Cảnh báo thiếu nước nghiêm trọng trên lưu vực sông Cầu – sông Thương

ThienNhien.Net – Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã khiến mực nước trên lưu vực sông Cầu – sông Thương xuống thấp, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ các ngành công nghiệp, đô thị và sản xuất nông nghiệp. Riêng lưu vực sông Cầu, hiện nay đang thiếu 40 triệu m3 nước; dự kiến đến năm 2030, lượng nước sẽ tiếp tục giảm xuống tới 85 triệu m3.

Cảnh báo trên vừa được ông Lê Viết Sơn, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi đưa ra tại hội thảo dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương” do Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 29/10 tại Hà Nội.

Thông tin thêm về hiện trạng thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương, ông Sơn cho biết, lưu vực sông Cầu – sông Thương có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, thế nhưng thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu đã tạo nên nhiều hình thái thời tiết cực đoan gây khó khăn cho việc cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ.

“Cho đến nay, diện tích tưới phục vụ cho các cây công nghiệp, cây ăn quả đang rất hạn chế. Trong khi, mực nước trên sông Hồng hạ thấp làm cho các công trình trên sông Hồng, sông Đuống nhiều thời điểm không lấy được nước. Nguồn nước sông Cầu cũng thiếu, ảnh hưởng đến khi vực hạ du,” ông Sơn nói.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Về tiêu và phòng chống lũ, theo ông Sơn, các khu đô thị, công nghiệp mở rộng đã làm tăng nhu cầu tiêu thoát nước và phòng chống lũ. Ngoài ra, nhiều trạm bơm thủy lợi với công nghệ lạc hậu trên lưu vực sông Cầu – sông Thương cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi hệ thống đê chưa hoàn chỉnh, mặt cắt nhỏ.

Từ góc độ địa phương, ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc quy hoạch thủy lợi lưu vực sông là rất cần thiết, bởi hiện nay thực trạng thiếu nước tại các sông nằm trên địa bàn tỉnh, như sông Lục Nam rất lớn. Việc sụt giảm nguồn nước cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến việc tưới tiêu, đặc biệt là hàng chục ngàn hécta vải thiều trên địa bàn.

Cùng chung lo lắng về nguồn nước, đại diện tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc quy hoạch thủy lợi cần phải được triển khai sớm và có tính toán kỹ càng. Đối với miền núi như tỉnh Lạng Sơn, thì việc quy hoạch thủy lợi là yêu cầu cấp thiết, bởi nguồn nước đang có xu hướng tụt giảm mạnh.

Trước thực tế trên, ông Lê Viết Sơn, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, ngành thủy lợi cần phải điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương, để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, đô thị, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu tiêu nước, phòng chống lũ cho các khu đô thị, công nghiệp và khu dân cư.

Ông Sơn cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giải pháp cấp nước, bổ sung các trạm bơm tiêu, thay thế các trạm bơm cũ nát, công nghệ lạc hậu; xây mới các trạm bơm đáp ứng nhu cầu tiêu của đô thị, công nghiệp. Xây mới các tuyến đê phòng chống lũ, để khép kín bảo vệ thành phố Thái Nguyên (một trong 7 tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương).

Tại hội thảo, sau các tham luận và phân tích, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng ​đã khẳng định, rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương là giải pháp quan trọng để giải quyết yêu cầu cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ cho các tỉnh trong lưu vực, cũng như phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của các địa phương.

Do đó, ông cho biết, các báo cáo nghiên cứu rà soát sẽ được Bộ xem xét để triển khai trong thời gian tới.

Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương” do Tổng cục Thủy lợi quản lý, với tổng kinh phí thực hiện là 24.378 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, từ 2016-2020 với kinh phí 12.788 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2020 là 11.590 tỷ đồng.

Phạm vi quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cầu – sông Thương với diện tích 13.000km2, thuộc địa phận 7 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Vĩnh Phúc.