Mất đất vì thủy điện

ThienNhien.Net – Khi Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đi vào hoạt động cũng là lúc nhiều hộ dân ở 2 xã Tây Giang và Tây Thuận, huyện Tây Sơn phải sống trong nỗi lo sợ vì tình trạng sạt lở đất ở suối Cát diễn ra hằng ngày.

“Trước đây, lòng suối Cát chỉ rộng khoảng 15-20 m. Từ năm 2011, khi Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak bắt đầu xả nước, suối Cát “ngoạm” dần vào đất hoa màu của chúng tôi hàng chục mét. Hiện lòng suối rộng đến 70-80 m, thậm chí có đoạn lên đến 100 m. Riêng gia đình tôi, trước đây được cấp 5 sào đất (mỗi sào 500 m2) trồng đậu phộng nhưng đã bị nước cuốn trôi hơn một nửa. Phần diện tích còn lại thì không trồng được gì vì bị cát bồi lấp” – ông Nguyễn Tuấn Minh (ngụ thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) bức xúc.

Không riêng gì ông Minh, hàng chục hộ dân được nhà nước cấp đất trồng hoa màu cạnh suối Cát (thuộc thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang và thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận) cũng chung số phận. Nhiều người dân 2 thôn này cho biết 4 năm qua, nạn xâm thực ở suối Cát đã khiến hàng chục ha đất trồng hoa màu của họ bị mất trắng. Tại nhiều đoạn, lòng suối khoét sâu tạo thành những bờ vực dựng đứng khoảng 5 m, rất nguy hiểm.

Thủy điện An Khê - Kanak xả nước gây sạt lở, mất hàng chục hecta đất canh tác của người dân. (Ảnh: Anh Tú)
Thủy điện An Khê – Kanak xả nước gây sạt lở, mất hàng chục hecta đất canh tác của người dân. (Ảnh: Anh Tú)

Ông Ngô Tốt, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, xác nhận từ năm 2011-2013, do Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak xả nước với lưu lượng lớn vào suối Cát nên đã làm sạt lở gần 15 ha đất sản xuất của người dân địa phương. Năm 2014, Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (chủ đầu tư) đã phối hợp với UBND huyện Tây Sơn kiểm kê, bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu cho người dân và xây bờ kè tại suối Cát.

Tuy nhiên, do việc xây bờ kè chỉ tiến hành ở một số đoạn bên bờ suối Cát nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và lan sang xã Tây Thuận. “Mới đây, khi tình trạng sạt lở tiếp diễn mạnh, UBND xã đã gửi văn bản cho Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak yêu cầu trả lời và giải quyết dứt điểm nhưng hiện xã vẫn chưa nhận được phản hồi” – ông Tốt nói.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết vừa nghe phản ánh của người dân và đã cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường kiểm tra vụ việc để có hướng xử lý.