Lâm trường, Cty lâm nghiệp ở Yên Bái sống dở chết dở!

ThienNhien.Net – Tỉnh Yên Bái hiện có 4 Cty lâm nghiệp và 3 lâm trường. Các lâm trường gần như đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay, sống như chết, còn các Cty lâm nghiệp thì dật dờ.

Khai thác gỗ rừng trồng ở Yên Bình. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Khai thác gỗ rừng trồng ở Yên Bình. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Việc tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cần mạnh tay cắt bỏ những khối u ác tính đã di căn mới mong phát triển…

Từ năm 2010 tỉnh Yên Bái thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh, chuyển đổi thành các Cty TNHH MTV lâm nghiệp, còn 3 lâm trường: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn không thể chuyển đổi được do nợ ngập đầu, kinh doanh không hiệu quả thì vẫn khoác chiếc áo lâm trường.

Kể từ năm 2013 Lâm trường Lục Yên không báo cáo nổi tài chính cũng như các hoạt động kinh doanh, đồng nghĩa lâm trường này đã chết. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của Lâm trường Lục Yên là không quản lý được nguồn vốn, đất đai khiến cho nợ nần ngập đầu không thể trả nổi.

Theo bảng cân đối kế toán gửi Sở Tài chính tỉnh Yên Bái, tới ngày 31/12/2012 Lâm trường Lục Yên có tổng nợ 26,591 tỷ (lấy tròn số). Trong đó nợ ngắn hạn 18,34 tỷ, nợ dài hạn 8,25 tỷ.

Tình trạng nợ nần diễn ra từ nhiều năm nay đối với Lâm trường Lục Yên, nhìn vào đâu cũng thấy nợ, nợ tứ tung ngũ hành, nợ triền miên năm này qua năm khác: Nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ người bán hàng, nợ thuế nhà nước… Xin nêu vài con số nợ nần bất tận của lâm trường này: Nợ phải trả người bán hàng 4,331 tỷ, nợ thuế 3,049 tỷ, nợ người lao động 492,043 triệu…

Ông Ngô Phạm Khái – GĐ Xí nghiệp Phân bón hóa chất Apatit Việt Nam cho biết: Lâm trường Lục Yên mua của Xí nghiệp 100 tấn phân bón cho dự án trồng chè từ tháng 1/2008, với số tiền là 500 triệu. Đến nay đã hơn 7 năm trời, xí nghiệp đã bao nhiêu lần cử người tới đòi nợ, nhưng lâm trường vẫn cứ chây ì không chịu trả.

Được biết Lâm trường Lục Yên không chỉ nợ chúng tôi mà còn nợ nhiều khách hàng khác, đến nỗi muốn bắt nợ nhưng không có tài sản gì để bắt. Giám đốc Lâm trường ông Nguyễn Quang Trịnh thì không thể gặp nổi để đối chiếu công nợ.

Không rõ lâm trường này hoạt động ra sao, nếu họ giải thể hay phá sản thì chúng tôi còn xử lý được, còn hiện nay số nợ đó vẫn treo trên sổ sách không quyết toán nổi…

Cám cảnh với những món nợ khó đòi của LT Lục Yên, bà Nguyễn Thị Kim Nga – Phó GĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái cho biết: Số nợ mà Lâm trường Lục Yên nợ NH chúng tôi đến nay là 10,827 tỷ. Đây là món nợ quá hạn đã lâu và không biết đến bao giờ lâm trường trả được.

Ngoài nợ Ngân hàng Đầu tư – Phát triển, Lâm trường Lục Yên còn nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái 8,427 tỷ cả gốc và lãi. Gồm 5 món nợ vay trồng rừng từ năm 1997 đến năm 2003. Các món nợ trồng rừng kinh doanh ít là 2 chu kỳ khai thác, nhiều là 3 chu kỳ nhưng đến nay lâm trường vẫn chưa trả nổi.

Không chỉ vay trồng rừng lâm trường còn vay mở rộng xưởng SX giấy đế và đũa xuất khẩu. Có thời gian Lâm trường Lục Yên nổi như cồn được nhiều lãnh đạo tỉnh và Trung ương tới thăm, đánh giá là mô hình điểm trong phát triển kinh tế kết hợp giữa trồng rừng và chế biến.

Với hai dây chuyền SX giấy đế và một dây chuyền SX đũa, người dân trồng và bảo vệ rừng huyện Lục Yên mừng khấp khởi vì có nơi tiêu thụ: Tre, nứa, vầu… là lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng.

Nhưng tiếc thay, chỉ sau vài năm hoạt động hai cơ sở SX giấy đế và đũa XK phải đóng cửa vì nợ nần và thua lỗ trầm trọng buộc phải đóng cửa. Máy móc phải bán để trả nợ, tất cả vốn liếng tan tành mây khói.

Lo lắng tiền vay bị mất, ngày 5/7/2011 Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư – Phát triển, chi nhánh tỉnh Yên Bái, đã cùng nhau lập biên bản phát mại tài sản thế chấp đối với Lâm trường Lục Yên để thu hồi nợ.

Gỗ rừng trồng ở xưởng chế biến ván bóc. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Gỗ rừng trồng ở xưởng chế biến ván bóc. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Bao gồm các tài sản hình thành từ vốn vay: Máy móc thiết bị dây chuyền SX giấy đế, nhà cửa, vật kiến trúc, công trình phụ trợ, quyền sử dụng đất… Nhưng khổ nỗi Lâm trường Lục Yên không chỉ nợ các ngân hàng mà còn nợ nhiều bạn hàng khác, với món nợ 26,591 tỷ, dẫu bán hết tài sản cũng không trả hết nợ. Tài sản đáng giá nhất của lâm trường hiện là khu nhà làm việc, còn nhà máy và ô tô thì đã cầm cố hay đội nón ra đi từ lâu.

17052015_chetkochondc3

Bà Phạm Thị Thanh Trà – Chủ tịch tỉnh Yên Bái: Trong đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần nhanh chóng sắp xếp lại các Cty lâm nghiệp và lâm trường, đơn vị nào làm ăn có hiệu quả thì cho phép tồn tại, còn lại thì giải quyết dứt điểm cho phá sản hay giải thể, không để tình trạng sống dở chết dở như hiện nay, nhà nước vừa không thu được thuế và tiền thuê đất, mà hiệu quả sử dụng đất lại rất kém…

Lâm trường Văn Yên cũng vay vốn Ngân hàng Đầu tư – Phát triển và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Yên Bái. Tổng số vốn vay của hai ngân hàng là 8,137 tỷ để trồng rừng kinh doanh và trồng chè từ năm 1998 đến năm 2003. Rừng đã khai thác nhưng không trả nợ ngân hàng, còn đồi chè thì thành đồi… chè vè.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – GĐ Lâm trường Văn Yên than thở: Khi nhậm chức GĐ tôi phải tiếp nhận các món nợ mà các thế hệ GĐ trước để lại. Lâm trường vay tiền cho dân trồng rừng và trồng chè thì không đòi được, nợ chồng chất, tiền lãi gần bằng tiền gốc rồi.

Đất đai đã bàn giao cho Cty Cao su 935 ha, đất lâm trường quản lý hiện chỉ còn 527 ha, do không có vốn nên diện tích này công nhân và người dân tự bỏ vốn trồng rừng. Khả năng trả được nợ vô cùng khó khăn, chúng tôi đang lập phương án giải thể, để 16 cán bộ, công nhân còn lại được hưởng chế độ nào thì hưởng…

Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Bình vay vốn trồng rừng của Ngân hàng Đầu tư – Phát triển từ năm 2000 đến 2003, các thế hệ GĐ ở đây đã chặt cây bán từ lâu nhưng không trả nợ ngân hàng, nợ nần để lại cho thế hệ sau, tệ hại hơn có GĐ còn chặt cả cây chưa đến tuổi khai thác trước khi nghỉ hưu.

Tổng số nợ mà Cty đang nợ ngân hàng là 3,474 tỷ, trong đó nợ gốc là 1,643 tỷ, nợ lãi 1,831 tỷ. Ông Phạm Đăng Hân – GĐ Cty ngán ngẩm: Hiện nay chúng tôi đang phải kéo cày trả nợ, làm được đồng nào là lo trả nợ ngân hàng…

Làm việc với PV Báo NNVN, ông Trần Văn Bảo, GĐ Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái, cho biết: Hiện nay ngân hàng chúng tôi có 4 đơn vị nợ xấu đó là: Cty Lâm nghiệp Thác Bà, Cty Lâm nghiệp Yên Bình, Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên với tổng số nợ là 12,8 tỷ. Ngân hàng chưa thể khoanh nợ được vì các đơn vị này đang tồn tại…

Nhận xét về hoạt động kinh doanh của các lâm trường ở Yên Bái, ông Vũ Văn Minh – GĐ Sở Tài chính không ngần ngại: Các lâm trường hiện giờ chỉ là những xác chết chưa chôn được. Tỉnh Yên Bái đang tìm các phương án giải thể hay phá sản, nhưng còn nhiều điểm vướng chưa làm được…