Đại dịch COVID-19 khiến giá nhà trên toàn cầu bùng nổ

Trái ngược với tình trạng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, giá nhà đang có xu hướng tăng mạnh lên đến 25% ở nhiều nước trên thế giới.

Giá nhà trên toàn cầu vừa chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong 30 năm qua. (Ảnh: FR24news.com)

Động lực chính tạo ra đà tăng giá mạnh nhất trong 30 năm qua là những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Giá nhà đang bùng nổ ở hầu hết các nền kinh tế lớn làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của tài chính toàn cầu.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ có 3 trong tổng số 40 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD ghi nhận giá nhà giảm. Theo Financial Times, mức tăng trưởng giá nhà hàng năm của các quốc gia này đạt 9,4% trong quý I. Đây được xem là mức tăng mạnh nhất trong 30 năm qua. Tuy nhiên, giá nhà tăng ở mức hai con số đang trở thành điều bình thường ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ và Canada.

Giá nhà ở Anh tăng khá mạnh do lãi suất thấp. (Ảnh: Richard Horne / Unsplash)

Theo kết quả khảo sát Global Property Guide tiến hành trên 56 thị trường nhà ở lớn trên thế giới, chỉ có 5 thị trường chứng kiến giá giảm trong quý II năm 2021. Thị trường nhà ở Bắc Mỹ đang bùng nổ. Tại đây, giá nhà đã đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung khan hiếm. New Zealand là nơi chứng kiến sự tăng giá mạnh nhất trong năm qua, với 24.18%, Montenegro, 20.42%, Cộng hòa Slovakia, 15.96%, Thụy Điển, 15.14%, và Mỹ, 12.56%.

Kết quả khảo sát của Knight Frank tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trong quý I và quý II năm 2021 cũng cho kết quả tương tự. Giá nhà tại thời điểm quý II đã tăng 9.2% so với một năm trước đó. New Zealand, Mỹ, Úc, Canada, Nga là nhưng nơi có giá tăng cao nhất, lên đến 2 con số. Trước đó, kết quả khảo sát của tổ chức này trong quý I cho thấy giá nhà của nhóm các nước này đã tăng 7.3% so với quý I năm 2020.

Trước đó, kết quả khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tiến hành trên 60 quốc gia cho thấy giá nhà trên toàn cầu đã tăng bình quân 5% trong năm 2020.

Lãi suất thấp, giá vật liệu tăng …

Lãi suất thấp, tiền tiết kiệm được tích lũy khá nhiều trong thời gian giãn cách xã hội và mong muốn có thêm nơi ở mới tiện lợi để làm việc tại nhà đã khiến nhiều người đổ xô mua nhà, ông Enrique Martínez-García, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, được Financial Times dẫn lời.

Đối với người chưa có nhà, chi phí vay thấp khiến cho việc mua nhà trở nên dễ dàng hơn. Những hộ gia đình đã khá giả, họ muốn có thêm một căn nhà nữa sau khi tích lũy được khoản tiết kiệm kha khá trong thời gian giãn cách xã hội, ông Martínez-García cho biết thêm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cho rằng lãi suất thấp là động lực chính khiến cho giá nhà bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, khi vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Giá nguyên vật liệu như thép, gỗ và đồng tăng nhanh cũng góp phần vào tạo ra những cơn sốt giá trên thị trường bất động sản.

Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến mức tăng giá nhà cao nhất trong quý thứ ba với mức tăng 35,5% hàng năm. (Ảnh: UNSPLASH)

Diễn biến thị trường nhà ở Việt Nam 

Giá nhà tại Việt Nam cũng đã không tránh khỏi xu thế này. Theo Global Property Guide, giá nhà tại TP.HCM có phần hạ nhiệt trong quý II năm 2021. Thị trường đã chứng kiến mức tăng giá đến 24,59% trong một năm trước đó. Giá nhà tại TP.HCM tăng bình quân 3,91% nếu tính theo quý.

Thực tế đã chứng minh nhu cầu và giá bất động tại Việt Nam đã tăng bất chấp đại dịch, nhất là khi mỗi đợt bùng phát dịch được kiểm soát.

Dữ liệu từ các công ty tư vấn bất động sản cho thấy cứ sau mỗi đợt dịch, nhu cầu tìm kiếm và đầu tư bất động sản tăng cao bất thường. Điển hình vào tháng 3 năm 2021, có một đợt sốt đất trên diện rộng khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Kết quả của một cuộc khảo sát do batdongsan.com thực hiện gần đây cho thấy hơn 92% khách hàng tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu tìm mua bất động sản trong tương lai và 77% khách hàng cho biết họ có nhu cầu sở hữu thêm hơn 1 loại hình bất động sản để ở và đầu tư. Trong khi đó, 44% khách tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch sẽ mua bất động sản trong 1- 2 năm tới.

Căn hộ chung cư là phân khúc ghi nhận sự phục hồi nhu cầu giao dịch sớm nhất thị trường, khi ngay trong tháng 9/2021, nhu cầu tìm mua sản phẩm này tại TP.HCM tăng hơn 11% dù lúc đó chưa có thông tin thành phố sẽ mở cửa và tái khởi động kinh tế.

Những con số trên cho thấy nhu cầu sở hữu bất động sản trên thị trường vẫn rất lớn nhưng nguồn cung căn hộ mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Thực trạng này xuất phát từ cCác hạn chế khi thực hiện giao dịch bất động sản trực tuyến cũng như tâm lý thận trọng của cả chủ đầu tư và khách hàng.

Bên cạnh tác động ngắn hạn từ lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều dự án buộc phải tạm ngưng bán hàng và triển khai dự án mới, yếu tố “tắc” pháp lý mới là nguyên nhân chính khiến nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm mạnh các năm qua.

Từ năm 2019 đến nay, số lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường TP.HCM liên tục sụt giảm. Thành phố hiện có hơn 100 dự án đang bị “treo”, vướng vì vấn đề pháp lý dự án. Nếu giải quyết ách tắc cho các dự án này thì nguồn cung sẽ cải thiện rất nhiều, ông Tuấn cho biết.

Tại quận Long Biên, Hà Nội, giá chung cư đã tăng từ 15-20% so với năm 2020. (Ảnh: Vneconomy.vn)

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý III/2021 của Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy nguồn cung sơ cấp của chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và 70% theo năm. Nguồn cung căn hộ hạn chế đã thúc đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý III/2021, giá căn hộ tại thị trường thứ cấp tăng lên đến 10%.

Theo CBRE Việt Nam, trong quý vừa qua, chỉ có hai dự án thuộc phân khúc cao cấp thực hiện mở bán qua kênh bán hàng trực tuyến với 1.600 căn hộ, bằng 40% so với quý trước. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp với phân khúc căn này đạt mức 2.271 USD/m2, tăng 17% so với quý III/2020.

Lượng căn bán được trong quý đạt 1.582 căn, giảm 68% so với quý 3/2020 do nguồn cung sụt giảm. Trong 9 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 8.956 căn bán, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020, theo khảo sát của CBRE.

Nguồn cung sẽ tăng trong năm 2022

Với những diễn biến trên thị trường trong thời gian gần đây, giới phân tích cho rằng bất động sản tại TP.HCM sẽ nóng trong năm 2022 trong bối cảnh tăng giá trên phạm vi toàn cầu. Thị trường được nhận định sẽ có nhiều diễn biến tươi sáng hơn trong năm 2022 khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và nguồn cung mới dần quay lại thị trường.

One Central Saigon – một dự án bất động sản hàng hiệu tọa lạc ngay Chợ Bến Thành Quận 1, TP.HCM dự kiến ra mắt trong năm 2022.

Theo CBRE, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM năm 2022 sẽ phục hồi gần 70% so với cùng kỳ, lên 22.000 căn và tăng gần 56% so với cùng kỳ lên 34.000 căn vào năm 2023.

Trong số nguồn cung mới, có thể kể đến một số dự án bất động sản hàng hiệu với sự tham gia của các thương hiệu xa xỉ trong và ngoài lĩnh vực khách sạn, trong đó có thể kể đến One Central Saigon tại trung tâm Quận 1. Các dự án này dự kiến tiếp tục đẩy mặt bằng giá căn hộ tại TP.HCM lên mức kỷ lục mới.

Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều lực đẩy để hướng đến phát triển tích cực. Sức cầu nhà đất tăng là yếu tố sẽ tác động mạnh đến sự hồi phục của thị trường hậu COVID-19.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine tại Việt Nam đang ở mức cao và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong giai đoạn đầu năm 2022, khi kinh tế được kiểm soát tốt với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 3-3,4%.