Nhiều công trình nước sạch tiền tỷ “đắp chiếu”

ThienNhien.Net – Theo thống kê Hà Tĩnh hiện có 49 nhà máy nước sạch được xây dựng thì có hơn 10 nhà máy đã bị “khai tử”, thậm chí trong số đó có những công trình đầu tư hàng tỷ đồng từ nhiều năm nay nhưng chưa một lần đưa vào sử dụng. Trong khi đó, người dân đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày…

Đầu tư tiền tỷ nhưng không hoạt động

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở miền Trung đang khiến cho nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Ở nhiều địa phương tại Hà Tĩnh, nhiều người dân đã phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh từ ao hồ, sông suối để sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, bên cạnh là nhiều nhà máy nước đầu tư tiền tỷ rồi bị bỏ hoang, người dân hết sức bức xúc.

Có mặt tại nhà máy nước xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, chứng kiến nhà máy nước thành nơi trú nắng của hàng chục con trâu, bò dưới cái nóng trên 40 độ khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Đây là công trình được đầu tư gần 1 tỷ đồng theo nguồn vốn của dự án UNDP và DFID,  khởi công năm 2008 và đến năm 2009 hoàn thành, dự kiến khi đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước sạch đầy đủ cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Thật oái oăm, khi xây xong, người dân bỏ tiền ra lắp đặt đường dẫn để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình thì nhà máy phải đóng cửa, không thể hoạt động,

Nhà máy nước sạch xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà được đầu tư hơn ba tỷ đồng nhưng không hoạt động. (Ảnh: Đức Cảnh - Trung Báo)
Nhà máy nước sạch xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà được đầu tư hơn ba tỷ đồng nhưng không hoạt động. (Ảnh: Đức Cảnh – Trung Báo)

Bà Nguyễn Thị Minh – Chủ tịch UBND xã Đức Dũng cho biết: “Nhu cầu sử dụng nước sạch từ nhà máy của người dân rất cao, bởi nguồn nước ngầm đang sử dụng bị ô nhiễm. Thế nhưng, nhà máy mới hoạt động thử được hai ngày thì phải dừng. Đến năm 2013, có đoàn về khảo sát, đánh giá lại thì thấy công trình không phát huy được nên tỉnh đã cho thanh lý”. Theo bà Minh, việc đóng cửa nhà máy nước có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Việc xây dựng nhà máy nước chưa có kỹ thuật, bồn thiết kế thấp, trong khi đó đường ống nước lại bị rò rỉ nhiều nơi, đã vậy quá trình khảo sát thực tế không rõ nên nguồn nước lấy về không đảm bảo.

Được đầu tư bài bản, nguồn vốn gần 7 tỷ đồng, công trình nhà máy nước xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ thời gian đầu được coi là điểm sáng để các địa phương khác học hỏi. Thế nhưng, vừa mới chạy thử thì nay cũng phải “đắp chiếu”. Được biết, đây là công trình do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Tĩnh (thuộc sở NN&PTNT Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2009, đến năm 2010 hoàn thành.

Ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Đức Lạng giải thích, việc nhà máy nước không thể vận hành là do việc xử lý nguồn nước đầu nguồn không tốt, thường xuyên mắc kẹt dẫn đến nhiều lần cháy máy và hư hỏng các đường ống. Mặc khác, khi xây dựng công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang và Cầu Đồng Văn đã làm dòng chảy bị bồi lấp nên không thể cho máy vận hành. Về phía địa phương, công tác vận hành, bảo dưỡng nhà máy cũng chưa được triển khai tốt.

Từ khi nhà máy nước đi vào hoạt động đến nay luôn gặp sự cố, khi khắc phục được vấn đề này thì vấn đề khác lại nảy sinh dẫn đến tình trạng nhà máy không thể vận hành được thường xuyên và liên tục làm ảnh hưởng một phần không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân. Xã cũng đưa ra các phương án khắc phục để nhằm đưa lại nguồn nước phục vụ cho nhân dân khi nơi đây việc nguồn nước bị ô nhiễm xăng dầu nặng nên nhu cầu sử dụng nước lại cần thiết hơn ai hết nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả, ông Hiệp cho biết thêm.

Nhiều hạng mục của công trình xuống cấp không thể khắc phục. (Ảnh: Đức Cảnh - Trung Báo)
Nhiều hạng mục của công trình xuống cấp không thể khắc phục. (Ảnh: Đức Cảnh – Trung Báo)

Theo thống kê trên địa bàn Hà Tĩnh, hiện có 49 công trình nhà máy nước đã được đầu tư xây dựng, nhưng số nhà máy hoạt động tốt và đạt công suất tối đa như mong muốn thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số đó. Việc bị thanh lý hay không mang lại hiệu quả chiếm tỉ lệ cao, câu hỏi vì sao bỏ tiền tỷ đầu tư nhưng không sử dụng đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Đoàn Văn Khang – Trưởng phòng Kế hoạch của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Tĩnh, cho biết: “Thực trạng nhiều nhà máy nước được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không có hiệu quả tồn tại từ lâu, đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm giải quyết thực trạng này, thống nhất giao trách nhiệm vận hành nhà máy cho địa phương nơi có nhà máy. Theo đó, Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước tỉnh về việc nhà máy hoạt động không hiệu quả”. Ông Khang phân tích thêm, việc tận dụng các dự án, các nguồn hỗ trợ khác nhau dẫn đến việc xây dựng công trình tràn lan, không đồng bộ. Nhiều đơn vị chủ đầu tư có năng lực yếu kém dẫn đến hàng loạt nhà máy nước bị khai tử là đương nhiên.

Theo thống kê của Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường Hà Tĩnh: Ngoài 10 công trình nước sạch phải thanh lý do không thể hoạt động vào năm 2013, mới đây nhà máy nước Gia Dù ở Cẩm Xuyên và nhà máy nước Hương Lâm ở Hương Khê cũng phải giải thể, lý do là không còn phương án khắc phục. Ngoài ra, có khoảng chục nhà máy không hoạt động hoặc hoạt động kém chất lượng như: Nhà máy nước Cương Gián, huyện Nghi Xuân, nhà máy nước xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà và bốn nhà máy ở các xã Sơn Tây, Sơn Kim, Sơn Lĩnh của huyện Hương Sơn,… đến nay các địa phương đã có đề nghị xin thanh lý…?!.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khó khăn khác trong việc giải quyết  hàng loạt nhà máy nước “xin” khai tử là do thiếu nguồn vốn và do việc quản lý, vận hành của địa phương không tốt, xây dựng đề án, khảo sát chưa đúng quy trình.

Lý giải về việc này, ông Đoàn Văn Khang cho biết: “Nguồn vốn chủ yếu là dựa vào các dự án, các nguồn khác nhau nên xuất hiện nhiều chủ đầu tư khác nhau. Chính vì vậy, các nhà máy  thiết kế không đồng bộ. Người quản lý có vai trò điều hành và duy trì, bảo dưỡng làm việc chưa hiệu quả. Nguồn thu không đủ chi nên dẫn đến những tình trạng đáng tiếc xảy ra”.

Quang cảnh hoang tàn của nhà máy nước 7 tỷ đồng ở xã Đức Lạng. (Ảnh: Đức Cảnh - Trung Báo)
Quang cảnh hoang tàn của nhà máy nước 7 tỷ đồng ở xã Đức Lạng. (Ảnh: Đức Cảnh – Trung Báo)

Trong khi rất nhiều nhà máy nước bị khai tử gây lãng phí thì một số nhà máy có hoạt động hiệu quả như: Nhà máy nước ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ; nhà máy nước xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Thế nhưng, những nhà máy này lại có công suất nhỏ, do thiết kế không hợp lý nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Một câu hỏi được đặt ra: Ai phải chịu trách nhiệm đằng sau những dự án đầu tư tiền tỷ không hoạt động?.