giang, Sơn Hà, Quảng Ngãi nói: “Đầu tiên là thôn 1 phá rừng, thôn 2 cũng làm theo để có sắn bán cho Nhà nước. Những người làm trước xã không có ý kiến gì, không phạt nên chúng tôi làm theo…”.
Theo quy hoạch chung của tỉnh Quảng Ngãi, diện tích sắn của huyện Sơn Hà là 4.065 ha, nhưng hiện nay con số này đã lên đến gần 7.000 ha, trong đó chỉ có gần 900 ha được trồng trong vùng quy hoạch. Thực trạng phá rừng để trồng sắn diễn ra trên địa bàn huyện đã lâu và nay vẫn tiếp tục. Nguyên nhân là chính quyền địa phương đã không xử lý dứt điểm ngay từ đầu.
Theo ông Võ Thành Long, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Giang, Sơn Hà, Quảng Ngãi: “Đã có 1 số hồ sơ gửi lên huyện, nhưng huyện không giải quyết kịp thời nên các hộ sau phá tiếp, dẫn đến phá rộng hơn”.
Diện tích sắn trồng ngoài vùng quy hoạch tăng, nên diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi bị thu hẹp một cách nhanh chóng. Đáng lo ngại hơn là, thực trạng này dù đã xảy ra rất lâu ở địa bàn nhiều xã trong huyện, nhưng chưa có một vụ nào bị xử lý theo pháp luật.