Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020

ThienNhien.Net – Năm 2020, kinh tế thủy sản sẽ góp 30-35% GDP khối nông-lâm-ngư nghiệp. Đây là 1 mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.


Chiến lược này đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng.

Theo quyết định của Thủ tướng, quan điểm phát triển thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất-khai thác tài nguyên tái tạo, lợi thế của nghề cá nhiệt đới, chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại.

Với quy mô này, ngành thủy sản phấn đấu đến năm 2020, tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.

Định hướng 5 vùng phát triển thủy sản

Chiến lược phát triển thủy sản nước ta đến năm 2020 chỉ rõ định hướng phát triển thủy sản theo 4 lĩnh vực là khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ thủy sản, cơ khí đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó là định hướng phát triển thủy sản ở 5 vùng trên lãnh thổ nước ta là vùng đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vùng Đông Nam bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên.

Cụ thể, với vùng đồng bằng sông Hồng, một trong những định hướng là phát triển nuôi trồng thủy hải sản ở vùng biển đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Đối tượng nuôi trồng chính của vùng là các loài cá nước ngọt truyền thống, thủy đặc sản nước ngọt, cá rô phi, nhuyễn thể, tôm biển, rong biển, cua biển, cá biển,…

Với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, định hướng tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống hải sản tại các tỉnh Nam Trung bộ để đến năm 2020, Nam Trung bộ trở thành trung tâm sản xuất giống hải sản tập trung lớn nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ở vùng Đông Nam bộ, ngư trường khai thác chính là vùng biển Đông Nam bộ, Biển Đông và hợp tác khai thác viễn dương với các nước ASEAN.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt sẽ tập trung áp dụng và nhân rộng tiêu chuẩn GlobalGAP đối với công nghiệp sản xuất cá tra. Chú trọng đối với 2 sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn là tôm và cá tra. 

Vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên, sẽ phát triển nuôi thủy sản hồ chứa và trên các vùng nước ven sông, suối gắn với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân.

Dự kiến 57.400 tỷ đồng thực hiện Chiến lược

Dự kiến kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 là 57.400 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, vốn ODA, FDI và các nguồn khác theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Trong số các giải pháp được đưa ra để thực hiện Chiến lược này có nội dung thành lập Viện Thủy sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3 và Viện Nghiên cứu Hải sản; thành lập mới Viện Thú y Thủy sản và Viện Nghiên cứu Thủy sản đồng bằng sông Cửu Long thuộc Viện Thủy sản Việt Nam.