Ô nhiễm khó tưởng tượng ở Mẫn Xá, Bắc Ninh

ThienNhien.Net – Làng nghề tái chế nhôm Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hình thành, phát triển đã hơn 50 năm. Giàu lên nhanh chóng từ nghề tái chế, nhưng đây cũng là ngôi làng vững danh hiệu không ai mong muốn: “Làng ung thư” đứng đầu cả nước suốt hai năm gần đây. Những cái chết thương tâm ở làng tái chế nhôm Văn Môn, nặng nề nhất là thôn Mẫn Xá, như một lời cảnh tỉnh về mức độ ô nhiễm đáng báo động.

Khói lò được xả trực tiếp ra môi trường
Khói lò được xả trực tiếp ra môi trường

Sống chung với rác thải độc hại

Tìm đến thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn) một chiều cuối tuần, dù đã có sự tìm hiểu và sẵn tâm lý từ trước, nhưng chúng tôi đều không khỏi choáng váng bởi tình trạng ô nhiễm đến khó tưởng tượng. Không phải bóng khói lam chiều, cũng không phải khói đốt rơm rạ cuối mùa vụ, bao trùm làng quê ven đô mà là những đám khói đen sì bốc lên từ hàng trăm lò nấu nhôm, sắt vụn… Không khí vốn oi ả, nóng bức càng trở nên ngột ngạt, tù túng. Mùi khí đốt thải ra từ những lò luyện kim quyện vào cái nắng gay gắt khiến những người chưa quen với không khí nơi đây phải nín thở trong giây lát để tránh bị sốc. Ấy thế mà người dân Mẫn Xá nói riêng và hơn chục nghìn nhân khẩu ở xã Văn Môn nói chung đã ăn đời, ở kiếp từ hàng chục năm nay.

Cũng không quá khi một số cao niên trong làng suýt xoa, cuộc sống ở Mẫn Xá là sự giành giật từng ngày giữa môi trường sống ô nhiễm hiện hình như thần chết và bát cơm được đem lại từ chính cái nghề nghiệt ngã này. “Ai cũng biết là nghề này độc hại, nhưng cũng nhờ nó mà người trong làng mới có bát ăn, bát để như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thực – một cao niên – cho biết.

Vừa nói, ông Thực vừa đưa mắt, chỉ tay về phía dãy nhà cao tầng mờ ảo trong làn bụi chen lẫn bên khoảng trống ngổn ngang phế liệu. “Đấy, độ giàu có của Mẫn Xá thì khỏi phải nói, nếu không muốn so sánh là giàu nhất, nhì huyện”, ông Thực tiếp lời.

Trên con đường dẫn vào trung tâm xã, đập vào mắt chúng tôi là những đống rác thải đang chờ được đem đốt. Những cột khói vô tư mọc lên hai bên đường, và theo người dân nơi đây, đó là cách duy nhất để họ tiêu hủy những núi rác khổng lồ ngày một phủ rộng. “Làng chưa có bãi rác, không đốt thì chứa làm sao hết nên nhà ai tự lo rác nhà đó thôi”, một người dân địa phương cho biết.

Đã từ lâu, các làng nghề ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vốn nổi tiếng về mức độ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu so sánh thì Mẫn Xá vẫn đứng nhất bảng, không chỉ của huyện, tỉnh mà còn thuộc số ít làng nghề có mức độ ô nhiễm đứng đầu cả nước. Trong dự án nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được công bố mới đây do một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, kết quả cho thấy, Mẫn Xá là một trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, không khí.

Nhiều người dân tại đây còn kể lại, trước kia, dân trong làng còn có thói quen giấu nhôm xuống gầm giường, gầm tủ, đề phòng bị kẻ gian lấy cắp. Cũng từ đó, các thành viên trong gia đình cứ hao mòn, phờ phạc, sinh bệnh tật mà không rõ nguyên nhân. “Khi ấy, mọi người chỉ nghĩ là người đó bị trúng gió, hay bệnh gì, thậm chí là nghĩ nguyên nhân do tâm linh, không ai nghĩ thủ phạm chính là những đồ phế thải kia”, ông Nghiêm Văn Hùng – một người dân tại xã Văn Môn – cho hay.

Từ một vài người, sau cơn dịch bệnh da vàng, mỏi mệt lan rộng ra cả làng. Suốt nhiều năm liền, Mẫn Xá rơi vào cơn khủng hoảng tâm lí, khi người bị bệnh ngày càng nhiều, nhưng không ai biết rõ nguyên nhân. Chỉ đến khi đoàn cán bộ y tế về địa phương và phát hiện mức độ ô nhiễm của nguồn nước, cộng với việc người dân lưu giữ phế thải trong nhà chính là nguyên nhân đưa đến hệ lụy vừa qua, người dân mới giật mình và từ bỏ thói quen nguy hiểm đó.

Lao động thủ công
Lao động thủ công

Muốn thoát ly, nhưng biết đi đâu?

Sống lâu với ô nhiễm, sức khỏe của người dân tại đây bị đe dọa nghiêm trọng. Những căn bệnh quái ác ung thư, lao phổi… liên tiếp ập đến hoành hành. Tâm lí hoang mang, sợ hãi bao trùm, ám lên toàn bộ ngôi làng. Có ngày, trạm y tế xã tiếp nhận 4 – 5 cháu bé bị nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng, phải chuyển cấp cứu ở tuyến trên. Số người già mắc bệnh hô hấp mạn tính chiếm khoảng 60 – 70%. Ông Nguyễn Văn Duy – Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Môn – cho biết, qua theo dõi những năm gần đây, tỉ lệ người mắc ung thư và chết do ô nhiễm ngày càng cao hơn. Mỗi năm, bình quân số bệnh nhân tử vong tại Văn Môn khoảng 30 người, trong đó có khoảng 20 người chết do ung thư.

Qua tìm hiểu, phần đông người dân tại địa phương đều biết làm nghề độc hại, nhưng đất ở làng giờ khó mà phát triển được nông nghiệp hay nghề khác. Nỗi khổ sống tại làng nghề ô nhiễm cứ dai dẳng bám riết hơn chục nghìn người dân Văn Môn. Mùa nóng đóng kín cửa trong nhà, quạt thổi 24/24h vẫn bốc mùi không chịu nổi, mùa mưa thì lênh láng tận bậc thềm. Cây cối cằn cỗi, lá vàng úa, quắt quéo đi, không lớn được. Ao hồ nuôi con gì cũng chết. Những nhà gần xưởng, nếu không có hệ thống kính chắn kín mít thì ở trong nhà vẫn phải mang theo khẩu trang để hạn chế hít phải bụi độc.

Được biết, toàn thôn Mẫn Xá có gần 600 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu. Trong đó, trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề tái chế nhôm, chì và vận chuyển phế liệu. Điều đáng nói, đại đa số lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm đều không được bảo hộ, không đảm bảo yêu cầu lao động và theo phương thức thủ công là chính. Theo ông Nguyễn Đức Phúc – Chủ tịch UBND xã Văn Môn, ngoài hơn 20 xưởng cô, đúc nhôm, chì, luyện đồng, kẽm có quy mô lớn (mỗi xưởng có từ 15 – 20 lò), hầu như gia đình nào tại Mẫn Xá cũng sở hữu ít nhất một lò riêng với mức độ tiêu tốn trung bình là 12 – 14 tấn nguyên liệu/lò. Không qua bất kì khâu xử lý nào, khói từ các lò được xả trực tiếp vào môi trường. Đó cũng là lý do tại sao ở Mẫn Xá, hàm lượng chì trong môi trường luôn cao gấp vài chục lần tiêu chuẩn cho phép.

Cũng theo ông Phúc, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường làng nghề tới cuộc sống của người dân, xã đã lập đề án quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề tập trung với diện tích khoảng 30 hécta và được tỉnh Bắc Ninh chấp thuận cho phép khảo sát, lập dự án. Theo kế hoạch của đề án, trong năm 2014, việc khảo sát và thu hồi đất ở dự án làng nghề tập trung sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, nửa năm 2015 sắp qua, những việc đáng lẽ phải hoàn thành trong năm 2014 vẫn chưa được khởi động. Mốc năm 2017 đưa dự án làng nghề tập trung vào hoạt động xem ra quá xa vời, khi dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong khi đó, người dân Văn Môn, đặc biệt là thôn Mẫn Xá, đều mong muốn sớm thoát khỏi môi trường sống ô nhiễm như hiện nay. Nguyện vọng của đại đa số người dân nơi đây là được thoát ly khỏi làng, thế nhưng, họ biết đi đâu, khi đây là đất tổ, hơn nữa là nơi họ có thể kiếm kế sinh nhai và tồn tại. “Muốn lắm, nhưng biết đi đâu. Đành chấp nhận sống, chết tại đây, chỉ mong là sớm thoát cảnh ô nhiễm thôi”, ông Nguyễn Văn Thực thở dài.