Quảng Ninh: Những “quả bom than” đang treo trên đầu người dân

ThienNhien.Net – Theo lý giải của công ty than, nguy cơ sạt lở bãi thải than vẫn luôn thường trực, tựa như những quả bom nổ chậm ngay trên đầu người dân.

Quảng Ninh vừa phải hứng chịu đợt mưa lớn nặng nề nhất trong vòng 40 năm qua. Nước dâng lên không thoát kịp đã làm ngập lụt hàng nghìn ngôi nhà. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất lại đến từ những vụ sạt lở tại khu dân cư, chôn vùi hàng trăm ngôi nhà dưới đất đá, bùn thải.

Có mặt tại khu 4 phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh những ngày sau mưa lũ, thật khó hình dung đây vốn là một khu dân cư đông đúc với những nóc nhà san sát nhau. Tất cả đang bị chôn vùi dưới hàng trăm tấn đất đá, bùn, xỉ than đổ xuống từ bãi thải của mỏ than Mông Dương, Cao Sơn, Cọc 6 từ đêm 26, ngày 27/7. Con đường dày lên 30-40 cm, dòng suối sâu biến thành đường. Có nhà ngập bùn khoảng 1m, lấp kín cửa chính, cửa sổ, nhưng có nhà hoàn toàn chìm thậm chí không còn nhìn thấy nóc.

Chị Trần Thị Dung, tổ 1, khu 4, nhà cách chân bãi thải than khổng lồ chỉ vài trăm mét cho biết: “Đất đá đổ xuống nhanh, ùn ùn, hòn đá to bằng cái bàn, cái thùng phi ấy, đổ xuống, cả cái goòng mấy tấn cũng rơi xuống, nó văng vật vào nhà, nhà đổ”.

 Khu vực tổ 1,2 khu 4 phường Mông Dương nhìn từ đập chắn bãi thải. Con đập đã vỡ từ đêm 26, ngày 27/7

Khu vực tổ 1,2 khu 4 phường Mông Dương nhìn từ đập chắn bãi thải. Con đập đã vỡ từ đêm 26, ngày 27/7

Mông Dương chỉ là một trong 9 khu vực bãi đổ thải của vùng than Quảng Ninh, và cũng thuộc số ít khu vực có dân cư nằm ngay sát chân bãi thải. Hàng năm, những bãi này gánh hàng trăm triệu mét khối thải là đất đá, xỉ than đổ ra, tạo nên những khối núi nhân tạo màu đen xám, cao hàng trăm mét. Thêm vào đó, đất tại đây thường xốp, không có độ kết dính.

Theo lý giải của các công ty than, các bãi thải luôn được đổ cắt phân tầng. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở vẫn luôn thường trực, tựa như những quả bom nổ chậm ngay trên đầu người dân.

Mất trắng nhà, mất tài sản, nhiều người dân đã ở đây từ năm 1969 đều cho rằng, không phải họ không nhận thấy mối nguy hiểm thường trực khi ở sát chân bãi thải. Khu phố, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả đã nhiều lần họp bàn lấy ý kiến người dân, đề nghị di dời. Tuy nhiên, nhiều năm mưa lớn, nơi này chỉ ngập nhẹ, thiệt hại không đáng kể, cả người dân và chính quyền đều chủ quan. Vấn đề di dời người dân khỏi khu vực này chưa bao giờ được giải quyết triệt để, dẫn đến hậu quả vừa qua.

Anh Lâm Đức Hoài, người dân đang tạm cư cho biết: “Chúng tôi mong các cấp chính quyền làm cách nào đó để mình có chỗ ở mới, đảm bảo cuộc sống để đi làm ăn”.

Nhà dân ở ngay sát chân bãi thải khổng lồ khoảng 300m, nay chỉ còn nhìn thấy tầng 2
Nhà dân ở ngay sát chân bãi thải khổng lồ khoảng 300m, nay chỉ còn nhìn thấy tầng 2

Sau trận lũ đất bùn thải, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Cẩm Phả đã quyết định di dời toàn bộ 94 hộ dân ở khu vực chân bãi thải này về nơi ở mới an toàn hơn. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tạm thời người dân sẽ được tạm cư ở khu tập thể của nhà máy Lilama cũ, sau đó sẽ được bốc thăm chọn lô đất tại khu tái định cư ở khu 11, trước khi nhận nhà mới do chính quyền xây.

Như vậy, người dân ở chân bãi thải Mông Dương đã có nơi ở mới, cách xa khu vực cũ nguy hiểm cận kề. Nhưng còn hộ dân khác ở Hà Lầm, Hà Tu, những khu vực có thể xa bãi thải hơn, nhưng nguy cơ sạt lở không hề ít. Họ vẫn đang nơm nớp lo sợ khi mà bài học Mông Dương vẫn còn đó. Bài toán này đã và đang được đặt ra, chờ tỉnh Quảng Ninh và ngành than giải đáp.