Bát nháo vựa vàng Hợp Châu – Kỳ I

ThienNhien.Net – Tòa soạn Báo Công Thương nhận được đơn tố cáo của người dân thôn Châu Dể (xã Hợp Châu -Lương Sơn, Hòa Bình) phản ánh: Mấy năm trở lại đây, tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra công khai khiến nhiều quả đồi, ruộng lúa bị “ngoạm” hết. Đất rừng đầu nguồn, đất 5% do xã quản lý cũng bị các “bưởng” vàng và người dân trong và ngoài địa phương đưa lên máng đãi…

Bán đất lấy tiền viết lịch sử Đảng bộ xã?

Máy xúc, máy sàng ẩn khuất sau lùm cây (Ảnh: Báo Công Thương)
Máy xúc, máy sàng ẩn khuất sau lùm cây (Ảnh: Báo Công Thương)

Tan hoang “bờ xôi, ruộng mật”!

Về Châu Dể những ngày nắng gắt cuối tháng 5, mọi tuyến đường liên thôn dẫn vào khu bãi Giang và đồng Trũng thuộc các đội 4 và 5 của thôn nhầy nhụa đất bùn, lổn nhổn sỏi đá. Con suối là nguồn nước “nuôi sống” đồng lúa hai vụ rộng vài ha của đội 4 và 5 giờ đã thành đường đi vì hoạt động khai thác vàng phía thượng nguồn làm bồi lấp dòng chảy, thậm chí có thể làm thành đường đi cho cả ô tô, xe máy.

Chưa có cơ quan nào thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng sa khoáng trên địa bàn xã Hợp Châu nhưng hơn ba năm nay, dù không ai cho phép, tình trạng khai thác vàng ở đây vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Khấp khểnh ngược dòng chừng hơn cây số, chúng tôi gặp cơ man ao, hồ xen lẫn những ụ bồi, đụn đất. Ở một góc hồ, dòng nước đỏ ối phù sa từ những quả đồi phía trên xối ào ào. Rõ là công trường khai khoáng!

Thấp thoáng trong những lùm cây phía xa xa, lán trại dã chiến ẩn khuất; những chiếc máy xúc vươn tay gầu như khẳng định: “Bãi vàng mà!”.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Chi bộ thôn Châu Dể ngày 8/4/2014, ông Bùi Phú Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu- phát biểu: “Xã bán đất 5% là để làm cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hợp Châu” và “việc tự mua bán đất gây bức xúc trong nhân dân xã không biết, xã không chịu trách nhiệm về việc bán đất của bà con xã viên”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Nga – người dân đội 5- giãi bày: Dân trong thôn bao đời sống nhờ ruộng đồng. Mỗi khẩu chỉ trông vào 480m2 đất ruộng hai lúa và nguồn nước từ con suối đồng Thao chảy từ trên núi xuống, nhưng giờ thì nhiều thửa ruộng bỏ hoang, những thửa khác chỉ làm được một vụ lúa hoặc phải chuyển sang trồng cây hoa màu. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng không thấu. “Thôn bảo xã, xã bảo huyện rồi chẳng biết cấp nào chịu trách nhiệm giải quyết. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, không biết người dân sẽ sống như thế nào?”- Bà Nga chia sẻ.

Dân không tin cán bộ

Hoạt động khai thác vàng nơi đây không chỉ “ăn” mất rất nhiều đất nông, lâm nghiệp, làm hao hụt quỹ đất 5% mà còn gây bồi lấp đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Nhưng, lãnh đạo xã lại vô tư nói: “Không nắm được tình hình!”.

Được biết, trong cuộc họp chi bộ thôn Châu Dể ngày 8/4/2014, người dân tiếp tục nêu hàng loạt kiến nghị liên quan đến hoạt động khai thác vàng “thổ phỉ” trên địa bàn. Rất nhiều ý kiến cho rằng: Hoạt động khai thác vàng trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất, nước sản xuất, gây ô nhiễm môi trường; UBND xã Hợp Châu đã bán đất 5% cho các đối tượng khai thác vàng; nhiều hộ dân địa phương, vì hám lợi trước mắt, đã bán cả đất ruộng 2 lúa cho các đối tượng khai thác vàng nhưng UBND xã không nắm được tình hình. Nhiều người còn cho rằng, cán bộ xã còn đứng ra mua gom đất của dân để bán lại cho những người khai thác vàng.

Để làm rõ, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Bí thư chi bộ và ông Trưởng thôn Châu Dể, nhưng cả hai ông đi vắng. Qua điện thoại, hai ông chung một câu trả lời: Đang bận họp!.

Kỳ II: Xã không biết, huyện chịu thua