Đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề “TAM NÔNG” trong quá trình phát triển khu công nghiệp

Phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất (dưới đây gọi chung là KCN) nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, thực tiễn cũng đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy vai trò to lớn của các khu công nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm.

Thực hiện chủ trương của Trung ương về phát triển các khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa tỷ trọng công nghiệp từng địa phương và toàn vùng ngày một tăng, hầu hết các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đều cố gắng thành lập các KCN và xem đó như là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và giải quyết việc làm.

Tính đến nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã quy hoạch và hình thành được 111 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 24.091 ha, các KCN tập trung nhiều nhất với quy mô lớn là tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang; trong đó tỉnh Long An có số lượng khu, cụm công nghiệp và diện tích nhiều nhất là 24 khu, với tổng diện tích gần 8.278 ha, chiếm 35% diện tích các khu, cụm công nghiệp toàn vùng, kế đến là Kiên Giang có 9 khu, tổng diện tích 7.111 ha, chiếm 29% diện tích các khu, cụm công nghiệp của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các khu (kể cả cụm công nghiệp) đã thu hút được 494 dự án gồm: 70 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 485,723 triệu USD và 424 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 5.867 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động. Có thể nói, các khu công nghiệp trong vùng là động lực để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và trên thực tế các khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm tốt nhiệm vụ này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển các khu công nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự phát triển các ngành công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến.

Thực tiễn xây dựng và phát triển các khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra nhiều vấn đề đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Những người “làm khu công nghiệp” lẫn người nông dân chưa tính hết được những vấn đề phát sinh sau khi “khu công nghiệp hoá” các vùng sản xuất nông nghiệp vốn rất trù phú và là lợi thế so sánh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, bài toán đặt ra là cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn, cũng như đến việc ổn định và nâng cao đời sống của người nông dân trong vùng.

Đối với phát triển nông nghiệp

Những năm qua, các khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng 24.091 ha đất nông nghiệp. Nếu tính cả phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng vào việc đô thị hoá xung quanh các KCN thì con số này còn cao hơn nhiều lần. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp trong toàn vùng có giảm, song sản xuất nông nghiệp vẫn tăng qua các năm. Đến nay, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn đến 35% giá trị sản xuất nông nghiệp và 66% giá trị sản xuất thuỷ sản của cả nước. Trong đó, lúa chiếm 54% sản lượng của cả nước, và hầu hết lượng gạo là xuất khẩu; thủy sản chiếm 54% sản lượng và hơn ½ được xuất khẩu; cây ăn trái (cây ăn quả và cây có múi) chiếm 65% sản lượng cả nước.

Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp giảm để chuyển đổi mục đích sử dụng, những kết quả của sản xuất nông nghiệp như trên là rất đáng trân trọng. Nguyên nhân chính là do các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực đưa tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời phát triển mạnh công nghiệp chế biến, sau thu hoạch. Một số doanh nghiệp chế biến trong khu công nghiệp đã liên kết với nông dân thực hiện sản xuất trọn gói theo quy trình từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu. Các dự án phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất phân bón, nông dược, thức ăn gia súc trong khu công nghiệp đã đóng góp tích cực, tác động thúc đẩy nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Mặc dù đã phần nào góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn, nhưng các khu công nghiệp vẫn chưa giúp được nhiều cho sự nghiệp hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Vai trò động lực, vai trò kích cầu của các khu công nghiệp đối với ngành nông nghiệp chưa thể hiện rõ. Tuy hầu hết các địa phương đều có những chương trình khuyến khích sự hợp tác giữa “bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiện đại, nhưng trên thực tế, sự hợp tác này vẫn chưa có hiệu quả.

Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có một số mô hình liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhưng nhìn chung còn lỏng lẻo và hiệu quả chưa thật sự nổi bật. Các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra vẫn thường xuyên trong tình trạng canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”; và ngược lại các sản phẩm công nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững. Một số vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng hoá từ các vùng khác chuyển đến hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.

Khi đánh giá về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có ý kiến cho rằng, phát triển khu công nghiệp gây ra lãng phí quỹ đất đai. Việc lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở vùng đất thâm canh, tăng vụ có năng suất lúa cao, có hệ thống thuỷ lợi đầy đủ đang gây khó khăn cho nông dân tại chỗ nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung. Thêm vào đó, nhiều khu công nghiệp được triển khai ồ ạt, thiếu tính toán, chạy theo thành tích gây ra tình trạng các quy hoạch KCN bị “treo” quá lâu. Nhiều khu công nghiệp được thành lập khá lâu, nhưng nhà máy, xí nghiệp hiện đại chẳng thấy đâu, chỉ thấy những dải đất mầu mỡ, trù phú ngày nào giờ bị phơi nắng dầm mưa.

Cùng với những KCN “treo”, cuộc sống của nông dân có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp cũng “treo” luôn. Điều đó đã tạo thêm sự bức xúc cho nông dân. Sự lãng phí đất còn thể hiện ở chỗ tỷ lệ lấp đầy ở một số KCN thấp: Ví dụ như: KCN An Nghiệp (Sóc Trăng), sau một thời gian khá dài xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đến nay mới có 17 doanh nghiệp thuê 82,96 ha đất, với năm doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, trong khi tổng diện tích quy hoạch cho thuê lên đến 178 ha. Những doanh nghiệp vào thuê đất hiện nay đa số là các đơn vị trong tỉnh.

Như vậy, có thể nói, việc phát triển các khu công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua mặc dù đã sử dụng một quỹ đất khá lớn đất nông nghiệp (chủ yếu là những nơi “đắc địa”), nhưng những tác động tích cực trở lại của các khu công nghiệp đối với sự phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng. Nói cách khác, lợi ích do phát triển khu công nghiệp đem lại đối với nông nghiệp chưa xứng với chi phí (cả trước mắt và lâu dài) mà nông nghiệp phải “hy sinh” để xây dựng các khu công nghiệp.

Đối với phát triển nông thôn

Một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hiện đại hoá nông thôn. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, các khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Các khu công nghiệp trong vùng đã phần nào tạo nên một diện mạo nông thôn mới, mang lại văn minh đô thị, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội cho khu vực rộng lớn được đô thị hoá.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng trong những năm qua chủ yếu bám vào các vùng ven, những đô thị có sẵn hoặc những vị trí thuận lợi như ven đường, ven sông, gần trục lộ chính. Điều đó đã dẫn đến một hệ quả là mối quan hệ giữa các khu công nghiệp với nông thôn chưa rõ nét. Các khu công nghiệp đã góp phần đô thị hoá nông thôn nhiều hơn là hiện đại hoá nông thôn. Việc quy hoạch và xây dựng đồng bộ các khu dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội gắn với các khu công nghiệp chưa được chú trọng. Do đó, đến nay hàng hoạt vấn đề mới phát sinh làm thay đổi bộ mặt, cơ cấu xã hội ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng người lao động di cư một cách tự phát, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như trật tự, an ninh, nhà ở, đời sống văn hoá… không được tính toán đầy đủ khi lập quy hoạch và đánh giá các tác động của KCN. Vì vậy, sau nhiều năm đổi mới, bộ mặt nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn chưa mang dáng dấp của một nông thôn trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thêm vào đó, cùng với sự phát triển khu công nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đang phải đối mặt với vấn đề môi trường do các nhà máy thải ra. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ, tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 47 triệu m3/ năm, chất thải rắn 220 nghìn tấn và vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, sẽ tác động đáng kể đến tài nguyên môi trường, phát triển bền vững của vùng.Hiện các khu công nghiệp đều bị ô nhiễm bụi do hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng…Nồng độ khí SO2, CO, NO2 trong không khí đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa dạng sinh học, nơi cung cấp lượng lương thực lớn nhất nước, nuôi trồng và chế biến thủy sản lớn nhất nước nhưng cũng là vùng hết sức nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương bởi tác động môi trường. Xét theo lợi thế so sánh thì đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất “trời cho” để phát triển nông nghiệp sinh thái. Có rất ít vùng sản xuất nông nghiệp trên thế giới có lợi thế mạnh như đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, các nhà kinh tế môi trường đã đưa ra lời cảnh báo: với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao với vùng đất nhạy cảm thì nên tránh xa ra ngay từ đầu, một khi đã đưa vào rồi thì ngăn chặn không dễ mà đóng cửa cũng không xong.

Đối với việc làm và nâng cao đời sống nông dân

Hiện nay, có một thực tế là cơ cấu ngành kinh tế của vùng có sự chuyển biến khá rõ. Trong cơ cấu GDP, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Theo số liệu của Văn phòng VCCI Cần Thơ, trong 10 năm, khu vực I giảm được 12% trong GDP và 7% trong cơ cấu lao động; trong khi đó khu vực II tăng được 7,3% trong GDP và 3,5% trong cơ cấu lao động; khu vực III tăng được 5% trong GDP và 3,5% trong cơ cấu lao động. Như vậy, đang có sự chuyển dịch từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch chậm hơn cơ cấu GDP. Tỷ lệ lao động tập trung trong nông nghiệp vẫn khá cao; thời gian nông nhàn của lao động nông thôn còn lớn. Để giải quyết vấn đề này, các tỉnh đều coi việc phát triển khu công nghiệp là một giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giúp nông dân “ly nông” nhưng không “ly hương”.

Thật vậy, quá trình phát triển các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm qua đã tạo ra tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động trực tiếp. Nếu so với khả năng tạo việc làm thì những con số này chưa phải là lớn và chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng điều quan trọng đáng nói ở chỗ: phần lớn những lao động này là lao động trẻ (có đến 90% lao động có độ tuổi từ 18 đến 35), có khả năng nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới. Họ được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, phương thức quản lý làm việc theo công nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng đội ngũ lao động mới, có kỷ luật, có kỹ thuật và có năng suất cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng.

Hơn nữa, tạo việc làm đồng nghĩa với tạo thu nhập cho người lao động, tác động tích cực đến việc xoá đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng dân cư, đồng thời góp phần giảm các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây nên. Nếu tính cả số lao động gián tiếp và những công việc “ăn theo” nhờ việc mở mang khu công nghiệp thì con số thoát nghèo là rất lớn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các KCN luôn luôn là chiếc “túi thần” hút lao động ở nông thôn. Có một thực tế là việc phát triển các khu công nghiệp tất yếu phải đi liền với việc thu hồi đất, mà chủ yếu là đất nông nghiệp của một bộ phận nông dân. Đứng trên quan điểm phát triển, việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp là chủ trương đúng đắn, góp phần tích cực chuyển một bộ phận lao động ở nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp. Nhưng nếu xét riêng bộ phận bị thu hồi đất thì quá trình đó đang làm cho không ít nông dân đang bị mất đất, mất việc làm, không tìm được việc làm mới. Trong số 32.000 lao động được tạo ra trong các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, liệu có bao nhiêu phần trăm trong số đó là nông dân bị thu hồi đất và con em của họ! Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng chắc chắn con số này không cao. Điều này cũng dễ hiểu vì các doanh nghiệp khu công nghiệp cần tuyển dụng lao động có trình độ, đã được đào tạo theo từng nghề nhất định, trong khi đó phần đông nông dân chỉ biết nghề làm ruộng, chăn nuôi ở trình độ thấp, hoặc nghề thủ công truyền thống; chưa có tác phong làm việc công nghiệp.

Thêm vào đó, những hộ nông dân giao đất để xây dựng các khu công nghiệp, sau khi nhận được tiền đền bù hay hỗ trợ đã sử dụng chúng theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều gia đình biết dùng số tiền đó để đào tạo lại, chuyển đổi ngành nghề, nhanh chóng ổn định được cuộc sống và tạo tiềm năng để phát triển kinh tế lâu dài. Nhưng cũng có không ít gia đình sau khi nhận được tiền đền bù đã sử dụng không hiệu quả, tiêu xài hoang phí, để sau một thời gian ngắn hết tiền, mất điều kiện sinh sống lâu dài, trở thành những bần cố nông thực thụ.

Từ thực tế trên, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù các địa phương và bản thân các nhà đầu tư cũng đã rất cố gắng trong việc thu hút lao động nông thôn dôi dư, lao động bị mất đất vào làm việc trong các khu công nghiệp, nhưng việc phát triển các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa thật sự góp phần xứng đáng vào việc giải quyết vấn đề lao động – việc làm ở nông thôn.

Một số kiến nghị giải quyết vấn đề “tam nông” trong quá trình phát triển KCN vùng đồng bằng sông Cửu Long

Để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình phát triển các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, xin nêu một số ý kiến đề xuất sau:

Thứ nhất, mở rộng sự liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến trong các khu công nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế so sánh về sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mọi công đoạn đều có liên kết với nhau. Kết quả của công đoạn này tuỳ thuộc vào điều kiện vận hành của một số công đoạn khác. Do đó, hướng phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long là phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến trong các khu công nghiệp; giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng mô hình “hệ thống toàn bộ” để đảm bảo tổ chức sản xuất liên hoàn, thực hiện sự phân công và hợp tác có hiệu quả từ sản xuất đến tiêu dùng.

Thứ hai, khuyến khích, tăng cường thu hút các dự án phục vụ nông nghiệp. Thời gian qua, các khu công nghiệp trong vùng đã thu hút được một số dự án lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ nông nghiệp như sản xuất phân bón, nông dược, thức ăn gia súc… Các doanh nghiệp này đã có những đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, gần đây có một số địa phương, do chạy theo thành tích, hay vì một lý do nào đó đã phê duyệt cả những dự án mà mình có ít lợi thế so sánh như: may mặc, giày dép…Thật ra, nếu nói điều kiện để phát triển các ngành này thì có nhiều nơi còn khó khăn hơn đồng bằng sông Cửu Long nhiều. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là không có điều kiện, mà xét theo lợi thế so sánh thì đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất “trời cho” để phát triển nông nghiệp sinh thái. Do đó, các địa phương trong vùng nên chọn ưu tiên, khuyến khích những ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp – ngành mà vùng đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế so sánh nhất. Có như vậy, đồng bằng sông Cửu Long mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ ba, nâng cao chất lượng quy hoạch các khu công nghiệp. Cần rà soát quy hoạch vùng một cách kỹ lưỡng, xác định xây dựng các khu công nghiệp đến mức độ nào là hợp lý, những vùng đất nào phải để cho sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm sự liên kết toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như phát triển liên vùng chung cho cả khu vực phía Nam. Trong công tác quy hoạch cần tính toán đầy đủ các yếu tố kinh tế lẫn phi kinh tế; tránh chồng chéo, trùng lắp. Cần quán triệt chủ trương, quy hoạch xây dựng đến đâu, xúc tiến đầu tư, lấp đầy đến đấy; chỉ khi các KCN đã được thành lập có tỷ lệ lấp đầy trên 60% thì mới xem xét thành lập tiếp các KCN mới. Có như vây, quỹ đất nông nghiệp dành để phát triển các khu công nghiệp mới được sử dụng hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh các khu công nghiệp. Chúng ta cần phải: (1) Ngay từ đầu kiên quyết không phê duyệt, hoặc có phương án xử lý hiệu quả để hạn chế những dự án gây ô nhiễm nặng đến môi trường như các dự án sản xuất sợi, giấy…; (2) Đối với những dự án đã phê duyệt, cần tăng cường đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải chung cho cả khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp vừa và nhỏ. Buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải phù hợp, thực hiện chủ trương “ai gây ô nhiễm, người đó phải chi trả”.

Thứ năm, ổn định đời sống và giải quyết việc làm cho nông dân và con em họ khi giao đất xây dựng khu công nghiệp. Có thể nói đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Thực tế ở nhiều địa phương, nông dân không muốn giao đất để xây dựng khu công nghiệp. Vì sau khi giao đất, nhận được một khoản tiền đền bù, nhưng đời sống của họ cũng không khá hơn, thậm chí về lâu về dài, nhiều nơi nông dân còn gặp khó khăn hơn lúc chưa giao đất. Trước đây, nhiều nơi có chủ trương “đổi đất lấy công trình”; thiết nghĩ, hiện nay cần chuyển thành “đổi đất lấy việc làm” để xây dựng và phát triển nông thôn bền vững.

Trên góc độ quản lý vĩ mô, Nhà nước cần: (1) Có phương án đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Phương án đào tạo phải gắn với phương án sử dụng, bố trí việc làm sau khi người nông dân được đào tạo lại; (2) Có chế tài cụ thể bắt buộc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đơn vị sử dụng đất trong việc giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất; (3) khuyến khích phát triển mạnh các nghề thủ công truyền thống, các nghề phi nông nghiệp ở nông thôn. Điều này không chỉ có ý nghĩa tạo ra việc làm và thu nhập cho lao động ở những vùng bị thu hồi đất, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; (4) Đối với những lao động trên 35 tuổi, ít có khả năng chuyển đổi nghề khi bị thu hồi đất, nên chăng chính quyền địa phương cần dành một phần đất gần với khu công nghiệp cấp cho họ để họ tổ chức các hoạt động dịch vụ như cho thuê nhà trọ, bán hàng tạp hoá, quán ăn… góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện cuộc sống.