Mô hình sản xuất mới trên vùng đất sa mạc hóa

ThienNhien.Net – Để khắc phục tình trạng thoái hóa đất, hạn hán do lượng mưa thấp (600 – 1000mm/năm) ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan áp dụng nhiều mô hình trồng lạc (đậu phộng) xen sắn (mỳ) để cải tạo điều kiện thực tế tại địa phương.

Ruộng mì xen đậu phụng (Ảnh: quangngai.gov.vn)
Ruộng mì xen đậu phụng (Ảnh: quangngai.gov.vn)

Ông Bá Đình Tâm – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bắc Bình cho biết nếu trước đây hai loại cây này phải trồng cách nhau 3 – 4 tháng thì nay sẽ trồng cùng một lúc.

Quy trình trồng cũng không khác cách truyền thống nhiều, chỉ khác là mật độ cây lạc thưa hơn để khỏi che lấp cây sắn lúc mới mọc. Cứ 3 – 4 hàng lạc thì trồng xen 2 hàng sắn.

Kết quả cho thấy cây sắn phát triển tốt nhờ bộ rễ cây lạc làm đất tơi xốp giữ ẩm cao. Khi thu hoạch lạc thì phần lá và thân cây lạc được giữ lại để ủ gốc sắn, giúp tăng độ ẩm cho cây sắn và cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Từ thực tế canh tác, gia đình anh Đoàn Văn Bảy (xã Sông Bình, Bắc Bình) chia sẻ hai loại cây này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, ít cỏ dại, chịu hạn tốt. Mô hình này tiết kiệm công làm cỏ, xới đất.

Sau 3 tháng gia đình anh đã có thể thu hoạch lạc, năng suất đạt 16,8 tạ/ha, lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Gia đình tiếp tục chăm sóc cây sắn thêm 3 tháng nữa, đến khi thu hoạch cho củ lớn, dễ nhổ nhờ đất tơi xốp, năng suất 27 – 30 tấn tươi/ ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình thu được từ cây sắn là hơn 30 triệu đồng/ha. Như vậy trên cùng một diện tích, gia đình anh thu lợi nhuận nhân đôi.

Lợi ích về kinh tế của việc trồng xen canh đã rõ. Hiệu quả lớn nhất mà mô hình này mang lại là đã góp phần cải tạo được những vùng đất cát bạc màu, có xu hướng biến thành hoang mạc, tạo cơ hội thoát nghèo cho nông dân, đồng thời thay đổi thói quen canh tác của bà con.