Điều tra làm rõ đường dây” xẻ thịt rừng giống A Sờ”

ThienNhien.Net – Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng bài “Tan hoang rừng giống A Sờ“, nhiều bạn đọc nêu ý kiến: Vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng… Vậy những đối tượng thực hiện hành vi trên là ai?

Để trả lời câu hỏi trên không hề đơn giản, bởi sau loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra tại rừng giống A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang, Quảng Nam) được Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải, các đầu nậu cũng như lâm tặc đều  “quy ẩn” để đối phó với dư luận và trốn tránh sự điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã từng bước lần ra những đối tượng chuyên tàn phá rừng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những đối tượng chuyên khai thác gỗ trái phép tại khu rừng giống A Sờ tất cả đều là người từ các địa phương khác, như: H. Đại Lộc (Quảng Nam), Hà Tĩnh, Nghệ An… Số người này được tổ chức theo từng nhóm riêng biệt, được phân công từng khâu cụ thể: khai thác, vận chuyển, tiêu thụ.

Từ năm 2012 đến những tháng đầu năm 2015 tại xã Macooih có 2 nhóm chuyên khai thác gỗ trái phép tại rừng giống A Sờ, gồm: nhóm do L. (trú Nghi Lộc, Nghệ An) cầm đầu với 3 người là L., H., C. và một nhóm do ông P. “đen” (trú H. Đại Lộc) cầm đầu có 5 lao động: T. (con trai ông P.), T. “trọc”, D. “Bắc”, D. “Nam” và V. Xét về lượng người, do là người địa phương (Quảng Nam) nên nhóm ông P. đông hơn nhưng xét về thâm niên phá rừng thì nhóm của L. lâu hơn; mỗi nhóm có một địa điểm khai thác khác nhau. Trước khi khai thác, mỗi nhóm tổ chức thăm dò và đánh dấu từng cây để tránh việc khai thác trùng dẫm lẫn nhau.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tại 1 bãi gỗ do lâm tặc bỏ lại trong rừng A Sờ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tại 1 bãi gỗ do lâm tặc bỏ lại trong rừng A Sờ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Tâm sự cùng chúng tôi, một “lâm tặc” trong nhóm của L. mà chúng tôi tiếp xúc được, cho biết: Ở quê chẳng có việc gì để làm nên từ năm 2012 đến nay theo anh L. vào H. Đông Giang khai thác gỗ. Công việc chẳng mấy phức tạp nhưng rất vất vả nên cần phải có sức lực để vượt qua. Bù lại, nghề khai thác “gỗ lậu” thu nhập cũng khá cao so với những nghề khác. Những lúc lực lượng kiểm lâm hoặc cảnh sát kinh tế truy quét thì cả nhóm “án binh bất động” hoặc đi nơi khác, đợi lúc im ắng sẽ quay lại tiếp tục công việc. Đa số những đối tượng khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giống A Sờ đều là những thanh niên “sức dài vai rộng” nhưng thuộc diện thất nghiệp vào đây bám rừng để kiếm sống, họ làm theo “lệnh” của những “ông chủ”, bất chấp cả đêm tối hoặc trời mưa gió.

Chúng tôi hỏi: “Có biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật”? Một “lâm tặc” từng theo nhóm của ông P., trả lời: “Em vẫn biết khai thác gỗ trái phép là sai trái nhưng ở quê thất nghiệp, chỉ mong có được việc làm, kiếm thêm thu nhập giúp gia đình. Hơn nữa, chuyện gì xảy ra đã có ông chủ lo” (!?). Vậy ông chủ là ai?- chúng tôi hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu, từ chối trả lời. Một số khác thì tâm sự: Biết “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng vì cuộc sống đành… chấp nhận.

Nhiều khúc gỗ lớn bị lâm tặc cưa nhưng chưa kịp xẻ phách còn bỏ lại trong rừng A Sờ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Nhiều khúc gỗ lớn bị lâm tặc cưa nhưng chưa kịp xẻ phách còn bỏ lại trong rừng A Sờ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những đối tượng trực tiếp vào rừng khai gỗ trái phép, tại địa bàn xã Macooih còn có một số đối tượng giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép. Anh M., trú thôn A Sờ, xã Macooih, cho biết: Trước đây, có gia đình ông L.,  nuôi gần 10 con trâu để vận chuyển gỗ lậu. Với nguồn thu nhập từ việc vận chuyển, một thời gian ngắn họ đã tích đủ số tiền để mua ô-tô tải. Do thu nhập khá cao nên trong thôn vẫn có nhiều gia đình chuyên làm công việc vận chuyển gỗ lậu. Và, theo anh T., trú thôn A Sờ, cho hay: Tại xã Macooih hiện có 2 xưởng cưa do ông H. (trú TP Đà Nẵng) và ông T. (trú H. Đại Lộc) làm chủ. Dưới danh nghĩa chuyên cưa xẻ gỗ rừng trồng, gỗ nương rẫy chế biến làm bao bì nhưng cả 2 xưởng cưa trên đều liên quan đến những đối tượng phá rừng.

Tìm hiểu thêm về hoạt động của 2 xưởng cưa này, nhiều người sống trong khu vực đều cho hay, từ năm 2012 đến nay, xưởng cưa của ông T., hoạt động khá tấp nập, với số lượng hàng chục người từ các địa phương khác đến làm các công việc khai thác, vận chuyển, cưa xẻ, tiêu thụ “gỗ lậu”. Công việc được tổ chức theo quy trình khép kín, gỗ sau khi khai thác được đưa về  sơ chế theo đúng quy cách của khách trước khi đưa đi tiêu thụ. Và, theo nhiều người xưởng cưa ông T., được xem là “vựa” gỗ lậu tại Macooih.

Với những chứng cứ được thu thập, cho thấy trong thời gian qua tại địa bàn xã Macooih, H. Đông Giang đã tồn tại một đường dây khép kín từ khai thác đến tiêu thụ gỗ lậu và đường dây này đã làm cho rừng giống A Sờ bị tan hoang. Hiện nay, cơ quan CA vẫn đang tiếp tục xác minh, thu thập thông tin để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật đối với vụ phá rừng nói trên. Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp tục tìm hiểu, phản ánh đến bạn đọc những thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng trong số báo gần nhất.