Gấu trúc – “ô bảo hộ” cho các loài động vật khác

ThienNhien.Net – Đôi khi công tác bảo tồn không thật sự công bằng khi chi ra rất nhiều tiền để bảo vệ những loài động vật dễ thương, hấp dẫn hay sặc sỡ, trong khi lại bỏ qua các loài động vật đang bị đe dọa khác chỉ vì chúng kém thu hút hơn.

Thế nhưng bảo vệ các loài “nổi tiếng” liệu có giúp ích cho các loài khác? Các nhà khoa học đã nghiên cứu trường hợp gấu trúc ở Trung Quốc, nơi loài gấu trúc khổng lồ được coi là “quốc bảo” và được sống trong môi trường đặc biệt dành riêng cho gấu trúc.

Ảnh minh họa: Tạp chí Conservation
Ảnh minh họa: Tạp chí Conservation

Để tìm ra những ảnh hưởng có lợi của việc ưu tiên bảo tồn gấu trúc đến những loài động vật khác, các nhà nghiên cứu đã lập danh sách 2.300 loài thú, chim và lưỡng cư ở Trung Quốc, từ đó chọn ra 132 loài thú, 117 loài chim và 250 loài lưỡng cư đặc hữu để tìm hiểu tình trạng loài và mối quan hệ với môi trường sống của gấu trúc.

Kết quả cho thấy, gần một nửa số loài đặc hữu sinh sống trong rừng. Trong số đó, 70% chim và thú, cùng 31% loài lưỡng cư có cùng nơi cư trú với gấu trúc. Nhờ đó, khu vực dành để bảo vệ gấu trúc cũng trở thành nơi trú ẩn cho gần như tất cả các loài động vật có cùng môi trường sống với gấu.

Nhóm nghiên cứu đã đánh dấu những khu vực tập trung các loài đặc hữu và nhận thấy hầu hết những điểm này đều nằm trong khu vực cư trú của gấu trúc. Vì vậy, gấu trúc ngẫu nhiên trở thành “chiếc ô bảo hộ” cho những loài động vật khác. Đầu tư cho bất kỳ nơi cư trú nào của gấu trúc cũng sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều loài đặc hữu khác.

Mặc dù vậy, vẫn còn những loài động vật không nhận được sự quan tâm xứng đáng. Chẳng hạn, rất nhiều loài đặc hữu đang sinh sống tại Tứ Xuyên không nằm trong khu vực có gấu trúc. Ngay cả khi nơi cư trú của loài đặc hữu có chung với khu vực bảo tồn gấu trúc, khu vực đó vẫn có thể quá nhỏ để bảo vệ được loài động vật đó. Hay nói cách khác, “chiếc ô bảo hộ” gấu trúc vẫn còn một vài chỗ dột.