Nhập than vì an ninh năng lượng – lí do quá xa vời

ThienNhien.Net – Có thể tạm chấp nhận nếu ai đó nói rằng việc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia là vì các lí do “muôn thuở” như: than nhập khẩu tốt hơn, nhu cầu trong nước không đáp ứng kịp hoặc phải cân đối tài chính… bởi đơn vị này vốn dĩ hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu than – khoáng sản. Tuy nhiên, nếu nói nhập than vì mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia thì điều đó lại trở nên quá xa vời đối với một doanh nghiệp (luôn đặt lợi nhuận là số một) như TKV.

Câu chuyện về ngành than, về cách “hành xử” với tài nguyên quốc gia không là chuyện mới. Không ít lần dư luận đã lên tiếng chỉ trích những bất cập trong công tác xuất nhập loại tài nguyên thiết yếu này nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể. Chiến lược ngành than đến năm 2015, định huớng đến 2025 đã được phê duyệt với mục tiêu “đủ khả năng đáp ứng về cơ bản nhu cầu trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” nhưng ngay trong chiều 13/6/2011, chuyến tàu chở hơn 9.570 tấn than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia đã cập cảng Cát Lái (TP HCM). Và theo tính toán của TKV, năm 2012 Việt Nam sẽ còn phải nhập gần 10 triệu tấn, đến 2015 nhập 28 triệu tấn, sau 2020 trở đi mỗi năm nhập thêm 100 triệu tấn.

Nguyên nhân của việc “khắc xuất, khắc nhập” này suy cho cùng cũng vì lợi ích các ngành, cụ thể ở đây là ngành than và các ngành sử dụng lượng than tương đối lớn như ngành điện, xi măng, phân bón… Ngành nào cũng đưa ra những lí lẽ tưởng chừng rất thuyết phục nhưng suy cho cùng chỉ có tài nguyên quốc gia là bị “chảy máu”, chỉ có nền kinh tế phải chịu trận và chỉ có người tiêu dùng bị lãnh đủ bởi tất cả đều lũy tiến theo “cơn bão giá”.

(Ảnh minh họa: dvt.vn)

Thiết nghĩ có hai điều mà ngành than đang “hoang tưởng”. Thứ nhất, Việt Nam không phải là Nhật Bản, Hàn Quốc hay những nước vốn có nền công nghệ sử dụng than tiên tiến nên việc chúng ta nhập than chưa chắc đã đem lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, trong lần nhập than vừa rồi, TKV lại nhập chính loại than mà chúng ta đã và đang tích cực xuất khẩu. Thứ hai, trong giai đoạn từ 2005 – 2010, TKV đã tăng vốn đầu tư lên 8 lần nhưng lợi nhuận thu về lại gần như không tăng, nhiều khi còn “kêu” khó.

Có lẽ không nên và không thể trông chờ vào việc TKV sẽ đảm bảo an ninh năng lượng (than) cho Việt Nam, vì thế ngay từ bây giờ, mỗi người dân hãy tự biết cứu mình, giảm chi tiêu, chắt bóp, dành dụm tiền mà “đợi” ngày than tăng giá, rồi xi măng, phân bón cũng cùng nhau tăng giá.