Đồng Tháp: Tín hiệu vui từ phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Lúa thơm, sen và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế khác đã và đang giúp nông dân Đồng Tháp từng bước thoát nghèo, làm giàu. Đây là cơ sở để các địa phương tiếp tục thực hiện phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Trồng lúa thơm, nông dân Thanh Bình thoát nghèo

Những ngày này, về huyện Thanh Bình, đâu đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện sắm tivi, mua xe gắn máy và cất nhà mới. Đó là thành quả của những vụ mùa bội thu, đặc biệt từ khi huyện mạnh dạn đưa giống lúa thơm vào sản xuất.

Bà Lê Thị Phiến, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, Thanh Bình xuống giống được trên 20.900ha lúa, trong đó có 8.700ha lúa thơm, chủ yếu là giống Jasmine85 và VĐ20. Địa phương chúng tôi có truyền thống sản xuất lúa thơm từ lâu, nhất là các xã cù lao”.

Ông Bùi Thanh Dũng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện nhớ lại: “Thanh Bình trồng lúa thơm từ năm 1995, ban đầu chỉ sản xuất vài trăm hecta ở các xã cù lao, năng suất đạt 7 tấn/ha. Để dân tin, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con trong suốt quá trình canh tác và sản xuất, nhằm khẳng định đất Thanh Bình thích hợp với cây lúa thơm. Những năm sau đó, diện tích lúa thơm tăng dần và phát triển bền vững đến ngày nay”.

Xã Tân Mỹ là một trong những địa phương tiên phong phát triển lúa thơm, người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc lúa. Ông Trương Văn Tám, Phó chủ tịch UBND xã Tân Mỹ nhẩm tính, năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá luôn ở mức 3.300 – 3.800 đồng/kg, 8.700ha lúa thơm cho thu lãi không dưới 8 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Thành Vinh ở ấp 1, xã Tân Mỹ hồ hởi chỉ 3 mẫu ruộng lúa thơm VĐ20 của mình và khẳng định: “Trồng loại lúa này tuy khó vì phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nhưng nếu được mùa thì trúng lớn. Giàn lúa của tôi năm nay cầm chắc 40 giạ/công (khoảng trên 8 tấn)”.

Anh Hồ Văn Thuận đứng kế bên cũng góp lời: “Trồng “anh” này có mấy cái sướng, thứ nhất dễ bán, thứ hai luôn được giá cao, thế nên mọi người mới có tiền để bàn chuyện sắm đồ chớ”.

Trồng sen cho thu nhập khá

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, nhiều nông dân hai huyện Tháp Mười và Cao Lãnh chuyển sang trồng sen thay vì độc canh cây lúa. Sen có thể trồng được trên mọi chất đất, ít sâu bệnh, chi phí thấp, lợi nhuận cao nên ngày càng được nhiều người đưa vào sản xuất. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 442ha sen.

 thuhoachsen

Thu hoạch sen

Tận dụng mùa nước lũ, khi thu hoạch xong lúa hè thu, bà con tranh thủ trồng một vụ sen kế tiếp và chọn giống sen Đài Loan cho thu nhập cao. Hiệu quả kinh tế từ sen cao gấp 2 – 3 lần trồng lúa, công chăm sóc và chi phí lại ít hơn nhiều.

Anh Bùi Văn Trí ở ấp Mỹ Thọ 1, xã Mỹ Thọ (Cao Lãnh) cho biết: “Mùa lũ vừa qua tôi trồng 2ha sen Đài Loan, chúng phát triển tốt, cho nhiều gương. Tôi đã thu hoạch hơn một tháng nay, mỗi lần hái 4.000 gương. Hiện giá bán cho thương lái là 500 – 1.000 đồng/gương, tùy loại. Trong trường hợp gương sen mất giá, tôi chuyển sang trồng sen lấy ngó hoặc hạt sen phơi khô với giá bình quân 10.000 đồng/kg”.

Bên cạnh các hộ trồng sen thu hoạch gương, một số khác trồng sen lấy ngó. Hộ anh Bùi Văn Trọng ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý (Tháp Mười) tận dụng mặt nước 2.000m2 để trồng sen lấy ngó. Ban đầu anh mua hơn 1.000 bụi sen con với giá 200.000 đồng, chỉ sau 2,5 tháng là thu hoạch được, cứ 1 tuần anh cắt một lần được hơn 60kg, bán được 5.000 – 6.000 đồng/kg, bình quân anh thu về hơn 15 triệu đồng/năm. Điều đặc biệt là trồng sen trong ao có thể thu hoạch lâu dài từ 4 – 5 năm.

Năm nay, nghề trồng sen mùa lũ có xu hướng tăng bởi nó không chỉ giúp bà con có công ăn việc làm, tăng thu nhập mà con góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cải thiện đời sống cho bà con.