20 triệu người mất nhà do thiên tai năm 2014

ThienNhien.Net – Gần 20 triệu người trên thế giới buộc phải dời bỏ nhà cửa do bão lũ, động đất vào năm ngoái. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tác động của biến đổi khí hậu. Đó là thông tin được công bố trong báo cáo thường niên của Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội địa (IDMC)*.

Kể từ năm 2008 tới nay, trung bình mỗi năm có khoảng 26,4 triệu người phải sơ tán do thiên tai. Tương đương cứ mỗi giây sẽ có một người phải dời bỏ nhà cửa của mình. Mặc dù số lượng người phải di dời năm 2014 thấp hơn mức trung bình nhưng con số này có xu hướng tăng trong dài hạn.

Theo các nhà khoa học, phát thải khí nhà kính làm tăng thêm mức độ cực đoan của các đợt nắng nóng và mưa lũ.

“Số người phải chuyển chỗ ở do thiên tai đang gia tăng và có nguy cơ tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới. Số liệu phân tích của chúng tôi cho thấy khả năng một người phải chuyển chỗ ở do thiên tai hiện nay cao hơn 60% so với những năm 1970. Biến đổi khí hậu được cho là yếu tố quyết định tới việc gia tăng tần số cũng như cường độ của các thảm họa thiên tai” – Ông Alfredo Zamudio, Giám đốc IDMC khẳng định.

Một gia đình ở Việt Nam bị bão “cướp” mất nhà (Ảnh: Tiền Phong Online)
Một gia đình ở Việt Nam bị bão “cướp” mất nhà (Ảnh: Tiền Phong Online)

Trong quá trình thu thập dữ liệu cho báo cáo, các chuyên gia nhận thấy rằng ảnh hưởng của thiên tai tới từng nước cũng khác nhau tùy thuộc vào cách ứng phó, điều kiện của mỗi quốc gia.

Châu Á là châu lục đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Gần 90% trong tổng số 19,3 triệu người phải sơ tán trong năm 2014 do thiên tai là người Châu Á. Trong đó, chủ yếu là do bão ở Trung Quốc, Philippines và lũ lụt ở Ấn Độ.

Thiên tai ảnh hưởng tới toàn thế giới, từ những nước nghèo tới các nước phát triển. Khoảng 230.000 người Nhật đã phải sơ tán trong thảm họa kép động đất – sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 trong khi hơn 50.000 người tại Hoa Kỳ vẫn cần hỗ trợ về nhà ở sau cơn bão Sandy, xảy ra vào năm 2012.

Đa số người dân thoát khỏi thảm họa vẫn chỉ di cư trong nội địa nước mình, tuy nhiên họ vẫn phải đối mặt với thái độ kỳ thị của dân địa phương với người từ nơi khác đến. Nhiều trường hợp người sơ tán do thiên tai bị liệt vào nhóm người di cư không giấy tờ và do đó, khó tránh khỏi bị coi là tội phạm, buộc trở lại địa phương hoặc bị trục xuất. Điều này càng làm trầm trọng thêm bức tranh về di cư toàn cầu – Ông William Lacy Swing, Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhận định.

*Trung tâm Giám sát Dịch chuyển Nội địa (IDMC) được thành lập năm 1998, là một phần của tổ chức phi chính phủ độc lập Hội đồng Tỵ Nạn Na Uy (NRC).