ThienNhien.Net – Nhu cầu về năng lượng, mong muốn chấm dứt nạn nghèo đói và tình trạng biến đổi khí hậu có tương quan chặt chẽ với nhau. Bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch kiêm Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng thế giới đã có bài phân tích dưới đây về vấn đề này.
Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo
Làm sao để thoát nghèo là câu hỏi hóc búa đối với phát triển. Người nghèo không thể tự thoát nghèo nếu không được cung cấp một nguồn năng lượng ổn định và lâu dài. Hiện hơn 1 tỷ người đang phải sống trong cảnh thiếu điện, bị tước đi cơ hội phát triển một mô hình sản xuất kinh doanh nào đó, cơ hội để con cái họ có ánh sáng để học tập hoặc thậm chí là có thể nấu ăn một cách thuận tiện hơn.
Muốn chấm dứt nghèo đói đồng nghĩa với phải tăng sản xuất năng lượng, kéo theo đó là một loạt các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới mọi quốc gia và tầng lớp dân cư trong khi những người nghèo cũng chính là những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ít có khả năng thích ứng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu kép vừa mở rộng sản xuất năng lượng để cung cho những người chưa được tiếp cận với nguồn điện, vừa giảm lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu? Không có câu trả lời thỏa đáng duy nhất nào cho vấn đề này, chúng ta không thể yêu cầu các cộng đồng nghèo từ bỏ quyền sử dụng năng lượng chỉ vì các nước phát triển đã phát thải quá nhiều khiến bầu không khí bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu kết hợp các chính sách và chương trình với tư duy và công nghệ mới, những nỗ lực về chính trị và tài chính sẽ có thể giúp người nghèo tiếp cận được nguồn năng lượng cần thiết, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới xây dựng mạng lưới điện không phát thải carbon trên phạm vi toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch – giải pháp đa mục tiêu
Ngân hàng Thế giới đang tập trung vào 5 lĩnh vực chủ chốt bao gồm: hỗ trợ xây dựng các thành phố phát thải carbon thấp; thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đầu tư vào năng lượng tái tạo; thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch; và xây dựng hệ thống định giá carbon để đánh vào chi phí phát thải.
Cách tiếp cận là tách biệt tăng trưởng kinh tế với các hoạt động phát thải carbon. Theo đó, chúng ta sẽ phải duy trì sự tăng trưởng kinh tế, mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia, song đồng thời cũng phải giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Thế giới cũng đang chứng kiến nhiều sự thay đổi: Một số quốc gia đang chuyển dần từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các hình thức năng lượng tái tạo với những khoản đầu tư lớn vào thủy điện, địa nhiệt, nhiệt điện và phong điện.
Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2012, các nguồn đầu tư cho năng lượng tái tạo mới tăng 4% trên toàn cầu. Đông Á dẫn đầu xu hướng này với 42% sản lượng điện từ các mô hình năng lượng tái tạo mới. Tại các quốc gia như Bangladesh và Mông Cổ, điện mặt trời quy mô nhỏ đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của người nghèo. Nhiều ngôi nhà đã được thắp sáng với các hệ thống năng lượng mặt trời giá rẻ. Điện mặt trời là một phần của chiến lược phát triển bền vững của chính phủ Bangladesh với hơn 3,5 triệu hệ thống lượng mặt trời tại gia đã được lắp đặt tại vùng nông thôn và tạo ra 70.000 việc làm trực tiếp cho người dân nước này.
Tương tự, vương quốc Maroc hiện đang là một ví dụ điển hình ở châu Phi về nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu của quốc gia này là năng lượng tái tạo sẽ chiếm 42% tổng công suất điện toàn quốc vào năm 2020. Gần đây, Maroc đã thành lập một cơ quan chuyên môn về năng lượng mặt trời và đang phát triển một “siêu lưới điện” tích hợp cả năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và sinh khối. Đầu tư năng lượng tái tạo ở Maroc tăng từ 297 triệu USD trong năm 2012 lên 1,8 tỷ USD trong năm 2013, một phần cũng do chính sách giảm trợ giá cho sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch của nước này.
Nếu toàn cầu tập trung giảm phát thải carbon và sản xuất năng lượng phi carbon, tất yếu sẽ dẫn tới thực tế là việc sử dụng nguồn năng lượng gây ô nhiễm sẽ có chi phí cao hơn bởi . Bởi lẽ, lượng carbon được phép phát thải vào khí quyển không còn nhiều và mỗi tấn phát thải sẽ bị tính giá đắt đỏ hơn.
Hiện có khoảng 40 quốc gia và hơn 20 thành phố, tiểu bang và tỉnh thành sử dụng hoặc lên kế hoạch sử dụng biểu giá về mua bán phát thải carbon nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tổng cộng, sáng kiến định giá carbon này có giá trị khoảng gần 50 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp cũng ủng hộ việc áp dụng việc tính phí cho phát thải carbon và thúc đẩy đầu tư vào các mô hình sản xuất năng lượng sạch.
Trái phiếu xanh cũng đang gia tăng. Một báo cáo mới đây cho thấy Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển – IBRD đã phát hành 100 trái phiếu xanh trị giá 84 tỷ USD dưới 18 loại đơn vị tiền tệ. Các khoản đầu tư đang hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải carbon và tăng trưởng bền vững ở các quốc gia. Hai dự án tiết kiệm năng lượng ở Trung Quốc đã được hỗ trợ bằng trái phiếu xanh, ước tính giúp giảm 12,6 triệu tấn CO2 – tương đương với việc giảm 2,7 triệu xe hơi trên đường mỗi năm. Công ty Tài chính Quốc tế – IFC cũng đã phát hành 3,9 tỉ USD trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu xanh toàn cầu hiện trị giá khoảng 38 tỷ USD.
Hướng đến Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 12 ở Paris, các cuộc tranh luận, đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đã chuyển từ văn phòng của các bộ trưởng môi trường sang văn phòng của các bộ trưởng tài chính nhằm đánh giá các giải pháp, chi phí phù hợp cho việc giải quyết tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng ta đã phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, những biến động bất thường của thời tiết và hệ quả là sự di cư của con người, với thiệt hại ước tính khoảng hàng nghìn tỷ USD và hàng trăm nghìn sinh mạng mỗi năm. Việc gia tăng các sự kiện thời tiết cực đoan – hạn hán, bão và cháy rừng cùng tình trạng ô nhiễm đã để lại những hậu quả nặng nề không chỉ đến sức khỏe của người dân mà còn làm tăng sức ép lên ngân sách công.
Chính vì thế, chính phủ các quốc gia phát triển và đang phát triển nhanh cần phải nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và hệ thống năng lượng, đồng thời giúp tầng lớp người nghèo tiếp cận được với nguồn năng lượng sạch nhất có thể. Đối với các nước đang phát triển, đây cũng chính là một cơ hội, một thách thức trong xây dựng một nền kinh tế phi carbon có sức cạnh tranh.