Tăng cường thông tin về sử dụng gỗ hợp pháp

ThienNhien.Net – Xuất khẩu gỗ sang các nước khác nhau tại EU đòi hỏi việc giải trình bằng nhiều thứ tiếng và quan niệm về “gỗ sạch” cũng khác nhau. Nếu thực thi được các Hiệp định FLEGT-VP sẽ thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thông qua chứng nhận toàn bộ bằng tiếng Việt.

Xuất khẩu gỗ sang EU đòi hỏi cao về chứng nhận gỗ hợp pháp (Ảnh: Đỗ Hương)
Xuất khẩu gỗ sang EU đòi hỏi cao về chứng nhận gỗ hợp pháp (Ảnh: Đỗ Hương)

Các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia, bao gồm các thị trường cao cấp và có ý thức về môi trường như ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng, Việt Nam cần nhập khẩu gỗ từ nhiều nước trong đó có các nước có nguy cơ sử dụng gỗ từ các nguồn không hợp pháp.Việc ký kết và thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện gắn với quá trình tham gia Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT-VPA) sẽ giúp Việt Nam cải thiện được ngành thương mại lâm sản  minh bạch, hợp pháp hơn cũng như khuyến khích quản lý rừng bền vững và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt hơn.

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng chia sẻ, trong quá trình đàm phán FLEGT-VPA, nhiều doanh nghiệp khá lo lắng về việc ra đời các giấy phép này. Thắc mắc của doanh nghiệp xoay quanh vần đề thực thi như thế nào? Cấp giấy phép theo các chuyến hàng hay từng doanh nghiệp? Thời gian và phí cấp phép?

Tại Hội thảo tổng kết Dự án Nâng cao năng lực cung cấp thông tin FLEGT-VPA ngày 20/8, ông Vũ Anh Minh, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục phát triển (CED) – đơn vị chủ trì dự án cho biết có rất nhiều doanh nghiệp còn đang lúng túng trong việc tìm kiếm thông tin về FLEGT-VPA. Chính vì vậy đơn vị này đã hệ thống hóa thông tin về các hiệp định này qua website http://flegtvpa.com/. Cùng với đó, phát hành sách hỏi đáp về các hiệp định nêu trên.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết việc đàm phán và thực thi các hiệp định này hết sức cần thiết. So sánh về lợi ích và thiệt hại cho thấy khi tham gia các hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được với các thị trường tiêu thụ gỗ lớn và gia tăng được giá trị của ngành.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Diễn, nếu các hiệp định được đàm phán xong và đi vào thực hiện thì thái độ của cơ quan cấp phép rất quan trọng trong quá trình thực hiện nghiêm túc các hiệp định. Bởi, nếu ngay các cơ quan cấp phép không thực hiện với thái độ nghiêm túc, chặt chẽ trên tinh thần phục vụ thì cũng sẽ khó có được thái độ hợp tác tích cực của doanh nghiệp.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực gỗ. Trong đó, lượng gỗ, sản lượng gỗ xuất khẩu sang EU chiếm 20% trên tổng sản lượng gỗ xuất khẩu của Việt Nam.