Vai trò bất ngờ của động vật ngoại lai đối với đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Cách đây một thế kỷ thỏ có mặt khắp nơi ở New Zealand và giải pháp được đưa ra để “giải quyết” sự đông đúc ấy là du nhập một loài ăn thịt. Theo đó, ít nhất 224 con chồn nâu đã được chính quyền New Zealand nhập về từ Anh Quốc trong những năm 1884 – 1885.

Chồn nâu (Nguồn: Tạp chí Conservation)
Chồn nâu (Nguồn: Tạp chí Conservation)

Chồn nâu (hay còn gọi là chồn ecmin, tên khoa học Mustela erminea) thuộc họ chồn, có họ hàng với một số loài như Chi chồn, Rái cá, Lửng, Chồn sương, Chồn nhỏ và Chồn Gulô. Ở quê quán Anh Quốc, hơn 80% thức ăn của chúng là loài thỏ Châu Âu, mặc dù chính ở Anh, thỏ cũng là loài động vật ngoại lai. Thỏ được đưa đến Quần Đảo Anh khoảng 2000 năm trước và sinh sôi nảy nở khắp nơi vào khoảng giữa thế kỷ 12. Vì vậy, New Zealand đã nghĩ đến cách xóa sổ loài thỏ bằng kế hoạch nhập khẩu chồn từ Anh.

3 năm sau, thêm 3000 con Chồn nâu và các loại chồn khác được nhập khẩu từ Lincolnshire. 20 đến 30 năm sau đó, hàng nghìn con chồn tiếp tục được nhập khẩu. Đến cuối thế kỷ 12, số lượng và vị trí thả chồn nhiều đến nỗi loài động vật này đã hoàn toàn thống trị tất cả các đảo lớn ở New Zealand.

Thỏ (Nguồn: Tạp chí Conservation)
Thỏ (Nguồn: Tạp chí Conservation)

Trong khi những con chồn ở New Zealand tiếp tục công việc tiêu diệt thỏ và sinh sôi nảy nở thì họ hàng của chúng ở Anh lại gặp phải vấn đề.

Đầu những năm 1950, virus myxoma bắt đầu xuất hiện ở Anh, gây ra bệnh myxomatosis (gọi tắt là myxo) ở thỏ. Dịch bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp từ bọ chét và muỗi, khiến loài thỏ chết sau khoảng 2 tuần sưng tấy da, mù, mệt mỏi và sốt.

Cho đến năm 1953 – 1955, dịch bệnh đã xóa sổ gần 99% số lượng thỏ ở Anh. Chính quyền Anh cũng góp phần khiến dịch bệnh lan rộng bằng cách thả thỏ ốm vào các khu vực thỏ khỏe, nhằm bảo toàn canh tác nông nghiệp.

Nhưng số lượng thỏ giảm sút lại khiến các loài ăn thịt như chồn nâu bị thiếu nguồn thức ăn. Những con chồn nhỏ bị chết đói, ngày càng ít chồn cái sinh sản. Mặc dù chồn bắt đầu tìm kiếm loại thức ăn khác như các loài không xương sống, chim chóc, các loài gặm nhấm nhưng cũng không đủ để duy trì số lượng. Số lượng chồn nâu giảm khoảng 84% mỗi năm trong vòng một thập kỉ sau khi vừa bùng nổ.

Nguồn: Tạp chí Conservation
Nguồn: Tạp chí Conservation

Thông thường, các loài ngoại lai thiếu sự đa dạng gen so với quần thể bản địa vì được sinh sôi từ một quần thể nhỏ. Thế nhưng theo kết luận của Nhà sinh vật học Andrew J. Veale và các đồng nghiệp trên tạp chí Molecular Ecology, loài chồn ở New Zealand lại có nguồn gen đa dạng hơn quần thể bản địa của chúng ở Anh. Những số liệu được lưu giữ và mẫu gen thu thập từ 2 nơi cho thấy việc gia tăng đa dạng nguồn gen của chồn tại New Zealand không phải vì chồn được đưa đến từ nhiều nơi, cũng không phải  do tăng tỷ lệ đột biến sau khi được đưa về New Zealand, mà phần lớn là do sự sụt giảm số lượng nghiêm trọng tại Anh vào những năm 1950.

Hiện tượng Generic bottleneck: Các thảm họa như động đất, bão lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh…  có thể giết chết hàng loạt cá thể của quần thể một cách không chọn lọc, làm giảm kích thước của quần thể một cách mạnh mẽ.  Kết quả là quần thể nhỏ còn sống sót có cấu trúc di truyền khác hẳn với quần thể  ban đầu. Biến động di truyền có thể tiếp tục ảnh hưởng đến quần thể qua nhiều thế hệ cho đến khi quần thể  khôi phục kích thước đủ lớn làm cho sai số mẫu không còn ý nghĩa. Đây là một trong hai hiện tượng ngẫu nhiên trong tiến hóa. (Theo Gs. Bùi Tấn Anh – Phạm Thị Nga, Vietscience).

Thực tế đã chứng minh lí luận trên không hề “điên khùng”. Chẳng hạn, loài chuột đồng được đưa đến các đảo Orkney thuộc Scotland cách đây 5000 năm, cho đến nay vẫn duy trì sự đa dạng mặc dù ở quê hương chúng đã tuyệt chủng. Các nhà khoa học gọi đây là Hiện tượng thắt cổ chai (Generic bottleneck).

Điều này có nghĩa việc di cư động vật trong một vài trường hợp lại giúp duy trì đa dạng nguồn gen và bảo tồn một số loài nguy cấp, trong đó có loài chồn. Gà lôi xám và chim sẻ Emberizidae đã từng rất phổ biến ở khắp Châu Âu và Vương Quốc Anh. Khi các hoạt động canh tác nông nghiệp thay đổi, quần thể bản địa giảm dần, trong khi số lượng ở các nơi khác lại tiếp tục tăng.  Như vậy, khi hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học, phương pháp di cư loài có thể đáng được thực hiện.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo việc di chuyển loài chỉ phù hợp khi có đủ thông tin lịch sử của cả quần thể bản địa và quần thể di cư. Nếu thiếu các thông tin liên quan, riêng số liệu gen có thể khiến các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận sai lệch. Đối với các quần thể di cư tự nhiên, riêng yếu tố đa dạng gen không đủ dẫn đến các quy trình lịch sử vốn là căn nguyên của sự đa dạng đó.