Chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác

Về các quận ven, huyện ngoại thành trong thời gian này, đi đến đâu cũng thấy người nông dân ngao ngán về phong trào “xây dựng nhà máy, xí nghiệp trên đồng ruộng” nở rộ. Chẳng bao lâu những nhà máy, xí nghiệp này đã biến những cánh đồng phù sa màu mỡ bên hữu ngạn sông Sài Gòn ngày nào giờ trở thành những “cánh đồng chết”. Người nông dân không thể trồng bất cứ một cây gì trên mảnh đất ô nhiễm này.

Cánh đồng hoang vì ô nhiễm

Ông Ba Mường (Nguyễn Văn Mường), ở ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn chỉ tay về cánh đồng hoang vắng tiếc nuối: “Cánh đồng hàng ngàn hécta này đã bỏ hoang từ 4, 5 năm nay rồi. Không ai cấy hái hay gieo sạ gì cả, mặc dù đất ở đây được phù sa sông Sài Gòn bồi đắp rất tốt. Nếu như đến đây khoảng 4 năm trước, không khí của ngày mùa ở đây vui như ngày hội. Người cày bừa, kẻ cấy, khắp cánh đồng nơi nào cũng nhộn nhịp cả rừng người… Còn bây giờ, đây là một cánh đồng hoang vắng, chỉ lác đác vài người đi cắt cỏ trên đồng ruộng bao la này”.

Chị Nguyễn Thị Gái, người láng giềng với ông Ba Mường, cũng có gần 2ha đất ở “cánh đồng hoang” này khẳng định chắc nịch: “Dân trồng lúa thất mùa vì nước của con rạch Dừa này bị ô nhiễm nặng bởi các nhà máy, xí nghiệp thải ra từ đầu nguồn. Trồng lúa cứ chết và thất mùa hoài, cứ mùa này qua mùa kia, riết rồi nông dân ở đây bỏ luôn. Lâu ngày thành đồng hoang là vậy”. Men theo con rạch Dừa, đúng thời điểm con nước đang ròng cạn. Trước mắt là lổn ngổn ống xả nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp ven con rạch xả ra, làm cho con rạch giữa lòng cánh đồng hóa thành rạch đen.

Không khác gì ở Hóc Môn hay quận 12, những “cánh đồng hoang” mà người dân ở địa phương đặt lại tên cho nó cũng xảy ra ở các xã Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, Bình Mỹ… thuộc huyện Củ Chi. Đất ở đây cũng màu mỡ phù sa bởi hệ thống sông Sài Gòn vun đắp. Để khắc phục việc quay lưng với đồng ruộng, chính quyền địa phương đã mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chạy xẻ dọc theo các cánh đồng. Thế nhưng, những con đường rút ngắn khoảng không gian giữa đồng cạn, đồng sâu với xóm làng như thế này vẫn không có tác dụng trước người nông dân vốn không còn thiết tha, lưu luyến gì với ruộng lúa.

Ở ấp 1, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, bác Ba Sơn ngao ngán: “Người dân ở đây bỏ ruộng hoang với lý do trồng lúa bị nước đen từ các nhà máy chế biến mủ cao su. Thấy lúa đứng đòng đòng vậy chứ quên hai, ba ngày ra thăm ruộng thì thấy đám lúa cháy vàng. Chỉ cần châm một mồi lửa là chúng thành đống tro tàn ngay. Các nhà máy bỏ tiền ra đền bù nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Nông dân tụi tui nản quá bỏ ruộng luôn”.

Ban đầu, một người bỏ hoang, và với cái đà nhà máy kéo về nhiều, nạn ô nhiễm phình rộng ra thêm… cứ lan dần, lan dần riết rồi cả xóm, cả ấp cũng đồng loạt bỏ hoang. Gần 80 tuổi, ông Ba vẫn khỏe mạnh ra đồng cắt cỏ về, thế nhưng cứ mỗi khi trời đổ mưa dầm như những ngày này thì ông lại đi vào đi ra tiếc rẻ cho 2,6 ha ruộng của ông trong cảnh hoang hóa mà không còn giải pháp nào để cứu chữa được trước nguy cơ nhà máy gây ô nhiễm thi nhau kéo về đồng ruộng ngày một đông.

Bể chứa chất thải lý tưởng!

Anh Nguyễn V.P., ấp 1 xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi cũng có 2 ha ruộng lúa nằm trong diện “cắm sào do ô nhiễm” bức xúc: “Không hiểu chính quyền địa phương nghĩ sao mà cho nhà máy, xí nghiệp xây dựng trên cánh đồng đang sản xuất nông nghiệp thuần túy. Nước đen từ các nhà máy cứ lan tỏa ra khắp vùng. Không thể nào trồng cây gì lên được vì đây vốn là đồng bưng trũng thấp. Nhưng với các chủ nhà máy, xí nghiệp… thì đây là một nơi xả chất thải lý tưởng, không cần hệ thống chắt lọc nào, cứ thải ra cho môi trường thiên nhiên xử lý (!). Gia sản ông bà để lại chỉ có đất, nhưng đất không sản xuất được thì lấy gì ăn đây?”.

Thực tế câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần với chính quyền địa phương tại các xã, thế nhưng đây là điều ngoài khả năng của các UBND xã. Ngay cả UBND huyện Củ Chi trong năm vừa qua cũng đã phạt nặng hàng chục công ty gây ô nhiễm môi trường tại các xã Tân Phú Trung, Tân An Hội, Tân Thông Hội… Thế nhưng sau khi phạt, tình hình thải chất thải ô nhiễm tạm lắng xuống một thời gian rồi sau đó đâu lại vào đấy. Chẳng những thế mà nhiều nhà máy lại tiếp tục mọc thêm lên trên những cánh đồng, ruộng lúa!