Thủy điện Sông Nam – Sông Bắc: Vẫn lừng khừng!

ThienNhien.Net – Sông Nam- Sông Bắc, thủy điện đầu tiên và duy nhất của Đà Nẵng tới thời điểm này, hiện  vẫn chưa rõ “số phận” ra sao. Dừng hẳn hay tiếp tục cho nhà đầu tư mới triển khai là câu hỏi chưa có lời giải.

Rối và vướng

Thủy điện Sông Nam- Sông Bắc (SNSB) do Cty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công tháng 6-2010 với công suất thiết kế 49,2MW, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Ông Nguyễn Đình Phúc- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, đúng ra dự án đã hoàn thành đúng tiến độ năm 2012 nếu không gặp phải những cái vướng ngoài dự kiến. Cái vướng trước tiên về cơ chế, khi mà dự án đã được phê duyệt chi tiết, bất cứ thay đổi hạng mục nào cũng phải trình lại, mà thời gian mỗi lần như vậy tốn từ 9-12 tháng. Cái vướng tiếp theo là không thể tiến hành giải tỏa đền bù theo tiến độ.

Quy định của TP là chủ đầu tư phải đền bù cho dân tại chỗ, nhưng dự án lại nằm chủ yếu trong rừng thuộc quản lý của Lâm trường Sông Nam, mà phần lớn cán bộ trong lâm trường lại không có hộ khẩu ở Hòa Bắc. Vì thế, chủ đầu tư chỉ đền bù cây cối trên mặt đất. Cán bộ lâm trường không chấp nhận việc đền bù này dẫn tới phản đối dự án, khiến công tác giải tỏa mãi không được. Đơn cử khi chủ đầu tư kéo đường điện 22kW vào để cấp điện cho thi công (sau này đường dây này sẽ cấp điện ngược ra để hòa vào điện lưới) ảnh hưởng khoảng 10 m3 gỗ, nhưng việc đền bù bị “làm khó” phải giải quyết 1,5 năm mới xong.

Theo nguyên tắc khi đầu tư thì DN phải được nhận mặt bằng sạch từ địa phương. Trong trường hợp này chủ đầu tư bỏ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công sau đó địa phương sẽ hoàn trả. Tuy nhiên, những cái vướng trong giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm chễ tiến độ so với dự kiến.

Trong khi đó, năm 2013 Cty Geruco Sông Côn lại thuộc đối tượng phải thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng nên phải dừng đầu tư thủy điện SNSB. Ông Nguyễn Đình Phúc nói, thông thường trong trường hợp này, Geruco Sông Côn sẽ chuyển giao cho đối tác đầu tư mới để thay mình, về phía TP sẽ rút giấy phép của Geruco Sông Côn và cấp cho nhà đầu tư mới. Tuy vậy, công đoạn này bị “ách” lại, cho đến nay TP vẫn chưa rút giấy phép của Geruco Sông Côn.

Trong một diễn biến khác, Nghị quyết số 65/2014/NQ-HĐND ngày 10-7-2014 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, khóa VIII có thông qua Báo cáo số 93 của UBND TP về việc đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện SNSB. Điều đáng nói là Nghị quyết này cũng chưa nêu cụ thể về việc thu hồi hẳn hay tiếp tục cho phép triển khai dự án.

Tức là số phận của dự án vẫn treo lơ lửng từ đó tới nay. Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện nay có 3 nhà đầu tư có văn bản xin được tiếp tục triển khai dự án là Công ty Cổ phần Thủy điện Bitexco-Tả Trạch, Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung và Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn. Văn phòng UBND thành phố đã có phiếu chuyển cho Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn để kiểm tra đề xuất.

Ông Phúc nói, chủ trương của lãnh đạo TP không rõ là dừng hẳn hay cho đầu tư tiếp nên Sở rất khó đề xuất. Nếu bảo phải trả lời câu hỏi nếu đầu tư có xảy ra tình trạng tương tự như thủy điện Sông Tranh không thì rất khó trả lời. Dựa vào báo cáo tác động môi trường cũng không trả lời được câu hỏi này. Nếu muốn có câu trả lời, cần phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khảo sát, đánh giá, sẽ chẳng nhà đầu tư nào làm việc này cả. Còn nếu dựa vào thực tiễn, các thủy điện A Lưới, Sông Côn cũng có cùng điều kiện tự nhiên tương tự như thủy điện SNSB, đến nay vẫn hoạt động bình thường, chưa có sự cố gì.

Một nhánh sông Bắc sẽ dự định xây đập tràn tự nhiên làm thủy điện SNSB. Ảnh: H.T
Một nhánh sông Bắc sẽ dự định xây đập tràn tự nhiên làm thủy điện SNSB. Ảnh: H.T

Tìm lối thoát

Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha nói rằng, lúc cần thì TP kêu gọi nhà đầu tư, nhưng không phải cứ nói rút giấy phép là rút được liền. Thủy điện SNSB nằm trong tổng quy hoạch quốc gia, đến nay Geruco Sông Côn đã đầu tư khoảng 72 tỷ đồng để thực hiện các công đoạn đánh giá địa chất, rà phá bom mìn, thiết kế thủy điện, hệ thống dẫn điện, chi phí giải tỏa đền bù… Nếu thu hồi thì trách nhiệm của TP với số tiền 72 tỷ đồng này thế nào?

Trong tổng số 900 ha dự án thì chủ đầu tư đã đền bù khoảng 300 ha, chủ yếu đất trồng rừng. Số tiền đã đền bù cho người dân sẽ thu hồi thế nao? Hiện tại TP cũng mới có thông báo để người dân trồng cây ngắn hạn từ 3-6 tháng trong đất dự án, nhưng nếu trồng rừng trong thời gian đó làm sao có hiệu quả? Dự án thì tạm dừng mà chưa biết sẽ dừng hẳn hay triển khai lại nên người dân vẫn rất bối rối, làm ăn không yên, họ cần một câu trả lời dứt khoát từ phía chính quyền TP.

Quan điểm của Sở Công Thương cho rằng TP nên tiếp tục cho nhà đầu tư khác thay Geruco Sông Côn làm thủy điện. Ông Phan Văn Kha nói, TP nên làm thủy điện này để lấy nguồn điện dự trữ, khi lưới điện quốc gia gặp sự cố, thiên tai, ít nhất TP cũng có nguồn điện lo cho được các cơ sở trọng yếu.

Hiện tại với nguồn điện dự trữ từ máy phát điện chạy bằng diesel Cầu Đỏ công suất tối đa có 9 MW, trong khi công suất cực đại của TP vào các buổi trưa lên tới 400MW. Mặt khác thủy điện này được xây dựng theo công nghệ đập tràn tự nhiên, không có xả lũ. Vì vậy kể cả mùa hè có nước đầy nó sẽ tự tràn, không ảnh hưởng gì tới hạ nguồn về nông nghiệp, chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đình Phúc phân tích, nếu làm thủy điện này sẽ tích trữ được nguồn nước sạch rất lớn hàng triệu m3, nguồn nước sạch này sẽ tự chảy về nhà máy nước Hòa Liên để xử lý. Nhưng nếu không xây thủy điện này, TP sẽ xây đập chắn nước tại khu vực cầu Phò Nam thì mùa cạn nước không thể tự chảy về nhà máy nước Hòa Liên được phải dùng hệ thống máy bơm công suất 200 ngàn m3 /ngày đêm, rất lãng phí, tốn kém.

Đấy là chưa nói tới việc nếu xây đập lấy nước tại cầu Phò Nam sẽ thu nước cả sông Bắc, sông Nam bao gồm cả Khe Đương, trong khi việc sử dụng Cyanua khai thác vàng ở Khe Đương sẽ khiến nguồn nước không có chất lượng tốt. “Nếu xây thủy điện TP sẽ có điện, nước, giao thông trên đó, có thể biến nơi đó thành khu vực phòng thủ hữu hiệu khi cần thiết”- Ông Phúc nói.